(HTV) - Các giải pháp canh tác cà phê hiệu quả, mang lại giá trị cao đã được nêu ra và thảo luận tại hội nghị sơ kết chương trình canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu niên vụ 2023 - 2024.
Hội nghị do Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột. Thực tế hiện nay, việc phát triển cà phê vẫn chưa bền vững. Đầu tư phân bón vẫn chiếm tỉ lệ cao trong giá thành và thay đổi khi thị trường có biến động, hay tình trạng xen cà phê với các cây trồng khác nhưng chưa có quy trình canh tác phù hợp.
Việc phát triển cà phê hiện tại vẫn chưa bền vững
Một yếu tố khác nữa là tình hình khí hậu ngày càng khắc nghiệt nên Phân bón Bình Điền đã nghiên cứu tìm giải pháp "canh tác cà phê thông minh" để chống biến đổi khí hậu. Chương trình có sự đồng hành của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên và trung tâm khuyến nông của 05 tỉnh Tây Nguyên cùng nhiều chuyên gia trong hội đồng khoa học kỹ thuật của công ty.
Phân bón Bình Điền đã nghiên cứu tìm giải pháp "canh tác cà phê thông minh" để chống biến đổi khí hậu
“Đối với mỗi loại cây trồng và mỗi giai đoạn sinh trưởng sẽ có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau. Tùy theo từng chất đất, nhu cầu dinh dưỡng khác nhau. Canh tác thông minh vì các giải pháp canh tác hướng dẫn bà con nông dân có thể tự điều tiết được lượng phân bón hay nước tưới hay những yêu cầu vật tư cho cây trồng. Điều này sẽ giúp bà con tự nhận biết và thay đổi chủ động bảo đảm bà con có năng suất, tiết kiệm vật tư đầu vào để tăng hiệu quả kinh tế”, ông Ngô Văn Đông - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền chia sẻ.
Về các mục tiêu của chương trình, ông Nguyễn Văn Bộ - nguyên Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học kỹ thuật công ty cổ phần Phân bón Bình Điền cho biết: “Chương trình có mục tiêu xây dựng quy trình canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu áp dụng cho vùng Tây Nguyên. Qua đó giúp nông dân giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong canh tác, hướng đến phát triển cà phê bền vững và giảm phát thải khí nhà kính. Cây cà phê sử dụng rất nhiều nước, phân bón, do vậy nguồn phát thải khí nhà kính rất cao và cần được điều chỉnh thông qua quy trình canh tác mới.”
Với cách tiếp cận vừa khoa học vừa thực tiễn, chương trình đã thu thập 200 mẫu đất để phân tích trên 2.300 chỉ tiêu nông hóa, tiến hành điều tra trên 500 hộ sản xuất cà phê để đánh giá thực trạng sức khỏe đất.
Từ các nghiên cứu, trong niên vụ 2024 - 2025, các nhà khoa học nông nghiệp triển khai 15 mô hình tại 5 tỉnh Tây Nguyên gồm: Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai và Kon Tum với việc sử dụng các sản phẩm phân bón mới của Bình Điền như: phân bón cải tạo đất, phân bón có bổ sung vi sinh vật.
“Xuất phát điểm của chương trình canh tác cà phê thông minh là bước tiếp theo của chương trình canh tác lúa thông minh tại Đồng bằng Sông Cửu Long rất thành công. Chúng tôi quan tâm ở đây trước tiên là từ hiện trạng sản xuất của cây cà phê. Thứ 2 là đặc điểm đất đai. Chúng tôi tiến hành phân tích đánh giá để xác định yếu tố hạn chế, từ đó đưa ra quy trình canh tác mới hoặc điều chỉnh quy trình canh tác hiện có. Cũng trên cơ sở phát hiện yếu tố hạn chế, công ty thiết kế công thức phân bón mới phù hợp về mặt chủng loại, tỉ lệ, ưu tiên yếu tố về mặt hóa học bổ sung thêm yếu tố về mặt sinh học, đặc biệt là chủng vi sinh vật phù hợp với mỗi loại đối tượng cây trồng”, ông Nguyễn Văn Bộ chia sẻ thêm.
Hội nghị sơ kết chương trình canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu niên vụ 2023 - 2024
Cà phê là nông sản xuất khẩu quan trọng thứ 2 sau lúa gạo và năm 2024 kim ngạch xuất khẩu có thể đạt mốc 5,5 tỷ USD. Riêng tỉnh Đắk Lắk có diện tích 210.000 ha, hằng năm thu hoạch đạt hơn 520.000 tấn cà phê, chiếm hơn 30% sản lượng cà phê toàn quốc. Cà phê của Đắk Lắk đã xuất khẩu sang hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9