Gạo neo ở giá cao, nguồn cung dồi dào

THANH TÂN - VŨ TUYÊN - XUÂN HẠO // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 10/9/2023, 11:20

(HTV) - Trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu gần 5,9 triệu tấn gạo, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này vượt so với đối thủ trực tiếp là Thái Lan với 5,3 triệu tấn.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu ngày 07/9 tiếp tục xu hướng giảm, duy trì quanh mức 628 - 643 USD/tấn. Cùng đà giảm với gạo Việt Nam, giá gạo Thái Lan, Pakistan cũng quay đầu giảm. Trong khi đó, ở thị trường nội địa, tại một số tỉnh ở ĐBSCL, cuối tuần này giá gạo tại một số địa phương có sự thay đổi. Một số nơi tăng nhẹ, một số nơi vẫn ổn định như trước.

Một đại lý gạo tại TP. Thủ Đức, TP.HCM

Tại các cửa hàng cũng như doanh nghiệp kinh doanh gạo tại TP.HCM, nguồn cung vẫn dồi dào, tuy nhiên gạo tiêu thụ nội địa vẫn neo ổn định ở mức cao, chứ không tăng thất thường như trước.

Anh Nguyễn Quyền Đức - Chủ một đại lý gạo tại TP. Thủ Đức cho biết 1 tuần trở lại đây giá gạo không còn nhảy múa theo giờ như trước. Tuy nhiên sức mua có phần chậm lại.

Các loại gạo tiêu thụ nhiều là Đài thơm, Nàng hoa, đó là những loại gạo có giá bán dao động từ 17.000 - 20.000 đồng/kg.

Trong khi trước đây, giá cao nhất ở 14.000 - 15.000 đồng/kg. Anh cho rằng gạo đang ổn định và neo ở giá cao, đồng thời hy vọng sắp tới giá gạo ổn định ở giá thấp để cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ dễ dàng hơn.

Chị Trâm - cũng là người buôn bán gạo chia sẻ: "Giá gạo tăng thì nhanh, giảm thì chậm, hiện không đoán trước tình hình nên chỉ dám nhập cầm chừng vừa đủ bán, không dám mua nhiều. Việc giá neo ở mức cao ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, vì lên 1.000 - 2.000 đồng mà người ta mua 5 - 10 kg thì cũng ảnh hưởng trong thời buổi kinh tế khó khăn".

Các loại gạo tiêu thụ nhiều là Đài thơm, Nàng hoa, với giá bán dao động từ 17.000 - 20.000 đồng/kg 

Các nhà làm gạo trong nước vẫn đang chờ đợi động thái mới từ các nhà nhập khẩu quốc tế. Trước diễn biến mới từ Philippines, nhà xuất khẩu khá lo lắng khi thị trường tiêu thụ lớn này có thể giảm nhập trong thời gian tới. Tuy nhiên, điều này lại là tin vui với người tiêu dùng nội địa. Ông Nguyễn Lưu Tường - Giám đốc Công ty Gạo Ngon Nhất cho rằng hiện Philippines áp giá trần bán lẻ, nếu doanh nghiệp nước này nhập với giá cao sẽ bị lỗ nên đã có động thái xin ngưng và hủy, trong khi lượng gạo nhập vào nước này từ Việt Nam là 40%. Khi họ không nhập nữa có thể giá gạo trong nước có chiều hướng giảm trong thời gian tới. 

Về việc giá lúa gạo vẫn neo ở mức cao, các doanh nghiệp cho rằng cơ chế thị trường sẽ có sự tăng giá nhất định nhưng không ảnh hưởng tới nguồn cung vì với lượng dự trữ quốc gia hiện nay và thời gian thu hoạch một vụ chỉ 3 tháng. An ninh lương thực của Việt Nam vẫn được đảm bảo cùng với đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời, điều quan trọng đáng tự hào là Việt Nam hoàn toàn đảm bảo an ninh lương thực dù biến đổi khí hậu kéo dài, vì chúng ta sản xuất 365 ngày, có những giống ngắn ngày có khả năng đạt năng suất cao. Các nhà khoa học và nông dân có khả năng sản xuất gạo khi thiếu nếu chấp nhận tăng đầu tư một chút. Chúng ta rất linh hoạt trong việc đảm bảo an ninh lương thực, điều đó có nghĩa là chúng ta có niềm tin với các quốc gia khi cần mua gạo một cách nghiêm túc.

 Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời

Trong bối cảnh nhu cầu và giá gạo thế giới vẫn ở mức cao, Cục Trồng trọt cho biết sẽ cơ cấu tăng diện tích gieo trồng lúa vụ Thu Đông năm 2023 ở ĐBSCL từ 650.000 ha lên 700.000 ha, để góp phần phục vụ nội địa và cả xuất khẩu.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: