Chuyển đổi xanh, thay đổi hoặc bị đào thải

HỒNG DIỄM - QUANG HUY - THÁI PHƯƠNG - XUÂN HẠO - PHONG TRẦN - PHƯƠNG TRINH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 18/12/2023, 22:00

(HTV) - Biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực đến cả thế giới. Hướng đến Net Zero không phải là cuộc chơi “xa xỉ” của người giàu mà là nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi của mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam.

 

 

Net Zero là cuộc chơi toàn cầu, đầu tư cho tương lai nhưng Việt Nam phải hành động ngay bây giờ.  "Bỏ lỡ cơ hội" không còn là từ ngữ phù hợp trong bối cảnh hiện nay mà đúng hơn: Nếu Việt Nam "chậm chân" trong chuyển đổi xanh thì chúng ta sẽ bị tụt lại, thậm chí là bị đào thải khỏi cuộc chơi của thế giới.

Tại COP26, Việt Nam cam kết đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050

Trung bình mỗi năm, hoạt động vận tải tại Việt Nam phát thải khoảng 30 triệu tấn CO2; trong đó, vận tải đường bộ chiếm tỷ trọng 85% lượng khí phát thải. Lượng phát thải này được dự báo sẽ tăng trung bình 6-7% mỗi năm.

Giải pháp công nghệ giúp doanh nghiệp vận tải tối ưu lộ trình

Nguy cơ này bắt đầu được các doanh nghiệp vận tải quan tâm, điển hình như đơn hàng các sản phẩm thiết bị GPS dẫn đường, camera hành trình, phần mềm theo dõi và quản lý xe của doanh nghiệp tăng gấp 3 vào năm 2023 so với năm 2022. Không chỉ giúp tiết kiệm chi phí về nhân lực, giải pháp sẽ giúp doanh nghiệp vận tải tối ưu hóa lộ trình vận chuyển, giảm lượng phát thải ra môi trường.

 Ông Mai Hữu Trí, Trưởng phòng kinh doanh mảng dự án, Công ty Cổ phần Ứng dụng Bản đồ việt

Tân Cảng – Cát Lái áp dụng chứng từ điện tử, đăng ký online cho tài xế, giảm lượng xe chờ đợi tại cảng

Tân Cảng - Cát Lái là cảng đầu tiên tại Việt Nam đạt danh hiệu Cảng xanh của Hội đồng mạng lưới dịch vụ cảng APEC. Cảng đã sử dụng thiết bị điện nâng hạ container thay vì dùng dầu diesel, giúp tiết kiệm tới 2 triệu USD nhiên liệu/năm. Áp dụng chứng từ điện tử, đăng ký online cho tài xế, giảm lượng xe chờ đợi tại cảng.

 

Ngành dệt may buộc phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu “xanh hóa” của thế giới

Việt Nam là nhà xuất khẩu hàng dệt may thứ 3 thế giới – chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh. Dù vậy, để có thể giữ được vị thế, các doanh nghiệp dệt may buộc phải thay đổi để đáp ứng  yêu cầu "xanh hóa" ở các thị trường khó tính, đặc biệt là Mỹ, Châu Âu - vốn là những thị trường chủ lực .

Theo ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean chia sẻ: "Xanh phải từ khâu đầu đến khâu cuối, hoàn toàn tự động. Nếu chúng ta chỉ bán tự động, thay đổi từng công đoạn, đương nhiên phải tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng doanh nghiệp chỉ mang lại hiệu suất chứ chưa mang lại doanh nghiệp xanh đủ tiêu chuẩn. Hiện nay đến 2026 châu Âu áp dụng chặt chẽ, Mỹ cũng đã bắt đầu áp dụng. Với COP28 này, sản phẩm xanh, doanh nghiệp xanh sẽ chuyển biến rất nhanh thay vì chúng ta chỉ nói là có lộ trình"

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thăm cấp nhà nước tới Việt Nam từ ngày 10 - 11/9

Tháng 9 năm 2023, Việt Nam và Hoa Kỳ nâng mức quan hệ từ Đối tác toàn diện lên mức cao nhất là Đối tác chiến lược toàn diện. Không gian hợp tác thương mại, đầu tư rộng mở, tuy nhiêu điều đó không đồng nghĩa là Việt Nam có thể tiếp cận thị trường một cách dễ dàng nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn gắt gao, đặc biệt là tiêu chuẩn xanh.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Chuyên gia cao cấp, Đại học Fulbright Việt Nam

Rõ ràng, sân chơi toàn cầu đã có những luật chơi mới, mà ở đó, không có chỗ cho những doanh nghiệp, những quốc gia không chịu thay đổi.

