Ca sĩ Quang Dũng khóc giữa Thành phố trong chiều 30 Tết

Mỹ Hạnh 28/6/2021, 11:00

Tập 60 đã hé lộ đến khán giả về khoảng thời gian khó khăn nhất trong sự nghiệp của ca sĩ Quang Dũng, khi anh từ Quy Nhơn vào TP.HCM lập nghiệp.

Ngay từ thời điểm phát hiện đam mê và khả năng của mình, Quang Dũng đã nỗ lực đạt nhiều giải thưởng ca hát ở quê nhà. Anh đi hát ở các phòng trà nhỏ tại thành phố Quy Nhơn vào mỗi cuối tuần, nhưng chủ yếu là để thỏa đam mê ca hát chứ chưa thực sự bước vào con đường chuyên nghiệp. 

Đến năm 20 tuổi, Quang Dũng quyết định vào TP.HCM lập nghiệp. Trong 4 năm sống một mình nơi đất khách, không có người thân, không có bạn bè, Quang Dũng đã không ít lần cảm thấy tủi thân và hoang mang với lựa chọn của mình. Anh thuê nhà ở cùng sinh viên, đóng tiền ăn cơm tháng, cuộc sống lênh đênh, không cố định... 

Anh nhớ có những chiều 30 Tết, TP.HCM vắng vẻ, ai nấy về quê sum họp cùng gia đình, riêng anh vẫn phải ở lại. Những lần như vậy, anh lại xách xe chạy lòng vòng Thành phố, có khi đang chạy, anh vội tấp vào lề đường và bật khóc. Anh nói: "Đó là kỷ niệm mà Dũng không bao giờ quên được trong cuộc đời mình". 

Lúc mới vào Nam, Quang Dũng đi hát chủ yếu ở các phòng trà. Là dân tỉnh nên anh không thông thạo đường đi, hay bị lạc. Dù ban ngày anh đã tập đi con đường đó để tối đi hát, song, về đêm Thành phố như khoác lên mình một chiếc áo khác, lạ lẫm. Và thế là, thay vì 8 giờ rưỡi hát thì đến hơn 9 giờ anh mới có mặt ở phòng trà. Những lần như vậy, anh cảm thấy rất áy náy và khó giải thích lý do. 

Để có thể theo đuổi con đường ca hát chuyên nghiệp, ban đêm Quang Dũng đi hát, ban ngày anh đi học thêm thanh nhạc. Quang Dũng chia sẻ, thời đó đi hát anh không có tiền mặc vest như bây giờ, chủ yếu mặc sơ mi và quần tây, nhưng lại sắm rất nhiều cà vạt vì chỉ cần thay đổi cà vạt thì sẽ thành một bộ đồ mới. Mỗi tối, anh hát từ 6-8 show, 6 giờ chiều là anh bắt đầu cho một ngày chạy show của mình. "Thuở ấy, giá tô phở là 5.000 đồng, thù lao đi hát của Dũng là 15.000 đồng. Tiền đi hát Dũng để dành trong ống heo, trang trải cho tiền nhà, xăng xe, còn dư bao nhiêu mới dám xài". 

Tuy hát phòng trà có thể giúp Quang Dũng trang trải được cuộc sống nhưng vì đã quá quen với cách hát ở phòng trà, khi hát ở sân khấu lớn có đến mấy ngàn người, Quang Dũng rất áp lực. Tuy nhiên, anh đã vượt thử thách đó và chính thức được khán giả chú ý. Anh nói: “Ai cũng cần phải trải qua giai đoạn khó khăn. Vượt qua những khó khăn đó sẽ cho mình nghị lực và hiểu sâu sắc hơn về cuộc sống. Nếu mọi thứ dễ dàng quá thì sẽ không có sự cố gắng để thành công”. 

Quang Dũng chia sẻ câu chuyện của mình tại Ký ức Sài Gòn - TP.HCM 

Cũng trong chương trình, Quang Dũng đã nhắc về mối duyên của anh cùng cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với sự kính trọng và lòng biết ơn sâu sắc. Anh kể, lần đầu gặp "người thầy" là tại phòng trà, vừa khéo anh đang hát nhạc Trịnh, có người thông báo là có nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang ngồi bên dưới. Nghe thế, anh run đến mức tay cầm micro không vững, anh không nghĩ mình may mắn được gặp người thật ở ngoài đời. Sau buổi biểu diễn, anh và nhạc sĩ trở nên thân thiết, trưa nào anh cũng đến nhà Trịnh Công Sơn luyện hát. 

 Sau hơn 20 năm ca hát, Quang Dũng thấy rằng điều làm anh hạnh phúc nhất đó là vẫn còn được khán giả yêu mến và ủng hộ. Chính khán giả là động lực để anh không nản lòng trong thời điểm "bị chững lại" của sự nghiệp. Giữ vững quyết tâm và lửa nghề, Quang Dũng kiên trì đi theo con đường, phong cách âm nhạc mà mình đã xác định ngay từ đầu, không chạy theo xu hướng thị trường. 

Ký ức Sài Gòn - TP.HCM - 10g sáng chủ nhật trên kênh HTV7

Ý kiến của bạn: