Đồng hành cùng người khiếm thính phát huy tiềm năng

THANH TÂN - MINH TẤN - TRÚC PHƯƠNG // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 11/3/2024, 15:56

(HTV) - Tại TP.HCM, tỷ lệ người khiếm thính chiếm khoảng 7% dân số. Họ cần được lắng nghe và hỗ trợ để có thể hòa nhập một cách trọn vẹn, từ đó phát huy được năng lực, phẩm chất tiềm ẩn bên trong.

Người khiếm thính cần được lắng nghe và hỗ trợ để có thể hòa nhập cộng đồng, phát huy tiềm năng chính là thông điệp từ Hội thảo "Con là niềm tự hào của Cô", thuộc dự án "Để người khiếm thính được lắng nghe", do Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục người khiếm thính tổ chức tại TP.HCM.

Hội thảo "Con là niềm tự hào của Cô"

Tham dự Hội thảo là những thầy cô giáo, phụ huynh và những người làm công tác liên quan đến các em khiếm thính. Đặc biệt, là các học sinh khiếm thính tiêu biểu, đã vượt khó để học tập như bao bạn bè cùng trang lứa. Những trẻ gặp khiếm khuyết trong nghe nói đã có thể tự tin hơn, có ước mơ, hoài bão.

Ước mơ của học sinh khiếm thính

Như em Bùi Duy Hải, tại tỉnh Đồng Nai, em bị khiếm thính từ khi còn nhỏ, nhưng nhờ sự can thiệp sớm từ gia đình và các giáo viên tại trường Khuyết tật Hoa Hồng tỉnh Đồng Nai, đã có thể nói và tham gia học tập. Hiện em đang học lớp 8 tại trường THCS Minh Đức, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Em cho biết đi học và hòa nhập tốt với các bạn, chỉ cần mọi người nói chậm là em sẽ hiểu hết. Em có ước mơ trở thành người thợ làm bánh để mang đến những món bánh ngon đến mọi người. Mẹ của Hải là người đã đồng hành với em trong suốt hành trình tìm tiếng nói, chị cho biết, hiện trẻ khiếm thính đã nhận được sự quan tâm từ nhà trường, địa phương, cũng như không bị kỳ thị là đã rất mừng. Chị mong các trẻ sẽ được hỗ trợ nhiều hơn về dụng cụ, máy móc trợ thính. Theo chị, trẻ khiếm thính cũng có thế mạnh của mình, chỉ là chưa được nhìn ra mà thôi. Nếu được hỗ trợ tốt thì trẻ sẽ phát triển thành người có ích. 

Sự trưởng thành từng ngày của các em khiếm thính cũng là niềm tự hào của các giáo viên, người đồng hành với các em. Sự động viên, khích lệ đúng lúc, nhìn nhận năng lực từ giáo viên có sức mạnh to lớn giúp các em có thể hòa nhập và học tốt. Cô Kim Anh - Giáo viên trường THCS Nguyễn Vĩnh Nghiệp, Quận 12, TP.HCM cho biết sự tiếp thu của các em so với các bạn bình thường là không bằng, chỉ 10 đến 20% tại lớp, nhưng nếu trẻ có sự hỗ trợ từ phụ huynh, nỗ lực của bản thân, thì các em vẫn có thể theo kịp hoặc vượt các bạn bình thường khác ở trong lớp. Còn theo cô Bùi Thị Ngọc - Giáo viên Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục người khiếm thính CED, tình trạng thính lực của các trẻ khiếm thính khác nhau, có trẻ điếc trâu, có trẻ nghe kém, nên phải thấu hiểu tình trạng từng em để có phương pháp giáo dục phù hợp. 

Các đại biểu chia sẻ, cộng đồng chung tay hỗ trợ người khiếm thính để họ tự tin thể hiện năng lực và phẩm chất còn tiềm ẩn, từ đó sẽ quay trở lại hỗ trợ cộng đồng, giảm bớt gánh nặng của bản thân, gia đình và xã hội. Bên cạnh chuỗi Hội thảo "Để người khiếm thính được lắng nghe", Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục người khiếm thính còn có mục tiêu xây dựng quy trình hỗ trợ người khiếm thính tại bệnh viện, cũng như xuất bản Cẩm nang "Để người khiếm thính được lắng nghe".

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

 

Ý kiến của bạn: