(HTV) - Ngay đầu năm 2024, du lịch đã là điểm sáng của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, hứa hẹn tiếp tục tăng trưởng khả quan trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Theo báo cáo của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, trong kỳ nghỉ Tết dương lịch, ước tính cả nước đã đón 3,2 triệu lượt khách. Trong đó, TP.HCM dẫn đầu cả nước với 1,65 triệu lượt, cách xa các tỉnh thành xếp sau là Khánh Hòa (465.000 lượt), Hà Nội (402.000 lượt), Ninh Bình (300.000 lượt).
Theo thống kê của Sở Du lịch TP.HCM, trong dịp Tết Dương lịch 2024, tổng doanh thu du lịch trên địa bàn ước đạt 6.400 tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú ước đạt 225.700 lượt, tăng 5% so với cùng kỳ. Công suất phòng ước đạt 87%, tăng 2% so với cùng kỳ. Khách quốc tế đến TP.HCM đạt hơn 46.500 lượt, tăng hơn 86% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, TP.HCM đã tổ chức lễ đón đoàn khách đầu tiên đến Thành phố vào ngày 01/01/2024 và 12 vị khách may mắn đã được trao tặng những phần quà đặc biệt như nón lá, vé máy bay khứ hồi.
Cũng trong dịp Tết Dương lịch, hàng trăm sản phẩm du lịch hấp dẫn, đa dạng gắn với sản phẩm du lịch đặc trưng của TP. Thủ Đức và 21 quận, huyện cũng được triển khai.
Chương trình tham quan Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Trụ sở HĐND và UBND TP.HCM vào dịp cuối năm 2023 đã đón tiếp 45 đoàn với khoảng 2.500 khách tham quan trong nước và quốc tế - đông nhất từ trước tới nay.
Và điểm nhấn đầu năm chính là các sản phẩm du lịch đường thủy với điểm đến du lịch cộng đồng Thiềng Liềng giai đoạn 2 ở huyện ngoại thành Cần Giờ, và thưởng ngoạn sông Sài Gòn bằng buýt sông 2 tầng ở trung tâm TP.HCM.
Buýt sông 2 tầng chắc hẳn là sản phẩm du lịch mới của TP.HCM được nhắc đến nhiều nhất trong dịp Tết này. Chỉ vừa đi vào hoạt động từ mùa Giáng sinh và chào đón năm mới 2024, buýt sông 2 tầng đã thu hút lượng lớn du khách đến trải nghiệm không gian mở 360 độ giữa sông. Mỗi ngày sẽ có khoảng 9 chuyến tàu, khung giờ hoạt động tập trung vào sáng sớm và chiều tối, hành khách có thể lựa chọn để thưởng ngoạn một thành phố lung linh về đêm, hay một thành phố dịu dàng dưới ánh ban mai.
Khác với buýt sông bình thường, buýt sông 2 tầng hoàn toàn là một sản phẩm dành riêng cho du lịch. Hành khách sẽ được trải nghiệm trong 45 phút, xuất phát từ bến Bạch Đằng đi đến Bến Nhà Rồng tại Quận 4, sau đó đi ngược trở lại đến Landmark 81, cuối cùng là quay trở lại điểm xuất phát. Và trong suốt hành trình 45 phút này, du khách còn được thưởng thức âm nhạc được trình diễn trực tiếp trên tàu.
Ông Nguyễn Kim Toản – Giám đốc Công ty Thường Nhật chia sẻ: “Trong dịp Tết Dương lịch vừa rồi, bà con đã tham gia với tỷ lệ lấp đầy rất nhiều, trong chỉ hơn 10 ngày mà chúng tôi đã phục vụ được hơn vài ngàn lượt khách. Sắp tới đây là dịp Tết cổ truyền, chúng tôi tin chương trình này sẽ còn hấp dẫn du khách, và nó sẽ còn bừng sáng hơn nữa, chúng tôi sẽ còn có nhiều sản phẩm hơn nữa để phục vụ cho du lịch đường thủy của Thành phố. Chúng tôi tin với sự nâng niu, chọn lọc như thế này, thì tour sông nước, đặc biệt là du lịch đường thủy của Thành phố sẽ càng ngày càng tốt đẹp hơn".
Nếu một sản phẩm du lịch tạo được điểm nhấn, thì sự kết nối các điểm nhấn sẽ tạo được chuỗi giá trị to lớn. Dịp Tết Nguyên đán sắp tới là kỳ nghỉ dài ngày, hầu hết du khách có nhu cầu trải nghiệm nhiều loại hình du lịch, đặc biệt là các sản phẩm có tính xâu chuỗi. Điều này đòi hỏi sự đa dạng hóa từ sản phẩm, dịch vụ đến các điểm đến, kết nối giữa các quận, huyện, kết nối giữa các thành phố, thậm chí là kết nối giữa các vùng miền.
