(HTV) - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội phát hiện gần 2.800 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 4,7 lần so với cùng kỳ 2022, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Số ca mắc tiếp tục tăng dẫn đến số ca nhập viện tăng.
Tại Bệnh viện E, từ tháng 7 đến nay, mỗi ngày Khoa Bệnh nhiệt đới của Bệnh viện tiếp nhận hơn chục bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, đa số là phụ nữ mang thai, người cao tuổi và người có nhiều bệnh lý nền. Chị Thu Trang bị sốt và mệt mỏi nhiều ngày nhưng không biết bản thân bị mắc sốt xuất huyết. Chị tự nhờ người đến nhà truyền nước vài ngày liền nhưng không đỡ. Sau đó, chị đã đi xét nghiệm sốt xuất huyết và được bác sĩ chỉ định nhập viện cấp cứu để điều trị.
"Mình thì chủ quan nghĩ là sốt bình thường nên không vào viện. May là mình được vào viện cấp cứu kịp thời", chị Đặng Thị Thu Trang - Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ.
Chị Đặng Thị Thu Trang - Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Còn chị Quỳnh Phương, ngay khi thấy mình bị sốt cao, đã chủ động nhập viện khám và cũng được xác định mắc sốt xuất huyết. Dù đã có triệu chứng nặng nhưng do nhâp viện điều trị kịp thời nên chị đã tránh được nguy hiểm.
Chị Tống Quỳnh Phương - Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết: "Mình thấy hoa mắt, chóng mặt và buồn nôn. Thi thoảng mình bị sốt và bị xuất huyết, chảy máu chân răng."
Chị Tống Quỳnh Phương - Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Bác sĩ CKII Đào Văn Cao - Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện E, Hà Nội cho rằng: "Sốt xuất huyết thì những ngày đầu có thể sốt cao, sau đó đến ngày thứ tư đến thứ bảy sức khỏe sẽ giảm sút và có triệu chứng giảm tiểu cầu với xuất huyết nặng. Cho nên thời điểm đó phải theo dõi công thức máu để theo dõi tiểu cầu thường xuyên tránh trường hợp diễn biến nặng gây sốc và tử vong."
Bác sĩ CKII Đào Văn Cao - Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện E, Hà Nội
Cũng theo các chuyên gia về y tế, hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu sốt xuất huyết, chủ yếu là trị triệu chứng và theo dõi dấu hiệu cảnh báo. Người bệnh cần nhập viện khi có một trong số các dấu hiệu như: Xuất huyết niêm mạc, ví dụ răng, mũi, tiêu hóa; đau bụng vùng gan; nôn nhiều; xét nghiệm tiểu cầu giảm nhanh và máu cô đặc; nước tiểu ít, giảm nhiều; tràn dịch đa màng, ví dụ phổi, bụng,...
Hà Nội phát hiện gần 2.800 ca mắc sốt xuất huyết tính từ đầu năm đến nay
Khi sốt cao, thuốc hạ sốt không có tác dụng, hoặc ho, đau mỏi cơ thể, cũng nên đến bệnh viện để thăm khám. Ngoài ra, người dân cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, diệt muỗi, ngủ mùng thường xuyên và không tự ý mua thuốc và điều trị tại nhà.