(HTV) - Thị trường bất động sản đã trải qua năm 2023 “bên ngoài tĩnh lặng” với nguồn cung, lượng giao dịch ảm đạm, nhưng “bên trong đầy sóng gió” đối với chủ đầu tư, nhà phát triển, nhà đầu tư và cả cơ quan quản lý.
Thị trường bất động sản 2023: Khó khăn bao trùm
Nguồn cung mới hạn chế ở tất cả phân khúc; giao dịch trầm lắng; Nhưng giá bán vẫn neo ở mức cao khiến cho thị trường càng trở nên ảm đạm.
- Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp đè nặng;
- Gần 5.000 doanh nghiệp bất động sản giải thể và ngừng kinh doanh
- Doanh nghiệp còn trụ lại, từ nhỏ đến lớn liên tục cắt giảm nhân sự, từ vài chục đến hàng ngàn nhân viên;
- Đặc biệt, 2023 chứng kiến cú "ngã ngựa" của hàng loạt ông lớn trong ngành bất động sản tạo nên cú sốc trên thị trường…
Dần về cuối năm, với các chính sách điều hành quyết liệt từ Chính phủ, đặc biệt là Quốc hội thông qua nhiều Luật quan trọng đã hình thành những ánh sáng le lói, song liệu đã đủ để giúp thị trường ấm lại, áp lực cho ngành bất động sản liệu có thể giảm trong năm 2024?
Đối với thị trường bất động sản, đặc biệt là tại TP.HCM trong năm 2023, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương khái quát với 3 từ: Thách thức, bền bỉ và chuyển biến.
Thị trường bất động sản 2023: Thách thức, bền bỉ, chuyển biến
Lượng giao dịch, tỷ lệ hấp thụ căn hộ tại TP.HCM năm 2023 đều sụt giảm so với các năm trước
Theo dữ liệu từ Savills Việt Nam, lượng giao dịch, tỷ lệ hấp thụ căn hộ tại TP.HCM năm 2023 đều sụt giảm so với các năm trước. Trong quý 4/2023, giá bán sơ cấp trung bình trong quý 4/2023 có giảm 36% so với quý trước và 45% theo năm, song mức giá vẫn ở mức cao là 69 triệu đồng/m2. Đặc biệt, lợi nhuận đầu tư căn hộ đã giảm trong 5 năm qua.
Lợi nhuận đầu tư căn hộ đã giảm trong 5 năm qua
Tiến sĩ Sử Ngọc Khương phân tích, giao dịch giảm vì ba nguyên nhân.
Thứ nhất, nguồn cung giảm do vấn đề pháp lý.
Thứ hai, doanh nghiệp bất động sản khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn.
Thứ ba, trong những năm gần đây, các nguồn cung sản phẩm nhà ở, đặc biệt là căn hộ không đại diện cho khả năng và nhu cầu tài chính của người dân. Nguồn cung thời gian qua chủ yếu là trung và cao cấp.
Giá căn hộ vượt khả năng chi trả của người dân
Đánh giá thị trường bất động sản đã có những dấu hiệu tích cực hơn và đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất", song Tiến sĩ Sử Ngọc Khương cho rằng: áp lực đối với ngành bất động sản còn nhiều.
Áp lực cho ngành bất động sản trong năm 2024
Trong bối cảnh áp lực vẫn còn đó, thích nghi là điều bắt buộc trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, rõ ràng, đối với thị trường bất động sản, muốn phục hồi và lấy lại đà phát triển, cần nhiều hơn các giải pháp mang tính sát sườn, đánh "đúng" và "trúng" vào những điểm nghẽn.
Theo Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, cần có sự rõ ràng, mạch lạc trong Thông tư, Nghị định dưới luật để cơ quan quản lý tại các quận, huyện, các tỉnh/thành phố đồng nhất về cách hiểu, cách làm, tránh trường hợp nơi này hiểu một, nơi khác hiểu hai. Điều này sẽ giúp cho cơ quan quan lý hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục pháp lý.
Ở góc độ doanh nghiệp, trong bối cảnh khó khăn hiện tại, doanh nghiệp phải "liệu cơm gấp mắm", phải tái cấu trúc danh mục đầu tư và đưa ra sản phẩm phù hợp với khả năng chi trả của người dân. Nếu chỉ quan tâm đến chi phí đầu vào cao mà đưa ra sản phẩm cao cấp thì tính thanh khoản chậm, từ đó làm cho dòng tiền của doanh nghiệp chậm. Doanh nghiệp có thể tái cấu trúc thông qua mua bán và sáp nhập (M&A), kết hợp với tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước để tăng sức mạnh nguồn lực tài chính. Chuyên gia từ Savills Việt Nam dẫn chứng thời gian qua, các nhà đầu tư trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc) đã tham gia rất nhiều và hiệu quả tại thị trường Việt Nam.
Lời khuyên cho người trong giai đoạn khó khăn
Với diễn biến của thị trường đặc biệt là tín hiệu tích cực giai đoạn cuối năm 2023, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương dự báo nguồn cung mới trong năm 2024 sẽ có xu hướng tăng. Điều này đến từ những tín hiệu tích cực trong giải quyết các khó khăn một cách quyết liệt từ Chính phủ.
Riêng tại TP.HCM, động thái gỡ vướng của Thành phố trong một số vấn đề quan trọng như quy hoạch 1/500, vấn đề tiền sử dụng đất sẽ là tiền đề để giảm bớt áp lực cho thị trường. Nguồn cung sẽ gia tăng tuy nhiên không theo đồ thị hình V mà sẽ tăng tịnh tiến, đáp ứng một phần nhu cầu rất lớn của thị trường. Giá bất động sản trong năm 2024 dự báo sẽ không giảm.
Dự báo giá nhà tại TP.HCM năm 2024 không giảm
Thách thức, Phục hồi, Tiền đề sẽ là 3 từ theo Tiến sĩ Sử Ngọc Khương là phù hợp với thị trường bất động sản năm 2024.
Trong đó, thách thức vẫn là thách thức về nguồn cung và khả năng chi trả của người dân đối với giá nhà ở, tương tự năm 2023. Phục hồi đến từ những chuyển biến về pháp lý trong thực hiện thủ tục dự án, từ chính sách điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước và khả năng tiếp cận nguồn vốn đang được hỗ trợ mạnh mẽ. Đặc biệt, chuyên gia cho rằng, sự chuyển biến tích cực trong đầu tư công sẽ tạo tiền đề cho phát triển kinh tế, qua đó thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi.
2024 - Năm tiền đề cho chu kỳ phát triển mới của nền kinh tế
Theo Báo cáo kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2024 của Cục Thống kê TP.HCM, tình hình kinh doanh bất động sản của thành phố có những dấu hiệu phục hồi. Theo đó, doanh thu 2 tháng đầu 2024 ước đạt 42.300 tỷ đồng, tăng 20,1% so với cùng kỳ 2023.
Lý giải nguyên nhân, Cục Thống kê Thành phố cho biết, sự phục hồi này nhờ các chính sách tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản được Chính phủ ban hành thời gian qua. Cùng với đó, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này chung tay phối hợp thực hiện nhiều chính sách thanh toán, ưu đãi cho khách hàng.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9