Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chương trình công tác năm 2018 của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, năm 2018 Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phấn đấu cả nước có ít nhất 39% số xã (khoảng 3.500 xã) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng khoảng 5% so với năm 2017; có ít nhất 54 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng khoảng 10 đơn vị so với năm 2017; bình quân tiêu chí/xã cả nước tăng thêm tối thiểu 0,5 tiêu chí/xã so với năm 2017; giảm số xã đạt dưới 05 tiêu chí xuống dưới 60 xã.
Tiếp tục phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1-1,5%/năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3-4%/năm) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020.
Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp để huy động nguồn lực thực hiện 02 chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng đảm bảo cân đối phân bổ nguồn lực từ ngân sách nhà nước cho các nội dung, hoạt động trọng tâm, có sức lan tỏa; đa dạng hóa các nguồn vốn theo hướng xã hội hóa, huy động nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thực hiện đa dạng hoá các nguồn vốn thông qua hình thức lồng ghép các dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn; tăng cường các hình thức hợp tác công tư và xã hội hóa để thu hút nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực bảo vệ môi trường, giao thông, hạ tầng thương mại, cung cấp nước sạch, dịch vụ văn hóa - thể thao; ưu tiên bố trí nguồn lực huy động xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản theo yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 32/2016/QH14 ngày 23/11/2016 của Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Thực hiện công khai các khoản đóng góp của dân, theo nguyên tắc tự nguyện và do Hội đồng nhân dân cấp xã thông qua.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huy động nguồn lực từ cộng đồng và lồng ghép các chương trình khác để giảm nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều nhằm nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo và từng bước thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa thành thị và nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn
Đẩy mạnh triển khai đồng bộ và có hiệu quả các chương trình, đề án, nội dung được lồng ghép, tích hợp vào thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp; tiếp tục triển khai các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị hàng hóa gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, trước hết tập trung vào các nhóm sản phẩm chủ lực (cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện, xã) trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao vào sản xuất các sản phẩm chủ lực; củng cố và tổ chức lại sản xuất, phát triển các hợp tác xã kiểu mới, hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012; đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn trong xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn.
Đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các huyện nghèo, xã nghèo (xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu) và thôn, bản đặc biệt khó khăn; khuyến khích và mở rộng hoạt động tạo việc làm tại chỗ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người dân trên địa bàn; phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tại các xã nghèo.
Bên cạnh đó chú trọng bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, hiện đại, hợp lý và giữ gìn được những đặc trưng và bản sắc nông thôn truyền thống; đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án thí điểm “Hoàn thiện và nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo theo hướng xã hội hóa giai đoạn 2017-2020”; triển khai các giải pháp đồng bộ để tiếp tục nâng cao tỷ lệ hộ dân ở nông thôn được sử dụng nước sạch tập trung; nâng cao tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải sinh hoạt ở nông thôn; tiếp tục phát triển và nhân rộng các mô hình đường hoa - cây xanh từ việc nhân rộng mô hình vườn mẫu - khu dân cư kiểu mẫu; đẩy mạnh các giải pháp thực hiện bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 để giảm thiểu ô nhiễm môi trường xung quanh các khu xử lý môi trường, nhất là ở những công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh hoặc cụm công nghiệp, làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm cao.
Tập trung xử lý các điểm nóng về an ninh trật tự xã hội ở nông thôn; xây dựng và triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự xã hội, an toàn giao thông trên địa bàn nông thôn; phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể và người có uy tín trong cộng đồng.
Triển khai sâu rộng, thiết thực các phong trào thi đua
Đổi mới phương pháp truyền thông để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền; thường xuyên cập nhật, đưa tin về các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới, về giảm nghèo bền vững trên các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến và nhân rộng.
Tiếp tục triển khai sâu rộng và thiết thực các phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Tổ chức lồng ghép các chương trình, hoạt động cụ thể trong tuyên truyền, vận động về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững ở các cấp thông qua các đoàn thể chính trị, xã hội. Tiếp tục triển khai hiệu quả các cuộc thi báo chí viết về nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; thực hiện các hình thức khuyến khích, động viên, khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Mở rộng triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững thông qua tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài nước về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; hợp tác tư vấn hỗ trợ kỹ thuật và vay vốn từ các đối tác phát triển quốc tế để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia...