Ở miền Tây Nam bộ cũng có một làng mộc nổi tiếng, mang đậm tinh hoa của nghề mộc Việt Nam. Hãy cùng "Việt Nam đi là ghiền" khám phá nhé!
Các sản phẩm mộc được chạm trổ tinh xảo tại một cửa hàng ở làng mộc Chợ Thủ
Làng mộc Chợ Thủ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang được hình thành cách đây hơn 200 năm với nhiều tinh hoa khác nhau. Nơi đây được mệnh danh là "Đệ nhất nghề mộc và chạm khắc gỗ của miền Tây Nam bộ".
Được biết nghề mộc nơi đây có nguồn gốc từ miền Bắc, theo hành trang của người Việt trên hành trình khai phá vùng đất Nam bộ, và sớm hình thành ở vùng đất Cao Lãnh, Đồng Tháp. Khi thực dân Pháp chiếm Cao Lãnh, các nghệ nhân tản cư về vùng Chợ Thủ, An Giang và cứ thế cha truyền con nối, phát triển rộng lớn thành một làng nghề gỗ nổi tiếng của miền Tây Nam bộ.
Để có được sản phẩm hoàn chỉnh cần trải qua nhiều công đoạn
Để cho ra đời một sản phẩm, người làm mộc Chợ Thủ phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp như: cưa xẻ gỗ, cắt theo quy cách sản phẩm, bào láng, lấy kích thước, vào khung từng loại, đồ mực trên gỗ, vẽ, chạm, lắp ráp, sơn, gắn khóa… Trong đó công đoạn chạm trổ được xem là quan trọng nhất bởi nó sẽ quyết định phần hồn cho sản phẩm. Tuy ngày nay đã có máy móc tân tiến hỗ trợ, nhưng việc chạm trổ từ đôi tay tinh xảo của con người vẫn cần thiết, đặc biệt với những nét chi tiết, cổ điển hay tân cổ điển.
Chạm trổ là công đoạn quan trọng hàng đầu, quyết định phần hồn cho sản phẩm
Việt Nam đi là ghiền - Mùa 3, 11g50 thứ Sáu hàng tuần trên HTV7. Mời quý khán giả đón theo dõi!
Đan Quỳnh (Nguồn HTV)