Tương tự như việc dùng sức gió để kéo ván trượt trên biển trong bộ môn lướt ván diều, một con diều khổng lồ có thể được dùng để kéo một con tàu chở hàng vượt đại dương. Ý tưởng này có tên gọi là Seawing, đang được phát triển bởi công ty Airseas của Pháp.
Con diều "Seawing" rộng 1.000m vuông, bay ở độ cao 300m so với mặt nước và được thả từ một cột buồm có thể gập lại.
Đường bay của diều được giám sát bởi phần mềm lái tự động trong một chiếc hộp bên dưới con diều. Một sợi cáp dài 700m kết nối chiếc hộp này với con tàu, đóng vai trò cung cấp năng lượng và truyền dữ liệu.
Seawing được thử nghiệm trên tàu "Ville de Bordeaux". Nguồn ảnh: Airseas
Theo Vincent Bernatets - đồng sáng lập và CEO Airseas, điểm khác biệt của Seawing so với những giải pháp áp dụng sức gió khác nằm ở việc con diều không chỉ đơn thuần được gió thổi và kéo tàu đi. Thay vào đó, diều bay theo các vòng hình số 8, từ đó gia tăng sức gió. Phiên bản này sẽ được thử nghiệm từ tháng 12/2024.
Trước đó, trong hơn một năm, một phiên bản Seawing rộng 250m vuông đã được thử nghiệm trên tàu chở hàng qua Đại Tây Dương. Tháng 5/2023, Airseas thông báo con diều đã kéo thành công con tàu.
Seawing kéo tàu "Ville de Bordeaux" dài 154m. Nguồn ảnh: Airseas
Năm 2016, Bernatets cùng một kỹ sư khác của công ty hàng không vũ trụ Airbus nảy ra ý tưởng cho Seawing và thành lập Airseas để phát triển công nghệ này.
Airseas hiện đã được Liên minh Châu Âu (EU) đầu tư 2,5 triệu euro (2,7 triệu USD). Công ty cho biết họ đã nhận được các đơn đặt hàng từ Airbus và công ty vận chuyển “K” Line của Nhật Bản. Airseas hy vọng công nghệ Seawing sẽ hoạt động hoàn hảo trước cuối năm 2025.
Seawing được kỳ vọng có thể giúp tàu thuyền tiết kiệm nhiên liệu và giảm lượng khí thải. Nguồn ảnh: Airseas
Theo Airseas, Seawing có thể giúp tàu thuyền tiết kiệm nhiên liệu, đồng thời giảm 20% lượng khí thải carbon. Theo Tổ chức Hàng hải Quốc tế, ngành vận tải biển chủ yếu sử dụng nhiên liệu hóa thạch và chiếm khoảng 3% lượng khí thải nhà kính toàn cầu.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9