Tự truyện – hồi ký của nghệ sĩ: Không chỉ kể mỗi chuyện đời

Cùng với những vai diễn, ca khúc được sáng tác và biểu diễn, đời tư của nghệ sĩ thông qua tự truyện, hồi ký rất được khán giả quan tâm. Nhưng “của riêng còn một chút này” và chia sẻ chuyện nghề là cách nhiều nghệ sĩ lựa chọn.

Bìa tự truyện của Sơn Tùng MTP

Tính đến thời điểm này, đã có khá nhiều nghệ sĩ ra mắt tự truyện hay hồi ký. Có thể kể đến: Lê Vân - Yêu và sống, Vang vọng một thời - Phạm Duy, Thành Lộc - Tâm thành và lộc đời, Những câu chuyện từ trái tim và Trí huệ để lại cho đời của cố GS-TS.Trần Văn Khê, Thương Tín - Một đời giông bão, Đằng sau những nụ cười - danh ca Khánh Ly, Rong chơi - Trần Lập, rock, moto và những cung đường, Để gió cuốn đi của nghệ sĩ Ái Vân, Sống cho người - Sống cho mình của NSND Kim Cương, Chuyện nhà Bông Bờm Bách của NSƯT Trần Lực, Ngẫu hứng của nhạc sĩ Trần Tiến, Chuyện tình không tên của nhạc sĩ Vũ Thành An, Cung đàn số phận của nghệ sĩ Lộc Vàng… 

Không chỉ nghệ sĩ gạo cội mà giới trẻ cũng ra tự truyện như: Mặt nạ của Tina Tình, 365 - Những người lạ quen thuộc của nhóm 365, Tôi vẽ chân dung tôi của Hương Giang Idol, I believe I can fly của Đức Phúc, Chạm tới giấc mơ của Sơn Tùng MTP, Vàng Anh và Phượng Hoàng của Hoàng Thùy Linh, Lột xác của Lâm Khánh Chi, Cỏ hạnh phúc của Harri Won… Gần đây có Đổi thay của ca sĩ Hồ Quang Hiếu, Bao giờ là đúng lúc của cựu siêu mẫu Vũ Cẩm Nhung. Và mới nhất, NSND Lệ Thủy công bố sẽ ra mắt Hồi ký kỷ niệm 60 năm ca hát đang được thực hiện dưới hình thức thu hình trực tiếp để chiếu trên YouTube và phát hành bằng định dạng USB.

Bìa tự truyện của Hari Won 

So với những người bình thường, tự truyện hay hồi ký của nghệ sĩ - người của công chúng luôn đem tới cho độc giả sự tò mò muốn biết cuộc đời thực của họ sau những vai diễn, những bài hát... trên phim ảnh, trên sân khấu. Không chỉ vậy, số phận của mỗi nghệ sĩ còn liên quan đến những người nổi tiếng khác xung quanh họ. Bởi vậy, hồi ký hay tự truyện luôn là “con dao hai lưỡi” khi đặc thù của thể loại buộc nhân vật chính phải “phơi bày” một phần sự thật về cuộc đời mình. Thế nên Lê Vân - Yêu và sống (2006) hay Thương Tín - Một đời giông bão (2015) đã gây nên những tranh cãi và những luồng dư luận trái chiều. “Của riêng còn lại chút này” là cách mà các nghệ sĩ Ái Vân, Kim Cương, Khánh Ly, Trần Lực, Trần Tiến… đã chọn khi tiết lộ phần đời tư trong tự truyện, hồi ký của mình. 

Và điều đáng kể nhất là trong các cuốn tự truyện, hồi ký, nhiều nghệ sĩ cũng chỉ kể lại những câu chuyện đẹp, những điều xúc động trong đời mình cũng như khi làm nghề, trong những giai đoạn hoàng kim... Như Con tằm rút ruột nhả tơ, NSƯT Thành Lộc đã dành cả đời mình để mang trọn vẹn xúc cảm đến khán giả. Mỗi đêm diễn, khi tấm rèm nhung mở ra, anh sống trọn một cuộc đời khác: cuộc đời của nhân vật. 