Chuyển đổi xanh là một quá trình dài, mang tính toàn diện, song có thể hình dung đơn giản, để phát triển xanh thì đòi hỏi các vấn đề chủ chốt: công nghệ mới, hệ thống báo cáo và nguồn vốn.

Vinamaik là Thương hiệu sữa lớn thứ 6 thế giới theo bảng xếp hạng công bố năm 2022 của công ty định giá thương hiệu Brand Finance. Phát triển xanh là mục tiêu quan trọng của doanh nghiệp, hướng tới cắt giảm 15% khí thải nhà kính vào năm 2027, đến 2035 cắt giảm 55% và đạt Net Zero vào năm 2050.

Vinamilk đặt mục tiêu cắt giảm 15% khí thải nhà kính vào năm 2027, đến 2035 cắt giảm 55% và đạt Net Zero vào năm 2050

Để hiện thực hóa định hướng đó, trong năm nay, doanh nghiệp đã có 1 nhà máy và 1 trang trại đạt chứng chỉ trung hòa các-bon. Đây là những công trình đầu tiên trong ngành sữa Việt Nam đạt được chứng chỉ này.

 

Ông Lê Thành Liêm, Giám đốc điều hành tài chính, Công ty sữa Việt Nam (VINAMILK) cho biết: "Hiện tại các nguồn tài chính đầu tư cho phát triển xanh chủ yếu từ nguồn vốn tự có của công ty. Tuy nhiên, trong tương lai khi các hoạt động phát triển nhiều hơn, mở rộng hơn thì việc sử dụng nguồn vốn tài trợ bên ngoài là điều chắc chắn”.

Với doanh nghiệp lớn, tài chính là bài toán phải cân nhắc thì với doanh nghiệp nhỏ và vừa - vốn chiếm phần lớn doanh nghiệp cả nước hiện nay, đó là lực cản lớn trong quá trình chuyển đổi xanh.

 

 


Bộ trưởng Trần Hồng Hà và các bên liên quan trong buổi ký kết thỏa thuận ngày
14/12

Tại hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU diễn ra tại Brussels, Bỉ cách đây ít ngày, Nhóm đối tác quốc tế cam kết huy động 15,5 tỷ USD trong 3-5 năm để hỗ trợ Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong 15,5 tỷ USD sẽ có khoảng 200 triệu USD là viện trợ không hoàn lại, phần còn lại là cho vay với lãi suất thấp. Trong năm 2023, Việt Nam phải làm việc với các đối tác để xây dựng và thông qua kế hoạch huy động nguồn lực. Theo các chuyên gia, nguồn vốn quốc tế cho phát triển xanh là có, nhưng điều quan trọng là Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp có hấp thụ được hay không?

Bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó Tổng Giám đốc thường trực, Deloitte VIETNAM chia sẻ: "Thứ nhất doanh nghiệp phải có dự án xanh đã. Chúng ta không nói chúng ta làm xanh thì thế giới tin, các tổ chức tài chính họ tin. Khi triển khai dự án thì chúng ta phải đưa vào chiến lược xanh từ đầu. Từ hội đồng quản trị, ban điều hành cho đến nhân viên phải có chiến lược thực hiện xanh, làm xanh hóa gắn liền với kế hoạch kinh doanh, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, và chuyển tải bằng hành động cụ thể, sau đó cân đo đong đếm được, giám sát được, báo cáo được một cách rõ ràng, minh bạch. Khi mà các tổ chức tài chính, nhà đầu tư họ nhìn thấy doanh nghiệp có lộ trình rõ ràng, có con số bao gồm tài chính, phi tài chính; có dữ liệu bao gồm số lượng và chất lượng, nhìn thấy bài toán hiệu quả và con đường phát triển bền vững đường dài chứ không phải mục tiêu ngắn hạn chỉ thiên về lợi nhuận"

Chuyên gia cũng nhấn mạnh: các tổ chức tài chính trên thế giới sẽ đánh tỷ trọng cao về tiêu chí xanh khi quyết định đầu tư. Do đó, nếu tỷ trọng này của doanh nghiệp Việt không cao, dòng tiền sẽ được "chảy" về các nước khác.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới Việt Nam sẽ cần khoảng 368 tỷ USD đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm khi theo đuổi mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Tuy nhiên, khu vực công chỉ có thể đáp ứng khoảng 1/3 nguồn lực yêu cầu. Do đó, việc thu hút nguồn lực từ bên ngoài là yêu cầu bắt buộc.

"Hệ thống lưu trữ năng lượng nhiệt giá rẻ sử dụng pin cát" này vừa thắng giải cao nhất ở hạng mục "Năng lượng tái tạo và trung hòa Carbon" tại cuộc thi quốc tế " Thách thức Net " được tổ chức tại TP.HCM.

Ngoài giải thưởng 200.000 USD, dự án còn nhận được khoản đầu tư trị giá 50.000 USD từ Quỹ Touchstone Partners (Việt Nam) và Quỹ East Ventures (Indonesia).

Anh Hải Hồ, Đồng Sáng lập Công ty TNHH Alterno Việt Nam

Anh Hải Hồ chia sẻ: "Năm 2023 chưa bao giờ chúng ta có nhiều cuộc thi, ý tưởng xanh mô hình kinh doanh xanh, đồng thời có những cuộc thi cấp vốn thử nghiệm hoàn toàn không đòi hỏi về quyền lợi gì cả như Thách thức Net Zero, lần đầu tiên có cuộc thi ở khu vực Đông Nam Á, giải thưởng 200.000 đô/dự án, với 3 dự án đã được trao giải”. Tuy nhiên, thực tế phải thừa nhận, số dự án xanh hiện nay nhận được nguồn vốn từ các quỹ đầu tư không lớn. Để hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp xanh lớn mạnh và thành công, nỗ lực của doanh nghiệp là điều kiện cần, nhưng điều kiện đủ vẫn rất cần sự chung tay của Chính phủ, sự vào cuộc của chính quyền và tham gia của các định chế.

Anh Phạm Hữu Đức, Quản lý đầu tư Quỹ Earth Venture Capital cũng đã chia sẻ rằng:" Tại các nước phát triển, chính phủ sẽ có nguồn vốn mồi cho các dự án ở giai đoạn đầu. Do đó, chúng tôi nghĩ TP.HCM có thể hỗ trợ các dự án khởi nghiệp ở giai đoạn đầu để các quỹ đầu tư họ tự tin đầu tư vào các dự án. Thứ hai, TP cần hỗ trợ về mặt chính sách về thí điểm cho các dự án"

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi làm việc với các quỹ đầu tư ngày 8/12/2023

Ngày 8/12/2023, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã có buổi gặp gỡ trực tiếp với gần 20 lãnh đạo các quỹ đầu tư, tổ chức trong và ngoài nước để lắng nghe các đề xuất, và cam kết giải quyết các vướng mắc có liên quan đến hoạt động của các nhà đầu tư, các nhà khởi nghiệp để TP.HCM thực sự trở thành nơi đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp tốt.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi có đôi lời chia sẻ trong buổi gặp gỡ lãnh đạo các quỹ đầu tư:"Bên cạnh các chính sách của quốc gia, chúng tôi sẽ xây dựng các chính sách TP.HCM để hỗ trợ, thúc đẩy cho hoạt động chuyển đổi xanh. Một trong những nỗ lực đó là TP.HCM đề nghị và được Quốc hội ban hành Nghị quyết 98. Nghị quyết 98 chứa dựng nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Qua đây, chúng tôi sẽ nghiên cứu và cụ thể hóa". Thông qua đầu mối là Viện nghiên cứu phát triển, Thành phố tiếp tục ghi nhận các kiến nghị, đề xuất từ cộng đồng doanh nghiệp cũng như các quỹ đầu tư, hướng tới mục tiêu đến 2030 TPHCM sẽ trở thành trung tâm khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp ở tầm khu vực châu Á.

Trong buổi đối thoại cùng Phóng viên của HTV, Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ đã nói về việc các nhà đầu tư "rót vốn" vào " Dự án xanh của TP.HCM" như sau:

Phóng viên HỒNG DIỄM: "Thưa tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, nói về phát triển xanh thì chúng ta phải nói về nguồn vốn. Hiện nay nhu cầu nguồn vốn cho phát phát xanh tại TP.HCM như thế nào và khả năng đáp ứng của thành phố đối với nhu cầu đó ra sao?"

Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ: "Đối với bài toán tài chính của thúc đẩy chuyển đổi xanh của thành phố, chúng ta đã có một số định chế tài chính, một trong số đó là Công ty Tài chính vốn Nhà nước TP.HCM (HFIC). HFIC cho vay và ngân sách thành phố bù cái lãi suất buộc lãi suất. Các doanh nghiệp mong muốn đổi xanh thì sẽ được bù lãi suất đó. Tuy nhiên, hiện nay có hai thách thức cần phải tính toán. Thách thức đầu tiên là tìm nguồn cho HFIC. Mười, hai mươi doanh nghiệp với quy mô SME, tức là vừa và nhỏ thì không khó nhưng mà khi chúng ta mở rộng hơn, đây là một chương trình của thành phố, một chương dài hơi thì rõ ràng nguồn lực, nguồn vốn rất khổng lồ.
Thách thức thứ hai, không chỉ chúng ta tìm nguồn tiền mà phải là nguồn tiền lãi suất giá rẻ. Song song và quan trọng không kém là làm sao hợp vốn với những chương trình, những trọng tâm của các ngân hàng thương mại và các quỹ đầu tư bên ngoài. Nhà nước bỏ ra hợp đồng thì các quỹ tư nhân, quỹ bên ngoài có thể bỏ ra một đồng hay không? Hay là ngược lại, nếu các quỹ tư nhân bỏ ra một đồng thì nhà nước có đối ứng được một đồng hay không?"

Phóng viên HỒNG DIỄM: "Như ông nói, việc huy động nguồn vốn từ bên ngoài rất quan trọng, trong buổi làm việc với Chủ tịch UBND thành phố, các quỹ đầu tư có những trăn trở như thế nào về những điều kiện để họ sẵn sàng “rót vốn” vào TP.HCM, thưa ông?"

Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ: " Thứ nhất là về thủ tục hành chính. Chúng ta đang xem đầu tư Kinh tế xanh này là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Dĩ nhiên khi chúng ta đặt vấn đề như vậy, thì với đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, không ai có thể ngồi liệt kê ra hàng ngàn điều kiện để quy định, thậm chí nếu chúng ta có thể liệt kê thì nó đã lạc hậu ngay khi chúng ta ban hành. Bởi vì nó là đổi mới sáng tạo, là khởi nghiệp, tức là những ý tưởng mới luôn luôn xuất hiện và luôn vượt lên rất là nhanh. Vì thế, điều cần thiết là phải có một cách thức tiếp cận mới mà tinh thần Nghị quyết 98 là thí điểm có kiểm soát (Sandbox) về các điều kiện đầu tư vào kinh tế xanh.

Thứ hai là khung chính sách đi cùng với không gian chính sách. Đây là một không gian để quy tụ, quy tập được những người hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, khởi nghiệp trong lĩnh vực xanh, từ đó tổ chức ra hàng loạt hoạt động, sự kiện kết nối, ươm mầm những ý tưởng, những dự án và những công trình có liên quan tới kinh tế xanh. Những công trình, dự án đó chính là đầu vào để các quỹ đầu tư đẩy nguồn tiền xanh vào. Tôi xin nhấn mạnh điểm rất quan trọng là: nỗ lực, thành công, sản phẩm của họ chính là nỗ lực, thành công, sản phẩm của thành phố. Khi họ thành công, chúng ta bắt đầu hình thành nên những kết quả khác nhau của phát triển kinh tế xã, thành phố. Như vậy, cái này vẫn có thể cần thời gian, nhưng mà cũng có những cái ngay trong năm 2024, chúng ta sẽ thấy kết quả."

Phóng viên HỒNG DIỄM: " Vậy còn những hình thức huy động vốn khác thì như thế nào, đặc biệt là tín chỉ carbon vì như chúng ta biết Nghị quyết 98 cũng đã mở ra cho thành phố những cơ chế về tín chỉ carbon?"

Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ:" Về thị trường carbon, kinh nghiệm của thế giới có nhiều mô hình. Chúng tôi nghiên cứu và quan sát thì thấy có hai mô hình, phương thức làm phù hợp với thành phố trong thời gian tới. Một là, chúng ta thúc đẩy một thị trường tình nguyện, tức là anh tình nguyện cùng nhau để chúng ta thí điểm và mua bán carbon này. Hai là thị trường bắt buộc. Một số doanh nghiệp phải xuất khẩu ra các thị trường lớn như Châu Âu, Mỹ, họ đã có những quy chuẩn bắt buộc rồi. Thay vì họ đi mua chứng chỉ đó ở các nước khác, gần nhất là Singapore, thì họ có thể mua ở đây."

Và đó là tất cả những chia sẻ của Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ về việc các nhà đầu tư "rót vốn" vào " Dự án xanh của TP.HCM" cùng với HTV. 

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: