(HTV) - Theo Bộ Y tế, tỷ lệ điều dưỡng trên một bác sĩ ở Việt Nam đang rất thấp so với thế giới. Nếu trên thế giới trung bình cứ một bác sĩ có 3 đến 4 điều dưỡng, thì Việt Nam 1 bác sĩ chưa đến 2 điều dưỡng.
Liệu trước thực trạng nhân lực thiếu, cường độ công việc ngày càng tăng, mà lời giải cho bài toán đãi ngộ vẫn còn dang dở thì những người còn bám trụ với nghề là nhờ vào đâu, và họ cần gì để không rời đi?
Thực tế, sự đón nhận, tôn trọng từ người dân, thấu hiểu từ bệnh nhân, thông cảm từ người nhà, môi trường làm việc sẻ chia,...đó là mức đãi ngộ có lẽ còn đắt đỏ hơn tiền lương mà đội ngũ điều dưỡng mong mỏi hơn hết.
Điều dưỡng Quế Thanh, công tác tại trạm y tế xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, còn nhớ khi mới đến trạm năm 2006, mỗi tháng chỉ nhận 324.000 đồng. Vậy mà đến nay, chị không ngờ mình đã trụ lại suốt 16 năm.
Theo các đơn vị đào tạo, trong bối cảnh thiếu điều dưỡng, nhất là để chăm sóc cho nhóm người cao tuổi, nhu cầu tuyển dụng ở các cơ sở y tế hiện nay rất cao, nhưng phải là điều dưỡng chất lượng. Chất lượng ở đây không chỉ là kiến thức, kỹ năng mà còn là những đức tính mà một người điều dưỡng cần.
Bởi khó khăn là của chung cả ngành y tế, nhưng nếu không kiên định, tâm huyết với nghề ngay từ quá trình học tập thì khi dấn thân vào công việc, chuyện điều dưỡng bỏ nghề vì các lý do chủ quan là điều khó tránh khỏi.
Một số đơn vị đào tạo ngành điều dưỡng hiện nay, như tại trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đến nay đã cung cấp cho ngành y tế TP.HCM hơn 1200 cử nhân điều dưỡng, nhưng hiện con số này vẫn chưa đáp ứng đủ. Nhất là sau dịch covid-19, dù tăng chỉ tiêu, số lượng tuyển sinh vào ngành tại các đơn vị có phần giảm.
Hay tại trường Cao đẳng Viễn Đông, để đủ chuẩn tốt nghiệp, các bạn sinh viên điều dưỡng cần phải trải qua 1 kỳ thi sát hạch và đi thực tập ít nhất 8 bệnh viện.
Xuất khẩu lao động cũng là một hướng phát triển thu nhập và chuyên môn mà các sinh viên điều dưỡng lựa chọ. Một số bạn sau khi du học, còn có mong muốn quay về cống hiến cho y tế nước nhà. Tuy nhiên, để làm việc ở các nước bạn, sinh viên điều dưỡng Việt Nam gặp không ít rào cản.
Đức và Nhật hiện là hai thị trường hấp dẫn cho những lao động Việt mong muốn sang làm điều dưỡng. 2 nước với số người cao tuổi cần được chăm sóc dự kiến tăng cao thời gian tới, trong khi không đủ nguồn nhân lực trong nước để đáp ứng. Để thu hút nguồn lao động nước ngoài, Đức và Nhật Bản đã có nhiều chính sách nới lỏng cho những lao động trẻ có mong muốn làm trong ngành điều dưỡng. Đặc biệt, 2 nước này và nhiều nước khác cũng đã áp dụng chức danh trợ lý điều dưỡng từ lâu, chức danh mà ngành y tế VN cũng đang mong muốn thí điểm.
Những người trong ngành, trực tiếp tham gia công tác đào tạo, quản lý, cộng sự của lực lượng điều dưỡng đã có nhiều đề xuất xung quanh vấn đề thu hút, phát triển chuyên môn và nâng cao cách nhìn nhận, gia tăng quyền lợi cho nghề điều dưỡng. Và ít nhất cần có 5 yếu tố: Liên kết đào tạo, chuẩn hóa trình độ, bồi dưỡng phẩm chất, bổ sung chức danh và tăng cường chính sách.
Bài toán ngành điều dưỡng: Giữ chân từ đãi ngộ, để những người đã và sẽ tiếp tục gắn bó với nghề ổn định cuộc sống, cảm thấy yên lòng, tự tin. Thu hút bằng y đức, vì đó mới là điều đẹp đẽ và quý giá nhất của những người chiến sĩ đánh giặc ốm, xứng đáng để họ theo đuổi và cảm thấy tự hào.
>>> Xin mời quý vị đón xem Chương trình Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9