Giá cước vận chuyển hàng qua đường biển tiếp tục tăng cao

THANH VÂN - VIỆT TRUNG - THÁI PHƯƠNG - HỒ ĐỨC - QUỐC KHANH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 23/8/2024, 13:11

(HTV) - Ngành dệt may đang chịu áp lực từ chi phí vận chuyển cao, làm tăng giá sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp khác lo ngại sản phẩm của họ có thể bị thay thế.

Mỗi năm giá cước tàu biển tăng cao đều có dấu mốc đáng nhớ. Ví dụ như, năm 2021, giá cước tàu biển tăng do dịch COVID-19, do thiếu container rỗng. Đến năm 2022, giá cước tăng do ảnh hưởng của chiến tranh Nga và Ukraine. Và từ đầu năm đến nay, giá cước vận tải biển chịu ảnh hưởng bởi căng thẳng Biển Đỏ tăng đột biến, và tình trạng tắc nghẽn vận chuyển hàng hóa đường biển lan rộng sang châu Á ngày càng nhiều, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gần như không có sự lựa chọn bởi đội tàu biển trong nước hiện chỉ đảm nhận vận chuyển khoảng 10 - 15% thị phần, chủ yếu các tuyến gần như Đông Nam Á, Trung Quốc, còn lại phụ thuộc vào hãng tàu nước ngoài. 

Ông Nguyễn Thi Nhân - Giám đốc Kinh doanh Công ty SME Worldwide Logistics cho biết: “Chi phí vận chuyển giờ báo giá thành từng nửa tháng, có trường hợp chỉ 1 tuần, chứ không cố định 1 tháng nữa nên rất khó khăn cho doanh nghiệp. Chứ giờ tăng đột biến như vậy rất là khó, không ai dự đoán được hết”.

Từ cuối tháng 7, tuy giá cước được điều chỉnh, nhưng giảm rất nhẹ và trung bình mỗi tuần, lại giảm thêm khoảng 3-4% so với tuần trước đó nên tính chung đến nay đã giảm 20% - 30% so với đỉnh điểm. Dù vậy, mức giá này vẫn tăng gấp 3 lần so với trước đó nên giải pháp của các doanh nghiệp trước mắt vẫn là đàm phán để cùng nhau chia sẻ khó khăn.

Nguyễn Nhật Nguyên - Giám đốc Kinh doanh Công ty Vận chuyển Thương mại Biển Xanh chia sẻ: “Hiện tại những doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng đang cố gắng đàm phán về chi phí vận tải để cả 2 cùng gồng gánh với nhau. Thứ 2 là doanh nghiệp logistics cũng đang cố gắng hỗ trợ một phần. Ví dụ như giá cước tăng 1.000 USD thì mình chỉ tăng 700 - 800 thôi, để đầu năm sau, giá cước quay trở lại thì mình bù lại những chi phí mình đã mất trong năm vừa rồi”.

Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, tỷ lệ hàng hóa xuất nhập khẩu trực tiếp đặt chỗ từ chủ hàng Việt Nam thấp, chủ yếu khách hàng Việt Nam theo hình thức giao nhận hàng tại cầu cảng Việt Nam khoảng trên 80%, nên việc ký hợp đồng vận tải và trả giá cước vận tải thường do đối tác nước ngoài đảm nhận.

Về phía doanh nghiệp, cho rằng việc tăng giá cước lần này là câu chuyện cũ đã từng lập lại nhiều lần mỗi khi có biến động xảy ra, luôn gây khó cho doanh nghiệp và chúng ta cũng không thể cứ mãi phụ thuộc vào các hãng tàu quốc tế như vậy. Về lâu dài, Bộ Giao thông vận tải cần có những phương án chủ động phát triển hãng tàu Việt Nam đủ năng lực thì xuất khẩu mới có thể tránh được tình trạng bị làm giá trong vận chuyển.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: