(HTV) - UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030, tập trung tại huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn.
TP.HCM lên kế hoạch đến năm 2030, giảm 50% diện tích đất trồng rau xanh, nhưng bù lại sản lượng sẽ tăng gấp đôi, mỗi hecta rau đạt 800-850 triệu đồng/năm.
Dù rau, củ, quả không phải là thế mạnh của TP.HCM, nhưng đất nông nghiệp thì không thể bỏ không, mỗi ngành nghề dù ở địa phương nào, nếu phát triển tốt, cũng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đóng góp vào phát triển kinh tế.
Dù đã có gần 30 năm kinh nghiệm trong việc trồng rau ăn trái, nhưng ông Huỳnh Văn Lập ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi vẫn theo các lớp đào tạo ngắn hạn về trồng rau. Điều này giúp ông kịp thời nắm bắt yêu cầu của thị trường, sản xuất ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Ông Lập cho biết, nhờ các lớp học giúp ông hiểu biết thêm kỹ thuật trồng như thế nào, biết thêm nhiều công nghệ mới, chọn thời tiết mùa vụ để trồng từng loại trái nào. Các lớp học ngắn hạn này rất hay. Thị trường thay đổi rồi, nên nông dân phải làm đúng theo hướng dẫn của khoa học. Đây cũng là 01 trong những nội dung mà ngành nông nghiệp Thành phố triển khai trong kế hoạch phát triển vùng rau an toàn.
Nông dân phải làm đúng theo hướng dẫn của khoa học
Còn với Hợp tác xã rau an toàn Hải Nông ở xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi, ngay từ khi thành lập từ năm 2018, đơn vị đã chủ trương sản xuất rau an toàn theo hướng công nghệ cao. Điều này cũng đúng với kế hoạch mà ngành nông nghiệp Thành phố đặt ra. Với định hướng rõ ràng và sản xuất bài bản, mỗi ngày, 1-1,5 tấn rau của Hợp tác xã đều tiêu thụ hết ở các hệ thống siêu thị, trường học, bếp ăn tập thể. Anh Hoàng Thanh Hải - Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Hải nông cho biết, anh rất quan tâm chủ trương của Thành phố về ứng dụng công nghệ cao. Theo anh Hải, vì quỹ đất dần thu hẹp, nên cần phải ứng dụng công nghệ cao. Ví dụ việc tưới tiêu, sử dụng nhà màng, các hệ thống định lượng phân thuốc, giúp năng suất cao, chất lượng tốt. Nếu trồng truyền thống một luống rau chỉ thu hoạch 30 kg, còn ứng dụng công nghệ giúp tăng năng suất lên gấp đôi, từ 50-60 kg, chất lượng sản phẩm cũng tốt hơn. Ngoài ra, nhân lực cũng giảm. Ví dụ 02 hecta chỉ cần 04 người làm tất cả, mang lại hiệu quả kinh tế cho Hợp tác xã và các thành viên. Ngoài rau thu hoạch hàng ngày, Hợp tác xã cũng trồng thêm chuối, lấy ngắn nuôi dài. Nếu 06 hecta này thành công thì sẽ mở rộng
Sản xuất rau an toàn theo hướng công nghệ cao
Năm 2023, Thành phố có hơn 6.000 ha rau, sản lượng 219.400 tấn, trong khi kế hoạch đến 2030 chỉ còn 2.500 ha nhưng sản lượng tăng lên 387.000 tấn. Giảm diện tích nhưng tăng sản lượng , do đó Thành phố sẽ tập trung trồng rau củ quả theo hướng công nghệ cao.
TP.HCM quyết tâm xây dựng chính sách phát triển vùng rau an toàn
Kế hoạch phát triển vùng rau an toàn của TP.HCM được đánh giá rất thiết thực. Khi kế hoạch này được thực hiện hiệu quả, người dân TP.HCM sẽ được cung cấp nguồn rau an toàn, chất lượng cao và giá cả hợp lý. Đồng thời, nông dân TP.HCM cũng sẽ có cơ hội nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9