TP.HCM không còn hộ nghèo trong giai đoạn 2022-2025

An Khanh 6/4/2025, 21:27

Giai đoạn 2022 - 2025, TP.HCM là một trong những địa phương không còn hộ nghèo. Đây có thể coi là dấu mốc đặc biệt hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Để có được thành quả trên phải nhắc đến hệ thống Ngân hàng chính sách xã hội, là tổ chức tín dụng của Nhà nước, hoạt động vì mục tiêu xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, không vì mục đích lợi nhuận.

Từ khi thành lập và đi vào hoạt động đến nay, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức, nhất là thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn luôn ưu tiên, tập trung nguồn lực cho các chương trình tín dụng chính sách xã hội, góp phần phát triến kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Giao dịch ở Ngân hàng Chính sách xã hội TP.HCM (Ảnh: NLĐ)

Đã có gần 1.300.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội; góp phần giúp trên 350.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo các giai đoạn; thu hút, tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm cho gần 590.000 lượt lao động, giúp gần 500 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 132.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng, cải tạo hơn 417.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường trên địa bàn 5 huyện ngoại thành của Thành phố,...

Vốn tín dụng chính sách đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước, góp phần hạn chế nạn tín dụng đen trên địa bàn. Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng của Đảng và Nhà nước; thực hiện thắng lợi mục tiêu chương trình giảm nghèo bền vững của địa phương, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội; phát triển nguồn nhân lực, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh; tập hợp lực lượng, phát triển hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí của thành phố.

Mô hình trồng rau sạch Vietgap của hộ vay quỹ Hỗ trợ giảm nghèo (Ảnh: NLĐ)

Rất nhiều khách hàng tiêu biểu sau khi tiếp cận chương trình tín dụng ưu đãi tại chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố tạo ra giá trị về kinh tế cho hộ gia đình. Có thể kể đến khách hàng Lại Văn Phong - ngụ tại phường Hiệp Thành, Quận 12: Nhờ nguồn vốn vay 100 triệu đồng từ Chương trình cho vay Hỗ trợ giảm nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội mà gia đình ông đã đầu tư công nghệ, mua sắm máy móc và kỹ thuật trồng trọt để sản xuất, cung cấp rau sạch đạt tiêu chuẩn Vietgap. Từ một hộ nông dân nghèo, đến nay đã ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.

Ý kiến của bạn: