Ngày 12/01, Tổ chức Động vật Châu Á đã thực hiện cứu hộ ba gấu ngựa được Công ty TNHH Đặng Vinh – đơn vị chủ quản Công viên nước Củ Chi tự nguyện viết đơn chuyển giao với mong muốn gấu có điều kiện sống tốt nhất.
Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, Hạt Kiểm lâm Củ Chi hỗ trợ mọi thủ tục bàn giao và phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Động vật Châu Á trong công tác cứu hộ gấu, hoàn thiện thủ tục pháp lý đưa gấu về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam, cơ sở mới vận hành tại Vườn quốc gia Bạch Mã, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Bác sĩ thú y khám sức khỏe lâm sàng cho gấu trước khi đưa lên xe về trạm cứu hộ. Nguồn ảnh: AA
Ba gấu ngựa này có nguồn gốc hợp pháp, được Công ty Đặng Vinh nuôi tại Công viên nước Củ Chi với mục đích phục vụ cho hoạt động tham quan vườn thú. Hiện nay, do các thay đổi trong mô hình kinh doanh, công ty mong muốn tự nguyện giao gấu về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại Vườn quốc gia Bạch Mã – do Tổ chức Động vật Châu Á tài trợ và vận hành.
Ba con gấu ngựa được cứu hộ lần này khoảng 20 tuổi, thể trạng gầy yếu, mất nhiều mảng lông trên cơ thể. Gấu được nuôi trong mô hình bán hoang dã phục vụ du lịch và ngắm nhìn trực quan, nhưng với điều kiện kinh doanh khó khăn và co hẹp quy mô, cơ sở vật chất chuồng trại dường như đã lâu không được bảo trì.
Gấu Thăng Long đã bị đục thủy tinh thể sau thời gian nuôi nhốt. Nguồn ảnh: AA
Khám sức khỏe cho từng gấu ngựa được cứu hộ
Đoàn cứu hộ đặt tên các gấu ngựa được cứu hộ là Cửu Long (gấu đực), Thăng Long (gấu cái), và Hạ Long (gấu cái), vì đây là ba gấu đầu tiên được cứu hộ trong năm mới 2024 – Bính Thìn (Rồng).
Việc đánh giá sức khỏe của gấu một cách toàn diện sẽ được thực hiện sau khi gấu về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam (dự kiến ngày 14/01), sau đó các bác sỹ và chuyên gia chăm sóc sẽ lên các phác đồ để phục hồi sức khỏe cho gấu.
Đây là chuyến cứu hộ đầu tiên của Tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia) trong năm 2024, và cũng là lần đầu Tổ chức phối hợp cùng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM cứu hộ gấu.
Ngoài 3 cá thể gấu được bàn giao - cứu hộ đợt này, Công viên nước Củ Chi đang nuôi 8 cá thể gấu ngựa, và một số loài động vật khác. Gấu được gắn chip kiểm tra, và các cán bộ Chi cục Kiểm lâm TP.HCM định kỳ xuống kiểm tra tình trạng gấu theo đúng quy định hiện hành.
Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có 30 cá thể gấu được nuôi nhốt trong các trang trại tư nhân, vườn thú và công viên. Tổ chức Động vật Châu Á mong muốn được phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục vận động để cứu hộ thêm nhiều cá thể gấu về Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam.
Ba gấu ngựa tại Củ Chi (TP.HCM) sẽ về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam cơ sở VQG Bạch Mã , tỉnh Thừa Thiên Huế. Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam II đã hoàn thiện xây dựng giai đoạn 1, đang vận hành với khu cơ sở vật chất, bệnh viện, khu cách ly tạm thời và 2 nhà gấu đôi với bốn khu bán tự nhiên. Hiện Trung tâm đang chăm sóc 6 cá thể gấu ngựa trong mô hình nuôi bán hoang dã.
Đến nay, tại Việt Nam, tổ chức Động vật Châu Á (được thành lập bởi TS. Jill Robinson MBE) đã cứu hộ, chăm sóc 269 cá thể gấu ngựa và gấu chó. Theo Tổ chức này, do bị thu hẹp môi trường sống (sự biến mất dần của các cánh rừng tự nhiên), và nạn săn bắt gấu tự nhiên đưa vào các trại gấu để trích hút mật, số lượng gấu ngoài tự nhiên ước tính chỉ còn vài trăm cá thể. Trong khi đó, theo số liệu mới nhất của Cục Kiểm lâm Việt Nam, chỉ còn khoảng 300 cá thể gấu đang bị giam cầm trong các trại nuôi nhốt gấu trên cả nước. Tại các trại gấu, chúng bị nhốt suốt đời trong các lồng cũi chật hẹp và bị chọc kim vào túi mật, bị tổn thương cả về sức khỏe và tâm lý. Có rất nhiều cá thể gấu đã bị tàn tật sau khi được cứu hộ, những cá thể này sẽ không sống được nếu thả về tự nhiên.
Tổ chức Động vật Châu Á là một tổ chức từ thiện quốc tế hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và vận hành Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam. Sứ mệnh quan trọng nhất của Tổ chức là cứu hộ gấu, chấm dứt nạn nuôi gấu lấy mật bất hợp pháp, và bảo tồn loài gấu ngoài tự nhiên.
Về phương diện thúc đẩy thực thi pháp luật, Tổ chức Động vật Châu Á phối hợp với các cơ quan chức năng, với ngành Kiểm lâm để cứu hộ gấu, tuyên truyền pháp luật bảo vệ loài gấu. Về phương diện tìm kiếm giải pháp giảm nhu cầu mật gấu, Tổ chức phối hợp cùng các thầy thuốc đông y của Trung ương hội Đông Y Việt Nam giới thiệu và phổ biến các cây thuốc vị thuốc có tác dụng thay thế mật gấu. Về phương diện giáo dục nâng cao nhận thức bảo vệ gấu, Tổ chức thường xuyên có các chương trình tuyên truyền tới các trường học để giúp học sinh hiểu rõ hơn về trách nhiệm bảo vệ loài gấu và các loài động vật. Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam của Tổ chức cũng chào đón học sinh và các khách tham quan tìm hiểu về thực trạng cuả loài gấu cũng như thăm các chú gấu vui đùa tại các khu bán tự nhiên.
Nguồn: TTXVN
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9