(HTV) - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 khẳng định sự phục hồi rõ nét.
Nhằm chuẩn bị các nội dung dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới, sáng 30/9, tại TP.HCM, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh - Uỷ ban Kinh tế tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 18, cho ý kiến thẩm tra Thẩm tra Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Tham dự có Đồng chí Phan Văn Mãi - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 khẳng định sự phục hồi rõ nét. Trên cơ sở kết quả của 08 tháng, cả năm dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu, GDP cả năm ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mục tiêu 6-6,5% Quốc hội đề ra. Còn chỉ tiêu GDP bình quân đầu người chưa đạt do biến động tỷ giá trong nửa đầu năm.
Các đại biểu phát biểu tại phiên họp
Tuy nhiên các đại biểu cho rằng: một số chỉ tiêu cần được đánh giá thực chất hơn.
Đại biểu Đỗ Thị Lan - Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định: “Trong báo cáo, đánh giá tỉ lệ hộ nghèo giảm trên 1%, tôi không đồng tình với đánh giá này. Năm 2023 chúng ta đặt một phẩy mười mấy, đến năm nay chúng ta đạt được bao nhiêu? Sau bão số 3 thì tỉ lệ hộ nghèo giảm trên 1% là bao nhiêu? Yếu tố không đạt được này theo giảm nghèo đa chiều thì không tiếp cận được theo chiều nào?".
Đại biểu Lê Hoàng Anh - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội bày tỏ: "Tôi rất băn khoăn và đánh giá cao Chính phủ đặt ra "việc nắm bắt dự báo chưa sát". Nhưng năm nào cũng chưa sát, chưa đúng thì nó ảnh hưởng đến công tác điều hành. Thu ngân sách thấp hơn nên chúng ta vượt thu, sau đó đẩy vào đầu tư công nhưng cũng không hấp thụ được. Chính phủ có đưa bài học kinh nghiệm trình giải ngân đầu tư công từ dự án đường dây 500KV mạch 3 trong vòng 6 tháng hoàn thành. Thế thì, với mặt bằng pháp lý như thế tại sao dự án đó làm được như vậy và còn lại hàng loạt phải nằm như không. Đây là câu hỏi mà Chính phủ phải đánh giá, phải báo cáo Quốc hội xem xét vì chúng ta đang sửa luật, bảo vướng nhưng mà dự án một tỷ đô trong vòng 6 tháng hoàn thành và vượt. Vậy do pháp luật hay vì cái gì? Đó là bài toán cần phải tính toán.”
"Hiện nay nền kinh tế đang chuyển dịch thì báo cáo cần làm rõ là doanh nghiệp giải thể, doanh nghiệp thành lập mới đi theo xu hướng nào? Có đi vào nền công nghiệp chế biến, chế tạo hay không? Chúng ta có chuyến sách khuyến khích doanh nghiệp chuyển dịch nhưng đánh giá chung thế này thì không thấy rõ được sự chuyển dịch", đại biểu Trần Anh Tuấn - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM nhận định.
Chính phủ dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025 có 6 quan điểm chỉ đạo, điều hành, mục tiêu tổng quát và 15 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7-7,5%).
Thống nhất với 21 giải pháp của Chính phủ và Uỷ ban kinh tế đưa ra, song các đại biểu cũng gợi ý nhiều vấn đề quan trọng cần được đặc biệt quan tâm.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu: "Sự phối kết hợp chính sách tín dụng với chính sách của dự án bất động sản, dự án nhà ở xã hội rất bất cập. Chúng ta có nhiều chương trình như: một triệu căn nhà ở xã hội nhưng thực tế giải ngân rất khó khăn. Vướng mắc lớn nhất là mức lãi suất chưa phù hợp, với đối tượng cho vay khó khăn. Nếu không có cách thức điều chỉnh thì chính sách sẽ không phát huy được tác dụng, hay gọi là dừng trên giấy.”
Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn Đại biểu Quốc Hội TP.HCM nhận định: Quan điểm của Tổng Bí thư rất hợp lý khi khuyến khích địa phương quyết định, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, nguy hiểm nằm ở giai đoạn hậu kiểm. Khi thanh tra, kiểm toán, nếu địa phương đã quyết định, đã làm và phải chịu trách nhiệm thì sẽ gánh chịu nhiều áp lực. Do đó, cần phải bảo vệ cán bộ, nhất là ở địa phương, những người có tinh thần khát vọng phát triển địa phương mình. Vì vậy, tôi đề nghị cần phân cấp, phân quyền rõ ràng hơn. Hiện nay, chúng ta đang rà soát các luật nên tôi mong các đại biểu cùng rà soát theo hướng phân cấp, phân quyền rõ ràng hơn, toàn diện hơn.
Cần ưu tiên, quan tâm hơn các dự án đường sắt tốc độ cao
Để tạo sự đột phá về hạ tầng, đại biểu cho rằng: bên cạnh sự ưu tiên đối với dự án đường sắt Bắc - Nam như hiện nay, cần ưu tiên, quan tâm hơn các dự án đường sắt tốc độ cao, các tuyến vành đai liên vùng, liên tỉnh (ví dụ vành đai 3, 4, 5 của Hà Nội, TP.HCM), đường sắt đô thị ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Cần quan tâm nhiều hơn cho những thế mạnh của Việt Nam
Tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, công nghệ cao, chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo nhưng cũng cần quan tâm nhiều hơn cho những thế mạnh của Việt Nam là nông nghiệp và du lịch văn hóa, bởi nếu không quan tâm đúng mức thì có khả năng chúng ta sẽ mất đi thế tự chủ trong nền kinh tế.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9