(HTV) - Để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với các công trình thủy lợi, theo các chuyên gia, rất cần ban hành giá sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi. Việc này sẽ góp phần đảm bảo kinh phí để thực hiện công tác duy tu, sửa chữa định kỳ.
Dự án Đê bao ven sông Sài Gòn ở Củ Chi (TP.HCM) có chiều dài 60km, với 3 cụm quản lý. Công trình thủy lợi này đóng góp tích cực trong việc đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và sản xuất của người dân trên địa bàn huyện Củ Chi.
Dự án Đê bao ven sông Sài Gòn ở Củ Chi
Hệ thống kênh Đông Củ Chi cũng là công trình quan trọng trong việc lưu trữ nước được dẫn về từ hồ Dầu Tiếng. Những nguồn nước này luôn được ngành thủy lợi tập trung kiểm soát để đảm bảo khối lượng và cả chất lượng.
Anh Vũ Quang Quí - Cụm trưởng Cụm Quản lý N43 Kênh Đông huyện Củ Chi, TP.HCM chia sẻ: "Kênh Đông huyện Củ Chi dài 600km. Phục vụ cho diện tích trên địa bàn 13 xã. Tổng lượng nước bình quân cấp nước cho 1 năm khoảng 80 triệu m3. Từ đầu năm đến nay Công ty luôn chú trọng phát quang, duy tu sửa chữa, nạo vét kênh mương, phục vụ tốt cho người dân. Độ PH 6.7 - 6.8, rất tốt để phục vụ cho nông nghiệp".
Anh Vũ Quang Quí - Cụm trưởng Cụm Quản lý N43 Kênh Đông huyện Củ Chi, TP.HCM
Hệ thống công trình ven sông Sài Gòn có những dự án được đầu tư từ năm 1994. Những công trình này phát huy tốt trong việc ngăn lũ vào mùa mưa, hay triều cường, đảm bảo đời sống dân sinh trong khu vực. Mùa nắng thì tích nước phục vụ sản xuất trên địa bàn. Tuy nhiên, qua thời gian, các công trình này ít nhiều bị xuống cấp, cần phải bảo dưỡng vào tu sửa lại, vì vậy đơn vị gặp không ít khó khăn.
Ông Nguyễn Bá Vinh - Giám đốc Xí nghiệp Quản lý Khai thác Công trình thủy lợi Củ Chi, Công ty TNHH MTV Quản lý Khai thác Dịch vụ thủy lợi TP.HCM cho biết: "Công ty khó khăn, vì công trình thì lớn, nhưng nguồn kinh phí duy tu, bảo trì rất thấp, nên Xí nghiệp phải huy động toàn bộ công nhân trực tiếp thực hiện công tác này, để đảm bảo an toàn công trình, tiết kiệm nguồn kinh phí thấp nhất".
Ông Nguyễn Bá Vinh - Giám đốc Xí nghiệp Quản lý Khai thác Công trình thủy lợi Củ Chi, Công ty TNHH MTV Quản lý Khai thác Dịch vụ thủy lợi TP.HCM
Với thông tin giá sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi sẽ được ban hành, ngành thủy lợi TP.HCM kỳ vọng sẽ góp phần giúp công tác quản lý, bảo trì, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi của Thành phố thực sự phát huy hiệu quả, đảm bảo chất lượng cung ứng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên nước.
Theo ông Nguyễn Bá Vinh: "Nếu như phương án giá được UBND TP.HCM thông qua thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Công ty có được nguồn kinh phí lớn hơn để bảo trì, đồng thời giúp Công ty chủ động trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao".
"Giá sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi hiện đóng vai trò quan trọng trong công tác tổ chức, quản lý, vận hành cũng như cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi. Sau khi có giá, sẽ thực hiện đấu thầu hoặc đặt hàng. Và khi đó sẽ nâng cao vai trò, trách nhiệm giữa đơn vị quản lý và đơn vị cung cấp sản phẩm dịch vụ cũng như vận hành hệ thống thủy lợi,...Thứ 2 là sau khi thực hiện phương thức này, giúp đảm bảo nguồn kinh phí để thực hiện việc tu sữa, bảo dưỡng các công trình thủy lợi được thường xuyên và kịp thời", ông Nguyễn Đức Vũ - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi TP.HCM cho biết.
Ông Nguyễn Đức Vũ - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi TP.HCM
Các công trình thủy lợi được đầu tư đã đóng góp tích cực trong việc cải tạo vùng đất phèn vùng ngoại thành, tận dụng nước triều theo mùa để khai thác phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, công trình thủy lợi hiện nay còn phục vụ nhiều mục tiêu, lợi ích tổng hợp theo nhu cầu xã hội như: Cung cấp nước phục vụ sản xuất công nghiệp, sinh hoạt, phòng chống úng ngập, phục vụ nuôi trồng thủy sản, bảo vệ môi trường, sinh thái, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9