(HTV) - Chuyển đổi xanh đang trở thành xu hướng tất yếu của nền kinh tế Việt Nam vì đây là yêu cầu cấp thiết cho tương lai.
Để có thể hội nhập nền kinh tế toàn cầu, gia nhập các chuỗi cung ứng bền vững, thì cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phải chuyển đổi sang mô hình kinh doanh trách nhiệm, bền vững.
Liên quan đến nội dung này, chương trình Dự báo kinh tế đã có buổi trao đổi cùng anh Thủy Nguyên Hưng - Chuyên gia về khí nhà kính, Đồng sáng lập Minmax Green về tình hình thị trường, những cơ hội, thách thức liên quan đến tín chỉ Carbon, dấu chân Carbon của sản phẩm.
Biên tập viên Thanh Tân: Có thể nói, Phát triển thị trường Carbon là chìa khóa để Việt Nam thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0. Anh đánh giá thế nào về tiềm năng tín chỉ Carbon của Việt Nam?
Anh Thủy Nguyên Hưng - Chuyên gia về khí nhà kính, Đồng sáng lập Minmax Green: "Hiện tại tín chỉ Carbon ở Việt Nam cũng như trên thế giới có thể lấy từ 4 nguồn chính. Thứ nhất là từ sản xuất và tiêu thụ năng lượng tái tạo. Ví dụ như năng lượng gió, năng lượng mặt trời. Thứ hai là từ tiết kiệm năng lượng. Thứ ba là đến các dự án bảo vệ sức khoẻ và giảm phát thải hiệu ứng nhà kính. Thứ tư là đến từ việc bảo tồn và khôi phục rừng tự nhiên. Với 4 hướng như trên thì có thể thấy là tiềm năng lấy được tín chỉ Carbon Việt Nam rất lớn, với điều kiện chúng ta làm một cách hiệu quả và tốt".
Tín chỉ Carbon mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam
Biên tập viên Thanh Tân: Việc triển khai thị trường Carbon đóng góp vai trò như thế nào đối với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam?
Anh Thủy Nguyên Hưng - Chuyên gia về khí nhà kính, Đồng sáng lập Minmax Green: "Đối với việc phát thải rằng bằng 0 đó là một trạng thái cân bằng giữa việc phát thải và loại bỏ khí nhà kính, nhưng không có dùng sự trợ giúp từ bên ngoài. Đây là một mục tiêu rất khó khăn và thử thách không chỉ đối với Việt Nam mà đối với toàn thế giới. Do vậy, tại Hội nghị COP 26, người ta đưa vào một bước trung gian, gọi là trung hòa Carbon vào năm 2023. Trung hòa Carbon là cân bằng giữa phát thải khí nhà kính và loại bỏ nó nhưng vẫn có sự hỗ trợ từ bên ngoài như là vay mượn tín chỉ Carbon để bù trừ vào phần phát thải dương của mình. Tín chỉ Carbon không chỉ giúp cho các doanh nghiệp, tổ chức có mức phát thải cao có thể đạt được trạng thái tạm thời trung hòa về Carbon, và giúp cho các doanh nghiệp đó có thời gian tiết kiệm được chi phí cũng như vốn đầu tư để đầu tư vào trong tương lai cho mục tiêu dài hạn về phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050 mà còn giúp cho các tổ chức, cá nhân khác có nguồn vốn để đầu tư thực hiện thắng lợi các dự án và loại bỏ khí nhà kính. Như vậy thị trường Carbon khi ra đời nó sẽ giúp kết nối nguồn cung và cầu với nhau, và nó giúp tạo dòng tiền có cơ hội luân chuyển trong thị trường, và tất nhiên nó tạo cơ hội kinh doanh mới và tạo ra nhiều công việc mới, và cuối cùng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Cuối cùng nó sẽ giúp cho Việt Nam đi đến mục tiêu là giảm phát thải khí nhà kính và đạt được Net Zero vào năm 2050".
Biên tập viên Thanh Tân: Thách thức lớn nhất khi triển khai thị trường Carbon là gì?
Anh Thủy Nguyên Hưng - Chuyên gia về khí nhà kính, Đồng sáng lập Minmax Green: "Sẽ có khá nhiều thách thức. Đầu tiên là loại bỏ khí nhà kính và tiến tới trung hòa Carbon nó không chỉ đến một số doanh nghiệp cụ thể, mà nó sẽ đến từ cả một chuỗi giá trị và chuỗi hệ thống trong nền kinh tế của mình. Và để đạt được phần Net Zero hoặc trung hòa Carbon thì các doanh nghiệp, tổ chức phải hiểu rõ được mình phát thải ra bao nhiêu, và mình đã giảm phát thải ra bao nhiêu. Chỉ khi đó các doanh nghiệp mới nắm được tình trạng thực tế của mình như thế nào. Và sau đó người ta sẽ tính đến câu chuyện tín chỉ Carbon hay không. Thì đó là một trong những thử thách đầu tiên. Việt Nam hiện chưa có dữ liệu đầy đủ để các doanh nghiệp có thể xác định được mình đang ở đâu. Thứ hai, đối với thị trường Carbon thì hiện tại đang có thị trường Carbon tự nguyện. Và ở đây các doanh nghiệp thuận mua vừa bán với nhau, không có cơ chế ràng buộc và có cơ chế quản lý nào từ Chính phủ. Do vậy nó sẽ có khá nhiều điều bất lợi. Đầu tiên là việc minh bạch không được đảm bảo cao. Thứ hai là các cơ chế khống chế việc sử dụng sai tín chỉ Carbon. Ví dụ hiện trên thế giới có nhiều trường hợp người ta đặt ra nghi vấn về việc tẩy xanh về tín chỉ Carbon. Đó là một thách thức nữa đối với tín chỉ Carbon. Thị trường tín chỉ Carbon Việt Nam đang rất là mới mẻ và đang có nhiều thông tin chưa đầy đủ. Đó là thách thức lớn khi xây dựng thị trường Carbon tại thị trường Việt Nam.
Biên tập viên Thanh Tân: Anh đánh giá, trường tín chỉ Carbon tự nguyện có tiềm năng như thế nào tại TP.HCM?
Anh Thủy Nguyên Hưng - Chuyên gia về khí nhà kính, Đồng sáng lập Minmax Green: "Tiềm năng về tín chỉ Carbon ở Việt Nam rất lớn. Tuy nhiên thị trường tín chỉ Việt Nam tự nguyện tương đối mới, nên chưa có hướng dẫn cụ thể về thị trường này. Rất nhiều các tổ chức quốc tế tìm đến Việt Nam để đầu tư, triển khai nguồn vốn để thực hiện thị trường tín chỉ Carbon tại Việt Nam, đặc biệt về mảng khôi phục và bảo vệ tài nguyên rừng. Và có nhiều nhu cầu đến từ bà con và các tổ chức trong nước mong muốn đầu tư vào thị trường này. Tuy nhiên đây không phải là cuộc chơi dễ dàng cho bất kỳ ai, và mọi người chúng ta đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng không chỉ về kiến thức mà còn là về vốn, và đặc biệt là đầu ra cho sản phẩm".
Tín chỉ Carbon chìa khóa cho tương lai xanh của Việt Nam
Biên tập viên Thanh Tân: Được biết anh cũng là người đồng sáng lập Minmax Green. Anh có thể cho biết, Minmax đã có những giải pháp gì giúp Doanh nghiệp Phát triển bền vững đưa thương hiệu Việt vươn ra Thế giới. Cụ thể là kiểm soát và giảm phát thải khí nhà kính?
Anh Thủy Nguyên Hưng - Chuyên gia về khí nhà kính, Đồng sáng lập Minmax Green: "Đối với Minmax Green là mục tiêu chúng ta đóng góp một phần nhỏ vào lộ trình phát thải khí nhà kính của Việt Nam theo Quyết định 01 của Chính phủ, hướng tới trung hòa Carbon vào năm 2030, tiến tới Net Zero vào năm 2050. Chúng tôi sẽ có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về khai báo và kiểm kê khí nhà kính cũng như truyền tải những thông điệp, kiến thức quan trọng về khí nhà kính. Đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp kiểm kê khai báo khí nhà kính trên nền tảng online, điều đó giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí và có cái nhìn trực quan về mức phát thải của mình".
Biên tập viên Thanh Tân: Kỳ vọng nguồn cung ứng tín chỉ Carbon sẽ mang lại lợi ích kinh tế như thế nào?
Anh Thủy Nguyên Hưng - Chuyên gia về khí nhà kính, Đồng sáng lập Minmax Green: "Nguồn tín chỉ Carbon nó sẽ giúp cho hai phía. Đối với doanh nghiệp đang thiếu và đang muốn bù đắp tín chỉ Carbon thì đây là nguồn đầu tư với chi phí hợp lý, để trong giai đoạn doanh nghiệp đó có thể đầu tư về công nghệ và về vốn để thực hiện mục tiêu dài hạn hơn về Net Zero vào năm 2050. Đối với doanh nghiệp, tổ chức có khả năng cung cấp được tín chỉ Carbon, thì đây là nguồn vốn đầu tư thực hiện những dự án tham vọng của mình về loại bỏ khí nhà kính".