Băn khoăn về chỉ tiêu và nguồn lực cho chương trình phòng chống ma túy

KIM KHÁNH - NGỌC TUẤN // VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN HTV HÀ NỘI 13/11/2024, 19:48

(HTV) - Trước tình hình hình ma túy đang diễn biến ngày càng phức tạp, đại biểu thống nhất cao với sự cần thiết đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.

Trong chiều 13/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. Nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về xác định các mức chỉ tiêu và nguồn lực cho thực hiện chương trình.

Tình hình hình ma túy đang diễn biến ngày càng phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh và sức khỏe cộng đồng, là hiểm họa đối với thế hệ trẻ. Do vậy, đại biểu thống nhất cao với sự cần thiết đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. 

Tuy nhiên, đối với 20 mục tiêu cụ thể mà Chương trình đề ra về giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy, có những chỉ tiêu đặt ra cao, thậm chí 100% là khó khả thi.

Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh 

Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh nhận định: “Về phấn đấu phát hiện, triệt phá 100% các điểm phức tạp về ma túy và các đối tượng bán lẻ. Theo tôi, mục tiêu này quá cao và có thể khó đạt được trong bối cảnh các điểm, các đối tượng ma túy ngày càng tinh vi, trừ khi có sự phối hợp thật tốt, chặt chẽ liên ngành, hiệu quả và cải thiện đáng kể công nghệ, phương tiện hỗ trợ.”

Về quy mô và nguồn lực để thực hiện chương trình, nhiều đại biểu cho rằng, với 22.450 tỷ đồng tổng vốn thực hiện là còn hạn chế, cơ chế phân bổ cho các địa phương cũng chưa rõ ràng.

“Đây là một khoản đầu tư lớn, nhưng so với các chương trình mục tiêu quốc gia khác, con số này còn khá khiêm tốn. Đối với dự án nâng cao hiệu quả phòng, chống ma túy tại cơ sở cần khoảng 4.728 tỷ đồng để phân bổ cho các xã có người nghiện ma túy. Đây là khoản chi cần thiết để huy động người dân, hệ thống chính trị địa phương cùng tham gia phòng, chống ma túy, nhưng lại chưa đủ để đáp ứng nhu cầu thực tế. Cơ chế phân bổ cho các địa phương khó khăn, trọng điểm về ma túy cũng chưa rõ ràng, dễ dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giữa các địa phương, gây khó khăn trong công tác triển khai”, Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận định. 

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang

Giải trình thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, các mục tiêu và nguồn lực cho Chương trình đã được Bộ Công an và các bộ ngành liên quan tính toán kỹ lưỡng. 

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết thêm: “Chúng tôi đã nghiên cứu, phân tích đồng thời đánh giá rất kỹ lưỡng các chỉ tiêu này, trên cơ sở thực tiễn của công tác đấu tranh phòng chống ma túy thời gian qua. Quan điểm của chúng tôi đây là chỉ tiêu mang tính nguyên tắc và bắt buộc phải thực hiện. Về nguồn vốn thực hiện, chúng tôi cũng rà soát, tính toán từng nội dung một, và tập trung bố trí nguồn lực để giải quyết những vấn đề cấp bách, trước mắt, đảm bảo sử dụng ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích và tránh dàn trải”. 

Bộ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, trong quá trình điều hành, các cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ trong chương trình sẽ tham mưu cho Chính phủ tiếp tục cân đối ngân sách Trung ương để phù hợp với điều kiện thực tế và sẽ báo cáo Quốc hội ưu tiên hỗ trợ thêm nhằm đảm bảo tính bền vững của chương trình.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

 

Ý kiến của bạn: