Tín dụng vẫn tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh thách thức gia tăng

TRẦN HÙNG - HỒ ĐỨC - MINH KHOA - GIA BẢO // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 6/10/2024, 14:00

(HTV) - Tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đã tăng 7,4% so với cuối năm 2023, trong đó khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đạt 8,5% dù vẫn phải đối mặt nhiều thách thức, cho thấy nỗ lực mạnh mẽ của các ngân hàng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong bối cảnh tiêu dùng nội địa và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chưa hoàn toàn hồi phục, tốc độ tăng trưởng tín dụng trong những tháng qua đã có sự cải thiện rõ rệt.

Tính đến thời điểm hiện tại, tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng đã tăng khoảng 7,4% so với cuối năm 2023, vượt xa mức tăng 5,7% của cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân ghi nhận mức tăng gần 8,5%, chiếm 45% thị phần, là mức cao nhất trong toàn hệ thống, cho thấy nỗ lực lớn nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Một số ngân hàng đã đạt được tăng trưởng tín dụng khả quan tính đến thời điểm này. Cụ thể, HDBank ghi nhận mức tăng trên 15% so với đầu năm và tiếp tục đưa ra gói tín dụng 10.000 tỷ đồng với lãi suất giảm đến 2% cho khách hàng vay mới. Sacombank cũng triển khai gói tín dụng ngắn hạn quy mô 15.000 tỷ đồng với lãi suất từ 4,5% - 5,5%/năm nhằm kích cầu kinh tế trong quý cuối năm 2024. Ngân hàng SHB đã thực hiện 21 lần giảm mặt bằng lãi suất cho vay để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM Nguyễn Đức Lệnh chia sẻ: “Niềm tin của doanh nghiệp đã phục hồi, đây chính là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và qua đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Trên địa bàn TP.HCM thông qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, đã có gần 147.000 khách hàng doanh nghiệp được hưởng thụ với tổng doanh số cho vay đạt 425.659 tỷ đồng. Đây là kết quả giải ngân phản ánh sự hỗ trợ cho doanh nghiệp của ngành ngân hàng TP.”

Tín dụng ngân hàng tăng trưởng mạnh mẽ, hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục hoạt động kinh doanh

Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhằm hỗ trợ nền kinh tế, như chỉ đạo các ngân hàng hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do bão số 3, bao gồm cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay và tiếp tục cho vay mới để khôi phục sản xuất. Ngoài ra, ngân hàng cũng tăng ưu đãi gói tín dụng cho nhà ở xã hội 140.000 tỷ đồng, tạo điều kiện cho tín dụng toàn ngành tiếp tục tăng trưởng từ nay đến cuối năm.
Ông Lê Huỳnh Lân - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Mantis Việt Nam nhận xét: "Lãi suất hiện nay tôi thấy cũng tương đối là khá tốt. Có những gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tôi nghĩ ngoài thế chấp bằng bất động sản, thì ngân hàng cũng sẽ hỗ trợ thêm những loại hình khác, chẳng hạn như về cầm cố dòng tiền hay về tín dụng."

Ngân hàng thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp

Ông Trương Võ Hữu Thiên - Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Giáo dục Garastem cho biết: "Cơ chế giải ngân cũng phải linh động theo doanh số, giải ngân theo hàng tồn kho hoặc những phương thức giải ngân linh động. Ngân hàng theo sát doanh nghiệp, tình hình thực tế của doanh nghiệp, tình hình hợp đồng ký với đối tác để chúng ta có những phương án giải ngân đơn giản hơn, nhanh chóng hơn, dễ dàng hơn, cấp thiết hơn."

Do tính chất thời vụ, nhu cầu vốn vào cuối năm thường tăng cao, điều này sẽ tạo thuận lợi cho tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, mức tăng gần 7,4% sau 9 tháng đầu năm vẫn còn khá xa so với mục tiêu 15% cho cả năm 2024.

Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoài, Đại học Kinh tế TP.HCM nhận định: "Sức hấp thụ về vốn của doanh nghiệp đang có xu hướng hạn chế, đặc biệt là tín dụng của chúng ta đang có lãi suất thấp nhưng hấp thu của lãi suất thấp đối với doanh nghiệp đang có xu hướng yếu. Như vậy thì cầu đầu tư dù đang trên đà khôi phục nhưng khôi phục chưa như kỳ vọng. Phải có chương trình kích thích tiêu dùng rộng khắp, quy mô lớn hơn, không chỉ trong TP mà liên quan đến các vùng."

Nhu cầu vốn cuối năm thường tăng cao, tạo thuận lợi cho tăng trưởng tín dụng

Ông Nguyễn Đức Lệnh cũng nhấn mạnh: "Khả năng hấp thụ vốn tốt hơn, tạo lập dòng tiền, từ đó chu chuyển vốn trong nền kinh tế thuận lợi sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm. Có thể nói 15% là để định hướng, để tạo điều kiện chủ động về mặt nguồn vốn cho các tổ chức tín dụng đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho doanh nghiệp mà không bị giới hạn bởi chỉ số tăng trưởng. Vì vậy tăng trưởng tín dụng sẽ là tốt nhất, phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế."

Để huy động tối đa nguồn lực cho phát triển và tăng khả năng hấp thụ vốn, các chuyên gia ngân hàng đề xuất tiếp tục tháo gỡ khó khăn về pháp lý và thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, đồng thời xem xét việc gia hạn hiệu lực của Thông tư 06 về cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ đến sau ngày 31/12/2024.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: