“Dự án Giáo dục trẻ em gái Việt Nam” là bước đầu tiên hướng tới việc xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ mở rộng cơ hội giáo dục, việc làm cho phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số.
Tập đoàn CJ đã khởi động Giai đoạn 2 của dự án “We are ABLE: Vì Cuộc sống và Giáo dục Tốt hơn” dành cho các em học sinh dân tộc thiểu số ở Việt Nam, những người bị thiệt thòi về mặt giáo dục. Dự án này là hoạt động đóng góp xã hội toàn cầu bắt đầu vào năm 2019 nhằm tăng khả năng tiếp cận giáo dục cho các em dân tộc thiểu số ở Việt Nam và mở rộng cơ hội việc làm cho phụ nữ tại những khu vực nghèo khó của đất nước.
Tiếp nối giai đoạn I, giai đoạn II kéo dài 02 năm của Dự án nhắm tới chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng về việc giáo dục trẻ em dân tộc thiểu số, trao quyền cho giáo viên, nhân viên và giáo dục tại các tỉnh Ninh Thuận, Cao Bằng và Kon Tum. Với giai đoạn II, Tập đoàn CJ hỗ trợ 250.000 đô-la (khoảng 6 tỷ đồng) cho một chiến dịch cấp quốc gia sẽ được tổ chức nhằm vào các nhà quản lý chính sách giáo dục và các nhà hoạch định chính sách để đưa ra các kế hoạch hành động cụ thể, cũng như thúc đẩy chương trình giáo dục từ cấp cơ sở ở địa phương.
Tham dự buổi lễ ra mắt “We Are ABLE - Dự án giáo dục trẻ em gái Việt Nam” giai đoạn II ở Hà Nội có Bà Min Hee-kyung, Phó Tổng giám đốc của CJ CheiJedang – đồng thời là Giám đốc Xúc tiến các Hoạt động xã hội của Tập đoàn; Bà Justine Sass- Giám đốc Giáo dục và Bình đẳng giới tại Trụ sở chính của UNESCO, và Christian Manhart, Giám đốc UNESCO Việt Nam, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, và Bà Bế Thị Hồng Vân - Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách Dân tộc, Việt Nam Ủy ban Dân tộc và nhiều quan khách thuộc các Bộ ngành của Bộ Giáo dục và Ủy Ban Dân tộc.
Trên thực tế, thông qua dự án đầu tiên, tỷ lệ vào trung học cơ sở của học sinh dân tộc thiểu số tại các tỉnh triển khai đã tăng khoảng 8% và tỷ lệ vào trung học phổ thông tăng hơn 10%. Theo kết quả khảo sát mức độ hài lòng về giáo dục được thực hiện đối với các sinh viên tham gia dự án đầu tiên, 98,5% số người được hỏi cho rằng việc cải thiện kiến thức giao tiếp và năng lực nghề nghiệp của họ rất hữu ích cho cơ hội xin việc.
Bà Min Hee-kyung - Giám đốc Xúc tiến các Hoạt động xã hội của Tập đoàn, cho biết: “Lý do dự án ở Giai đoạn I có thể kết thúc thành công bất chấp tình hình COVID-19 là do sự tham gia nhiệt tình và tận tụy của tất cả những người tham gia, bao gồm học sinh, giáo viên, phụ huynh, cộng đồng địa phương và Bộ Giáo dục Việt Nam”, đồng thời, "Chúng tôi sẽ hỗ trợ hết mình cho dự án giáo dục dành cho trẻ em gái dân tộc thiểu số tại giai đoạn II, dựa trên triết lý chia sẻ của CJ, để nhiều trẻ em được giáo dục mà không bị phân biệt đối xử và phát triển thành những người tài năng dẫn dắt tương lai của Việt Nam.”
Bà Bế Thị Hồng Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc, Ủy ban Dân tộc Việt Nam cho biết: “Dự án Giáo dục trẻ em gái Việt Nam” là bước đầu tiên hướng tới việc xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ mở rộng cơ hội giáo dục, việc làm cho phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số. Dự án này đã giúp ích rất nhiều cho phong trào chung tay phát triển kinh tế xã hội của vùng dân tộc thiểu số và miền núi.”
Ngoài ra, bên cạnh “We Are ABLE - Dự án giáo dục cho trẻ em gái Việt Nam”, CJ đã ký kết quan hệ đối tác chiến lược với UNESCO từ năm 2014 và đang thúc đẩy chiến dịch giáo dục trẻ em gái toàn cầu vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho trẻ em gái trên toàn thế giới, tập trung vào các nước đang phát triển. Nhiều công ty con khác như CJ ENM, CJ Olive Young, CJ CheilJedang và CJ OliveNetworks cũng đang tích cực tham gia. Đặc biệt, CJ ENM cũng tích cực lan toản cho thế giới về thông điệp “giáo dục cho trẻ em gái” thông qua các lễ hội văn hóa “K-culture” được yêu thích trên toàn thế giới như 'KCON' và 'MAMA'. CJ Olive Young đang đi đầu trong các chiến dịch cải thiện môi trường giáo dục cho trẻ em gái thông qua các chương trình phát sóng trực tiếp kỷ niệm 'Ngày Quốc tế Trẻ em gái' cùng với việc quyên góp tiền thu được từ việc bán hàng của mình.