Trong "Tâm thành và lộc đời", NSƯT Thành Lộc muốn truyền đi một thông điệp sống lạc quan

Cuốn Tâm thành và lộc đời (2015) chia sẻ những câu chuyện nhẹ nhàng về các vai diễn và cảm xúc mà trong hàng ngàn đêm diễn, mỗi đêm nhìn xuống hàng ghế khán giả chỉ mong tìm được một ánh mắt có cùng tần số cảm xúc là hạnh phúc lắm rồi. NSƯT Thành Lộc từng chia sẻ rằng: “Từ câu chuyện đời, chuyện nghề của mình, tôi muốn truyền đi một thông điệp sống lạc quan. Mà muốn lạc quan thì phải chuẩn bị một tâm thế sống ổn định để vượt qua những trở lực trong nghề nghiệp và trong đời riêng”. 

Một số cuốn tự truyện, hồi ký của nghệ sĩ còn trở thành “tư liệu sống” giúp độc giả tìm hiểu về những kiến thức hay giá trị văn hóa, nghệ thuật qua những giai đoạn xã hội khác nhau. Bốn mươi năm theo nghề cũng là 40 năm NSND Kim Cương trăn trở về chữ “nghiệp” trong đời, về số phận của người phụ nữ tài hoa vừa ca hay, diễn giỏi, lại viết được nhiều kịch bản xúc động lòng người. Trong Sống cho người - Sống cho mình (2016), câu chuyện bà kể về người cha - một ông bầu nổi tiếng, hay quyết định thành lập Đoàn kịch Kim Cương là những tư liệu quý với những ai mê nghệ thuật cải lương. 

"Sống cho người - Sống cho mình" của NSND Kim Cương chia sẻ nhiều “tư liệu sống” về nghệ thuật cải lương

Hồi ký 60 năm ca hát (2020) sẽ kể lại chi tiết về tuổi thơ cơ cực, con đường đến với ca hát, những vinh quang và thăng trầm với nghề của NSND Lệ Thủy cùng với cả những nụ cười, nước mắt và hạnh phúc của đồng nghiệp cùng thời như: NSND Minh Vương, NSND Thanh Tuấn, NSND Trọng Hữu, NSND Thoại Miêu, NSƯT Thanh Kim Huệ - Thanh Điền, Diệu Hiền, Thanh Nguyệt, Tô Kim Hồng… Để chuẩn bị tốt cho thu hình, con trai NSND Lệ Thủy đã kỳ công thu thập rất nhiều tài liệu quý, hình ảnh, băng đĩa các loại, băng video, CD, DVD. Hồi ký này hứa hẹn là một món quà quý giá và đầy chất nhân văn cho đông đảo khán giả yêu thích nghệ thuật cải lương truyền thống. 

Nếu như các nghệ sĩ lớn tuổi chọn cách viết hồi ký để ôn lại những ngày tháng hoàng kim trong cuộc đời thì những nghệ sĩ trẻ lại xem đây là cách để lưu dấu một chặng đường tuổi trẻ đã qua. Tự truyện I believe I can fly (2018) của Đức Phúc là những mẩu chuyện từ khi Đức Phúc còn bé, đến khi lớn lên bị chê bai về nhan sắc và quyết định phẫu thuật thẩm mỹ của chàng trai. 

Đức Phúc ký tặng độc giả trên cuốn tự truyện của mình 

Còn tự truyện 365 - Những người lạ quen thuộc (2016) là những dòng nhật ký chân thực ghi lại đủ đầy những khó khăn, hạnh phúc, thất bại, thành công đã từng đi qua cùng niềm đam mê ca hát cháy bỏng của những thành viên nhóm 365 trong thời mới về chung một nhà. Tuy nhiên, một số tự truyện của Thanh Thảo, Lê Kiều Như, Long Nhật... cũng từng gây “bão” dư luận về việc họ dùng “chiêu trò” để  “hâm nóng” hay “đánh bóng” tên tuổi quá mức.

Đan Khanh