Các địa phương của vùng Đông Nam Bộ vốn có lịch sử gắn liền với các con sông, như sông Đồng Nai, sông Sài Gòn. Tuy nhiên, hầu hết các tour du lịch trong vùng đều đưa khách di chuyển đến các điểm đến bằng đường bộ. Kết nối đường thủy - đường bộ là một trong những mô hình có thể cân nhắc.
Dĩ nhiên, còn rất nhiều cách khác để kết nối. Nếu phát huy được hiệu quả, thì những tuyến du lịch mới, như tour trải nghiệm làng gốm ở Biên Hòa được tổ chức vừa qua, sẽ lan tỏa rất nhanh, đúng như kỳ vọng của các doanh nghiệp du lịch.
Bên cạnh văn hóa, lịch sử, thì du lịch y tế, du lịch chữa lành cũng là lĩnh vực đầy tiềm năng của Việt Nam. Thay vì chỉ đưa khách Việt sang nước ngoài khám chữa bệnh một chiều, thì giờ đây, dòng tiền đã có cơ hội quay trở lại với những sản phẩm du lịch y tế trong nước.
Chính những nét riêng, bản sắc văn hóa truyền thống được truyền từ đời này sang đời khác, đã trở thành tài nguyên vô giá cho ngành du lịch chúng ta. Và Tết cổ truyền của dân tộc là một trong những sự kiện tiêu biểu cần được phát huy giá trị để mang đến những trải nghiệm đặc biệt cho du khách. Để đón đầu cơ hội tạo tăng trưởng du lịch ấn tượng trong mùa lễ hội này, ngành du lịch TP.HCM đã có nhiều sáng tạo, linh hoạt trong xây dựng các chương trình vui chơi, giải trí cũng như liên kết vùng bền vững.
Ông Lê Trương Hiền Hòa – Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết: “Những sản phẩm du lịch của Thành phố đang được phát huy rất tốt. Nó được thể hiện rất rõ qua doanh thu về du lịch. Các doanh nghiệp du lịch phát triển cũng rất tốt cả tour nội địa và tour quốc tế. Hiện nay các doanh nghiệp du lịch thông qua liên kết vùng thì cũng có những hoạt động rất sôi nổi. Và đương nhiên, TP.HCM thì không thể không kể đến những sự kiện quảng bá xúc tiến du lịch khác nhau. Không chỉ mỗi ngành làm sự kiện riêng trong một thời điểm, mà là sẽ cùng với nhau để tạo ra sự kiện trong sự kiện kéo dài tới khoảng 7 ngày hoặc 10 ngày để du khách khi đến với TP.HCM, họ có thể ở lâu hơn, tham gia được nhiều sự kiện khác nhau hơn, chi tiêu nhiều hơn cho du lịch TP.HCM".
Cũng theo ông Lê Trương Hiền Hòa: “Từ nay đến Tết Nguyên đán, chúng ta sẽ tổ chức lại Lễ hội Tết Việt, truyền tải những truyền thống văn hóa về Tết của người Việt Nam đến với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế trong suốt dịp lễ này.
Đối với đường hoa Nguyễn Huệ, chúng tôi cũng đang phối hợp với một số đơn vị về công nghệ thông tin để xây dựng và giới thiệu một nền tảng kỹ thuật số về đường hoa Nguyễn Huệ, ngoài tham quan đường hoa trực tiếp, người dân có thể tham quan trên nền tảng số.
Đối với chợ hoa ở bến Bình Đông, Quận 8, chúng tôi sẽ thí điểm một chương trình khá ý nghĩa, đó là chương trình thu mua hoa của các tiểu thương ở bến Bình Đông trong ngày 30 Tết, thí điểm thử để xem những năm sau có thể mở rộng hay làm lớn hơn được hay không. Nội dung này cũng được sự chung tay của các mạnh thường quân để hỗ trợ các tiểu thương thu mua hết hoa vào ngày cuối cùng của năm.
Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành công thương, văn hóa để có những chuỗi sản phẩm quảng bá trong suốt dịp Tết. Công tác tiếp theo là liên kết vùng, trong những năm qua chúng ta đã liên kết với các tỉnh rất tốt rồi, những tỉnh thành trên cả nước cũng đặt hàng TP.HCM trong những năm sau sẽ tiếp tục có những chương trình quảng bá tại TP.HCM. Điều này cũng tạo ra một hiệu ứng rất tốt cho ngành du lịch Thành phố".
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sẽ kéo dài 7 ngày, từ ngày 08/02 đến hết ngày 14/02/2024, tức từ ngày 29 tháng Chạp đến mùng 5 tháng Giêng.
Chỉ còn khoảng 1 tháng, sắc xuân sẽ tràn ngập khắp các phố phường. Mong rằng trong những ngày bận rộn với khối lượng công việc tồn đọng cuối năm, quý vị sẽ kịp lên kế hoạch cho bản thân và gia đình một kỳ nghỉ ý nghĩa, với những trải nghiệm mới mẻ, trong một thành phố năng động, ở đất nước Việt Nam tươi trẻ, mến khách và giàu truyền thống.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9