Viêm phổi gia tăng liệu có gây ra một đại dịch mới?

MAI LAN - ĐẠT NGUYỄN - TRÚC QUỲNH - PHƯƠNG TRINH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 7/12/2023, 16:52

(HTV) - Thời gian qua, số trẻ em mắc các bệnh về đường hô hấp, bao gồm cả viêm phổi, tăng nhanh một cách bất thường ở miền Bắc Trung Quốc. Ngay sau đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) yêu cầu nước này cung cấp thông tin về đợt bùng phát bệnh viêm phổi bí ẩn.

Vụ việc đã thu hút sự chú ý trên toàn cầu. Nhiều người lo ngại về nguy cơ xảy ra một đại dịch mới. Nhưng thực hư thế nào?


Từ giữa tháng 10 năm 2023, nhiều bệnh viện ở miền Bắc Trung Quốc bắt đầu báo cáo tình trạng gia tăng số trẻ em mắc các bệnh về đường hô hấp, bao gồm cả viêm phổi. Nhiều nguồn tin địa phương cho hay, các bệnh viện nhi ở Bắc Kinh, Liêu Ninh và nhiều nơi khác bị quá tải.

Kênh truyền hình Al Jazeera cũng đưa tin Trung Quốc đang chứng kiến số ca bệnh hô hấp tương tự cúm tăng vọt  so với cùng kỳ trong vòng 3 năm qua, trước khi áp dụng biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt “Zero COVID”.

Cộng đồng y tế trực tuyến ProMED đặt nghi vấn về việc ngày càng nhiều phương tiện truyền thông đưa tin về các ca bị bệnh viêm phổi không xác định ở trẻ em tại miền Bắc Trung Quốc. Họ cho rằng "việc nhiều trẻ bị ảnh hưởng nhanh như vậy là điều bất thường", và rằng sự bùng phát bệnh hô hấp ở trẻ em đang lan rộng, vì hai khu vực đang quá tải bệnh viện nhi là Bắc Kinh và tỉnh Liêu Ninh cách nhau gần 800 km.

Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc tuyên bố không tìm thấy bất kỳ “căn bệnh bất thường hoặc mới lạ nào”, và sự gia tăng số ca nhiễm trùng đường hô hấp chỉ đơn giản là do các cơn ho và cảm lạnh thông thường vào mùa đông. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đến đầu tháng 11 báo cáo về xu hướng gia tăng các ca mắc bệnh về đường hô hấp. Ông Mi Feng, người phát ngôn của cơ quan này, cho biết “các phân tích của chính quyền cho thấy rằng sự gia tăng liên tục các bệnh về đường hô hấp cấp tính được báo cáo gần đây là do một số mầm bệnh đường hô hấp gây ra“.


Quan ngại trước tình hình tại Trung Quốc, ngày 22/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã yêu cầu Bắc Kinh cung cấp thêm thông tin dịch tễ học và lâm sàng, cũng như kết quả xét nghiệm từ các cụm bệnh. Hai ngày sau, kết quả cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do vi khuẩn Mycoplasma Pneumoniae.

Kết luận đưa ra sau cuộc họp giữa WHO với Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc và Bệnh viện Nhi đồng Bắc Kinh. Từ dữ liệu do Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc và Cục quản lý Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc cung cấp, WHO cho rằng dù sự gia tăng số ca bệnh xảy ra sớm hơn các mùa bệnh hô hấp trước đây, nhưng không bất ngờ khi mà các hạn chế COVID-19 được dỡ bỏ. Điều này đã xảy ra tương tự ở các quốc gia khác.

Còn theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, tình trạng kháng kháng sinh chữa bệnh cũng có thể đóng vai trò nhất định trong việc gia tăng các ca viêm phổi ở Trung Quốc. 

Phụ huynh chờ đưa con em mình khám bệnh hô hấp tại một bệnh viện ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Nguồn ảnh: Bloomberg

Hãng tin AP dẫn lời Francois Balloux, giáo sư khoa Sinh học của Đại học College London, Anh, cho rằng vì hiện tại là mùa đông đầu tiên kể từ khi các hạn chế được bãi bỏ, nên có thể khả năng miễn dịch của trẻ em đối với các bệnh thông thường đã giảm. Theo ông, trừ khi có bằng chứng mới xuất hiện, không có lý do gì để nghi ngờ sự xuất hiện của một mầm bệnh mới.

Về phần mình, giáo sư y khoa Paul Hunter tại Đại học East Anglia của Anh lại nghi ngờ làn sóng lây nhiễm là do một căn bệnh mới gây ra, khi được hãng tin BBC phỏng vấn. Ông dự đoán sẽ có nhiều ca nhiễm trùng đường hô hấp hơn ở người lớn.

