TP.HCM chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

TRẦN HÙNG - TRUNG KHIÊM - HOÀNG TÂN // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 23/9/2023, 17:04

(HTV) - TP.HCM xác định chất lượng nguồn nhân lực là một trong những vấn đề cốt lõi giúp Thành phố đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước và hội nhập quốc tế.

Trong Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có nhấn mạnh, TP.HCM đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng và cả nước; sớm trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á và châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu. Vì vậy, hiện nay, việc xây dựng, giữ chân và thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao là vấn đề quan trọng, mang tính cấp thiết đối với TP.HCM. 

Phải khẳng định rằng, nguồn nhân lực có vai trò quan trọng hàng đầu đối với sự phát triển của TP.HCM nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung. Tuy nhiên, theo Trung tâm Dự báo nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, năm 2022, nhu cầu tuyển dụng đã qua đào tạo mới chỉ chiếm 85,78% tổng nhu cầu nhân lực. Trong đó, nhu cầu nhân lực có trình độ đại học trở lên chưa cao, chỉ chiếm 20,19%; còn cao đẳng chiếm 19,55%. 

Theo PGS.TS. Phạm Tiến Đạt - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing, nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất cập về nguồn nhân lực đến từ nhiều phía.

PGS.TS. Phạm Tiến Đạt - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing

 “Thứ nhất, từ phía tổ chức sử dụng lao động: Không phải mọi vị trí việc làm đều cần đến trình độ đại học. Để tiết kiệm chi phí, tổ chức sử dụng lao động sẽ tuyển lao động trình độ thấp hơn.

 Thứ hai, từ phía các trường đại học hiện nay phần lớn phải tự chủ tài chính, trong khi học phí chưa đủ để tích lũy đầu tư phát triển cơ sở vật chất, học liệu, chưa đầu tư đủ mạnh vào phát triển đội ngũ giảng viên, nhà khoa học để nâng cao trình độ cả về lý thuyết và thực tiễn.

 Thứ ba, từ phía các cơ quan quản lý nhà nước cần tạo điều kiện hỗ trợ các trường đại học hơn nữa, đặc biệt là các trường công lập như về thủ tục hành chính, quy định trong việc đầu tư xây dựng và cả đầu tư công nghệ chuyển đổi số, tránh việc đầu tư kéo dài lãng phí, không hiệu quả”.

Với mong muốn cung cấp nhân lực trong lĩnh vực tài chính để góp phần thúc đẩy TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế, Trường Đại học Tài chính - Marketing tập trung vào 3 khâu đột phá chiến lược, bao gồm tăng cường trang bị cơ sở vật chất và học liệu, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và hợp tác với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo. Hằng năm, Trường cung cấp khoảng 4.000 tân cử nhân.

TS. Lê Trung Đạo - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing cho biết: “Quan trọng nhất là tăng cường liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp để các chuyên gia ở doanh nghiệp đóng góp những vấn đề thực tiễn vào chương trình đào tạo, phục vụ giảng dạy cho sinh viên. Đồng thời, Trường cũng đưa sinh viên tham quan thực tế tại doanh nghiệp, chủ động trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp để từ đó trình độ, năng lực được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao tại TP.HCM”.

Đại học Quốc gia TP.HCM

Là đơn vị cung cấp nguồn nhân lực chủ yếu cho TP.HCM và khu vực Đông Nam Bộ, Đại học Quốc gia TP.HCM cũng đang triển khai nhiều chiến lược để có thể đạt được mục tiêu đến năm 2030 sẽ đào tạo và cung cấp khoảng 140.000 cử nhân, kỹ sư, kiến trúc sư, bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ.

PGS.TS. Vũ Hải Quân - Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM

PGS.TS. Vũ Hải Quân - Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM chia sẻ: “Chúng tôi xây dựng, cập nhật chương trình đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Đây cũng là lĩnh vực hết sức then chốt, và chúng tôi đặt mục tiêu làm chủ công nghệ lõi cũng như xây dựng chương trình tiên tiến trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Liên quan đến vấn đề chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo, chúng tôi phấn đấu hình thành trung tâm nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trung tâm dữ liệu lớn, trung tâm đại học số, trung tâm nghiên cứu công nghệ bán dẫn”.

Phấn đấu trở thành một trong các trung tâm đào tạo quốc tế chất lượng hàng đầu của cả nước, Viện Đào tạo quốc tế, Trường Đại học Tài chính - Marketing tăng cường hợp tác với nhiều trường đại học uy tín như West of England Bristol (Anh Quốc), Concord (Hoa Kỳ), Thompson Rivers (Canada), Trường Đại học UCSI, HELP (Malaysia) nhằm cung cấp các chương trình đào tạo được kiểm định và đạt chuẩn quốc tế ở các lĩnh vực kinh doanh, quản lý và tài chính để phục vụ cộng đồng và các thế hệ sinh viên.

Hợp tác quốc tế trong giáo dục 

Đại diện Cục Hợp tác quốc tế thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định các chương trình liên kết đào tạo ở Việt Nam có sự đa dạng về các ngành, lĩnh vực cũng như đối tác. Vương quốc Anh đang là quốc gia dẫn đầu về các chương trình liên kết tại Việt Nam, với 101 chương trình, chiếm khoảng 25%. Các quốc gia xếp vị trí tiếp theo lần lượt là Mỹ, Pháp, Úc và Hàn Quốc.

Để giúp các trường đại học thuận lợi hơn trong công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao, từ đó góp phần xây dựng TP.HCM thành trung tâm quốc tế về giáo dục - đào tạo, thu hút sinh viên của khu vực và thế giới, TS. Phạm Quốc Việt - Viện trưởng Viện Đào tạo Sau Đại học, Trường Đại học Tài chính - Marketing nhấn mạnh, một trung tâm quốc tế về giáo dục - đào tạo phải kết hợp được nghiên cứu hàn lâm - nghiên cứu ứng dụng - chuyển giao kiến thức ở cấp độ khu vực (ASEAN), và kết nối với các trung tâm quốc tế khác.

Hoạt động nghiên cứu tại trường đại học

“Về phía các trường đại học, để có thể đào tạo sinh viên quốc tế, các trường phải quốc tế hóa và quảng bá hình ảnh ra bên ngoài.

Đối với UBND TP.HCM, cần hỗ trợ công tác quy hoạch mạng lưới trường đại học, có quỹ đất sạch để phát triển các trường, hỗ trợ tín dụng ưu đãi để các trường đầu tư nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học, đặt hàng, giao kế hoạch các trường đại học tham gia xây dựng và phản biện chính sách, tham gia các đề tài, đề án cho các chương trình, nhiệm vụ phát triển Thành phố, tham gia các chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho Thành phố.

TP.HCM cũng cần tạo lập quỹ học bổng để cấp cho các đối tượng chính sách từ nước ngoài (có thể là các nước chậm phát triển ở châu Á, châu Phi) và giao cho các trường tuyển chọn, thực hiện đào tạo”, TS. Phạm Quốc Việt đề xuất.

Các trường đại học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Bên cạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thì vấn đề thu hút và giữ chân đội ngũ trí thức, lực lượng lao động có trình độ cao cống hiến cho sự phát triển của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung cũng hết sức quan trọng.

PGS.TS. Phạm Tiến Đạt - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing cho rằng “Có thực mới vực được đạo”. Cần có các chính sách thu nhập thỏa đáng để đội ngũ trí thức cống hiến. Ngoài chính sách bằng tiền, còn các chính sách khác như hỗ trợ cho vay mua nhà, hỗ trợ gia đình cũng như việc học hành của con em người lao động.

Bên cạnh đó, cần phải xây dựng lộ trình phấn đấu cả về chuyên môn và lộ trình sự nghiệp, cũng như các yêu cầu, điều kiện cần thiết và cam kết để đội ngũ trí thức, người lao động quyết tâm cống hiến.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

 

Ý kiến của bạn:
Bài liên quan
(HTV) - Tích hợp nội dung đào tạo các chứng chỉ nghề nghiệp vào chương trình giảng dạy sẽ giúp cho sinh viên trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại vững vàng khi bước vào thị trường lao động.
Từ 15 giờ ngày 04/7, giá mặt hàng xăng E5 RON92 tiếp tục tăng 447 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 542 đồng/lít; dầu diesel tăng 487 đồng/lít; dầu hỏa tăng 602 đồng/lít và dầu mazut tăng 88 đồng/kg.
(HTV) - Trong bối cảnh sức mua giảm và giá cả tăng, TP.HCM đang triển khai nhiều giải pháp nhằm bình ổn thị trường và hỗ trợ người tiêu dùng.
(HTV) - Chương trình Chợ phiên OCOP "Hương vị An Giang" là cơ hội để các doanh nghiệp, nhà bán hàng, cơ sở sản xuất địa phương chia sẻ và nâng cao kỹ năng trong việc xúc tiến thương mại điện tử, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững của các sản phẩm OCOP.
(HTV) - Vốn là thợ lặn giàu kinh nghiệm, Pyotr Dotsenko đã mang kỹ thuật "alla prima" xuống đại dương để vẽ tranh dưới nước. Kỹ thuật này cho phép anh Dotsenko vẽ các lớp sơn ướt chồng lên nhau dưới nước và hoàn thiện tác phẩm trong thời gian ngắn.
(HTV) - Zalopay chính thức công bố định hướng mới với việc mở rộng hệ sinh thái thanh toán và thêm nhiều tính năng đột phá, đồng thời công bố bộ nhận diện thương hiệu mới.
(HTV) - Ngày Hội Công Nghệ - Đấu Trường Robot không chỉ là sân chơi hè cho các em thiếu nhi, mà còn là dịp để các em trau dồi, học hỏi từ những chuyên gia công nghệ với nhiều hoạt động triển lãm, thuyết trình.