Việt Nam đi là ghiền - Mùa 3 - Tập 23

Về Hồng Ngự, Đồng Tháp khám phá làng dệt choàng trăm tuổi

Những chiếc khăn rằn đã được làm ra như thế nào? Mời quý khán giả đến thăm làng dệt choàng Long Khánh, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

Trải nghiệm dệt bằng khung dệt truyền thống

Khăn rằn là hình ảnh quen thuộc, có thể xem như một biểu tượng văn hóa của người dân miền Tây Nam bộ. Chương trình Việt Nam đi là ghiền đã đến thăm làng dệt choàng Long Khánh, một làng nghề có tuổi đời hơn một trăm năm để khám phá công việc dệt khăn rằn của những người nghệ nhân nơi đây. Đến với làng dệt, du khách có thể được chiêm ngưỡng và trải nghiệm dệt khăn với những chiếc khung dệt truyền thống, được người dân gìn giữ và bảo tồn qua năm tháng.

Những cuộn chỉ đủ màu sắc được phơi khô trước khi vào công đoạn cuối

Để hoàn thiện một chiếc khăn cần trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên chỉ sẽ được nhuộm màu, sấy, nhúng hồ, sấy lại thêm một lần nữa rồi phơi khô. Sau đó các sợi chỉ sẽ được mang đi mắc cửi để dệt thành những chiếc khăn nhiều màu sắc. Để có được các hoa văn khác nhau theo ý muốn, người nghệ nhân phải kỳ công, tỉ mỉ và vô cùng sáng tạo. Công đoạn mắc cửi hiện nay vẫn được người nghệ nhân thực hiện thủ công, không thể dựa vào máy móc.

Ngoài dệt truyền thống, sản phẩm khăn rằn còn được sáng tạo với nhiều hình thức, trong đó có làm nón lá 

Ngày nay, những chiếc máy dệt hiện đại đã được nhiều hộ dân đầu tư, để tiết kiệm công sức, thời gian, giúp gia tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm khăn rằn. Những người nghệ nhân nơi đây, một phần luôn cố gắng giữ gìn làng nghề truyền thống mà cha ông để lại, một phần hướng thế hệ con cháu mình cũng nối gót bảo tồn giá trị văn hóa lâu đời của quê hương Hồng Ngự.

Mời quý khán giả theo dõi Việt Nam đi là ghiền - Mùa 3 - Tập 23:

Đan Quỳnh (Nguồn HTV)