Thông thường, sự xuất hiện của các chủng cúm mới hoặc các loại virus khác có khả năng gây ra đại dịch thường bắt đầu từ các cụm bệnh về đường hô hấp không được chẩn đoán. Chẳng hạn như dịch SARS và COVID-19 lần đầu tiên được báo cáo là các loại viêm phổi bất thường.


Mycoplasma Pneumoniae là vi khuẩn có thể gây bệnh bằng cách làm tổn thương niêm mạc của hệ hô hấp (ở cổ họng, phổi, khí quản). Vi khuẩn cũng có thể tồn tại trong mũi hoặc cổ họng mà không gây bệnh. Viêm phổi do Mycoplasma được gọi là viêm phổi “không điển hình”. 

Vi khuẩn Mycoplasma Pneumoniae được cho là nguyên nhân chính cho đợt bùng phát bệnh viêm phổi ở Trung Quốc. Nguồn ảnh: Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ

Nhìn chung, người mắc vi khuẩn Mycoplasma có thể có biểu hiện nhẹ và có các triệu chứng không đặc hiệu, như khò khè hoặc gây cơn hen, ho, hắt hơi, sổ mũi, sốt nhẹ. Ngoài ra bệnh cũng như ảnh hưởng đến một số cơ quan khác ngoài phổi bao gồm: da, niêm mạc, cơ, khớp, tim và hệ thần kinh trung ương. Viêm phổi do Mycoplasma Pneumoniae có thể diễn biến từ từ, trẻ sốt nhẹ sau đó tiến triển thành sốt cao hơn và ho dai dẳng. Thời gian ủ bệnh có thể từ 2-3 tuần.

Khi người bị nhiễm ho hoặc hắt hơi, họ sẽ tạo ra những giọt bắn nhỏ có chứa vi khuẩn. Người khác có thể bị nhiễm bệnh nếu hít phải những giọt bắn này.

Sự bùng phát Mycoplasma xảy ra chủ yếu ở những nơi đông người như trường học, ký túc xá, cơ sở quân sự, và bệnh viện v.v. Trong phần lớn trường hợp, việc tiếp xúc nhất thời với người bị bệnh không gây lây nhiễm, mà vi khuẩn thường lây lan giữa những người sống cùng nhau trong thời gian dài. Bệnh hay gặp nhất ở trẻ em, thanh thiếu niên độ tuổi đi học, nhưng cũng có thể gặp ở mọi lứa tuổi.

Vi khuẩn Mycoplasma Pneumonia dưới kính hiển vi, hiện chưa có vắc-xin phòng ngừa. Nguồn ảnh: ASM Journal

Hầu hết bệnh nhân mắc loại viêm phổi này không cần phải nhập viện và chỉ cần điều trị ngoại trú bằng kháng sinh. Những người dễ bị bệnh nặng nhất là trẻ nhỏ, người già, những người bị suy giảm miễn dịch và những người có bệnh lý nền nghiêm trọng.

Tuy nhiên cũng cần lưu ý, một số loại vi khuẩn Mycoplasma Pneumoniae có khả năng kháng một số loại thuốc kháng sinh điều trị.


Nhiều quốc gia khác cũng chứng kiến sự gia tăng các bệnh về đường hô hấp. Đan Mạch, Pháp và Hà Lan gần đây đều ghi nhận gia tăng ca bệnh viêm phổi ở trẻ em liên quan đến vi khuẩn Mycoplasma. Mới nhất, số ca nhiễm tăng đột biến xuất hiện ở bang Ohio, khiến giới chức Mỹ lên tiếng cảnh báo.

Cụ thể, Viện Huyết thanh Quốc gia Đan Mạch (SSI) ngày 29/11 ra cảnh báo về tình trạng gia tăng đột biến số ca bệnh nhiễm vi khuẩn Mycoplasma Pneumoniae. Cơ quan này cho biết tỷ lệ nhiễm Mycoplasma ở Đan Mạch đủ cao để được coi là dịch bệnh, với số ca nhiễm tăng đáng kể trong 5 tuần qua.

Biểu đồ cột do SSI Đan Mạch công bố cho thấy số ca nhiễm tăng cao liên tục từ tuần thứ 40 năm 2023. Nguồn ảnh: SSI Đan Mạch

Các quan chức y tế ở Hà Lan cũng báo cáo số ca viêm phổi ở trẻ em và thanh thiếu niên gia tăng đột ngột từ tháng 8 mà không có lời giải thích rõ ràng. Hầu hết bệnh nhân từ 5 đến 15 tuổi. Dữ liệu giám sát cho thấy tỷ lệ mắc bệnh cao gần gấp đôi so với mức đỉnh ghi nhận vào năm ngoái.

Tại Mỹ, một quận ở Ohio đang trải qua đợt bùng phát bệnh viêm phổi ở trẻ em, bao gồm nhiều trường hợp do Mycoplasma gây ra. Tuổi trung bình của bệnh nhân là khoảng 8 tuổi, các triệu chứng phổ biến nhất là ho, sốt và mệt mỏi. Không có trường hợp tử vong nào được báo cáo và bệnh không nghiêm trọng hơn những năm trước.

Pháp, Nepal và Hàn Quốc cũng báo cáo tình trạng tương tự liên quan đến Mycoplasma. Theo các nhà nghiên cứu châu Âu, tỷ lệ gia tăng này xảy ra từ tháng 7 năm nay.


Dù có nhiều lo ngại xoay quanh khả năng xảy ra một đại dịch tương tự COVID-19, nhưng nhiều chuyên gia khoa học nhấn mạnh rằng nguy cơ xảy ra một đại dịch mới vẫn ở mức thấp.

Bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật COVID-19 tại WHO, cho biết bệnh viêm phổi do Mycoplasma gây ra không nằm trong nhóm bệnh phải báo cáo với cơ quan này, và dù gia tăng trong vài tháng qua, nhưng số ca mắc bệnh hiện tại dường như đang giảm dần.

Còn theo tiến sĩ Leana Wen, một chuyên gia y tế tại Mỹ, Mycoplasma Pneumoniae là một loại viêm phổi do vi khuẩn phổ biến. Ước tính khoảng 1% dân số ở Mỹ bị nhiễm Mycoplasma mỗi năm, nhưng chỉ 5% đến 10% số người nhiễm Mycoplasma sẽ bị viêm phổi. Hiện bệnh này cũng chưa có vắc-xin phòng bệnh.

Reuters dẫn lời nhà dịch tễ học và giáo sư sức khỏe cộng đồng tại Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, Rajib Dasgupta, hầu hết bệnh nhân sẽ hồi phục mà không cần dùng kháng sinh.

Tuy nhiên, theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, mặc dù Mycoplasma Pneumoniae thường gây nhiễm trùng nhẹ, nhưng trong một số trường hợp có thể có những biến chứng nghiêm trọng và cần được chăm sóc tại bệnh viện. Nhiễm trùng Mycoplasma Pneumoniae có thể gây ra hoặc làm nặng thêm các biến chứng sau:

• Viêm phổi nặng

• Hen suyễn hoặc các triệu chứng hen suyễn mới

• Viêm não

• Bệnh tan máu (quá ít tế bào hồng cầu, tức là có ít tế bào cung cấp oxy cho cơ thể hơn)

• Rối loạn chức năng thận (vấn đề về thận)

• Các rối loạn về da như hội chứng Stevens-Johnson, hồng ban đa dạng, hoại tử thượng bì nhiễm độc

Các bệnh về da nằm trong số những biến chứng có thể gặp khi nhiễm Mycoplasma. Nguồn ảnh: Google

Cũng cần chú ý: Viêm phổi là một dạng nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, mà theo WHO là bệnh truyền nhiễm gây tử vong hàng đầu cho trẻ em.

Để đối phó với căn bệnh này, lời khuyên của ngành y tế vẫn ưu tiên phương châm "Phòng bệnh hơn chữa bệnh", nhất là vào thời điểm khí trời trở lạnh mang theo nhiều nguy cơ về đường hô hấp khác.

Rửa tay thường xuyên vẫn là một trong các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh được khuyến nghị nhiều nhất. Nguồn ảnh Getty Images

Trong thông cáo của mình, WHO khuyến nghị người dân Trung Quốc tuân theo các biện pháp nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh về đường hô hấp, bao gồm tiêm chủng; giữ khoảng cách với những người bị bệnh; ở nhà khi bị mắc bệnh; xét nghiệm và chăm sóc y tế khi cần thiết; đeo khẩu trang; đảm bảo thông gió tốt; và rửa tay thường xuyên. Những lời khuyên này, tất nhiên, cũng có tác dụng với người dân các nước khác. 

Có thể thấy, khả năng xảy ra một đại dịch mới, xét trên nhiều phương diện vẫn ở mức thấp. Chúng ta không cần quá lo lắng, nhưng vẫn cần theo dõi và chăm sóc đúng cách khi mắc các bệnh về đường hô hấp.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: