(HTV) - Năm nay, bệnh dại vào mùa sớm và có xu hướng gia tăng đột biến với 22 trường hợp tử vong trong cả nước, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023.
Trước tình hình đó, TP.HCM đã kịp thời có những biện pháp tăng cường quản lý, kiểm soát vật nuôi và tuyên truyền đến người dân về phòng chống bệnh dại.
Mặc dù đã triển khai tiêm phòng, nhưng TP.HCM vẫn thường xuyên ghi nhận các ca bệnh dại từ việc vật nuôi được thả rông trên đường phố
Số người tiêm ngừa phòng bệnh dại tích lũy từ đầu năm 2024 tại TP.HCM là hơn 19.500 trường hợp. Trong đó 74% do chó tấn công và hơn 20% là do mèo. Nhiều ca bệnh dại được phát hiện ở khu vực phía Nam tạo nên mối nguy cơ cao cho người dân Thành phố.
TP.HCM là địa phương có mật độ vật nuôi cao với 184.000 con chó, mèo trên 105.000 hộ dân. Theo Chi Cục Thú y TP.HCM, dù tình hình tiêm ngừa cho vật nuôi ở Thành phố đạt tỷ lệ khá cao từ 90 - 95% nhưng vẫn còn nhiều người dân chưa khai báo và tiêm ngừa cho vật nuôi, nhất là ở các vùng ven ngoại thành. Bên cạnh việc kêu gọi người dân tự giác tiêm ngừa cho vật nuôi, Chi Cục cũng phối hợp với các quận, huyện để có biện pháp xử lý nếu phát hiện vật nuôi không an toàn tại cộng đồng.
Trao đổi với HTV, ông Nguyễn Hữu Thiết - Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Chăn nuôi và Thú ý TP.HCM cho biết: “Chúng tôi tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho người nuôi chó, phối hợp với các UBND, Đoàn thể đưa vào chương trình truyền thông học đường. Thứ hai, tổ chức tiêm phòng rộng rãi cho chó mèo ở các hộ có nuôi, nhất là vào mùa nắng nóng. Song song đó, tổ chức tập huấn; đào tạo nhân sự tại phường, xã để lập tổ chuyên trách bắt chó thả rông trên địa bàn. Theo Thông tư 07, các quận, huyện cũng thành lập đội bắt chó, mèo thả rông; xử lý cũng như là tạm giữ, xử phạt hành chính đối với những chủ thả rông chó. Hiện nay, các quận, huyện cũng đã thành lập 58 đội bắt chó thả rông trên tuyến phường, xã. Chi Cục Thú ý cũng hỗ trợ về tập huấn và các xe chuyên dụng.”
Ông Nguyễn Hữu Thiết - Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Chăn nuôi và Thú ý TP.HCM trả lời phỏng vấn
Ngoài công tác quản lý, kiểm soát chó mèo trên địa bàn Thành phố, việc tuyên truyền đến người dân về vấn đề phòng chống bệnh dại cũng được các địa phương chú trọng và thực hiện thường xuyên.
Trên địa bàn các quận, huyện; công tác phòng chống bệnh dại được tích cực triển khai thường xuyên để hạn chế nguy cơ người dân bị tấn công
Về phía các quận, huyện, Bác sĩ Trần Tuấn Việt - Trạm Y Tế Phường 12, Quận 8 cho biết Trạm sẽ phối hợp với UBND Phường 12 thường xuyên cử nhân viên xuống từng hộ gia đình có nuôi chó để tuyên truyền về bệnh dại, cũng như cách chăm sóc chó, và cách xử lý vết thương khi bị chó, mèo cắn.
“Khu phố thường xuyên tuyên truyền người dân phải tiêm phòng chó mỗi năm để không gây ảnh hưởng nếu bị cắn. Ngoài ra, khi dẫn chó ra đường thì phải rọ mõm để không cắn người.” là chia sẻ của bà Đỗ Kim Cúc (ngụ tại Phường 12, Quận 8, TP.HCM)
Trong Công điện về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng chống bệnh dại mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm; xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân, người đứng đầu chính quyền các cấp còn chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống bệnh dại; nhất là ở những nơi xảy ra nhiều trường hợp người chết vì bệnh dại và nơi có tỉ lệ tiêm vắc-xin bệnh dại cho tổng đàn chó đạt thấp dưới 10%.
Để nâng cao hiệu quả quản lý vật nuôi trên địa bàn Thành phố, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn TP.HCM cũng đã đề xuất các quy định về việc chủ vật nuôi cần đăng ký, kê khai nuôi chó, mèo và khuyến khích các hộ gắn chip cho vật nuôi; quy định rõ trách nhiệm của chủ vật nuôi để đảm bảo an toàn, tránh gây hại cho người khác.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9