(HTV) - Sáng 20/7 tại Hà Nội, Hội thảo Y dược về các phương thức tiếp cận mới và động lực tăng trưởng mới trong phát triển ngành y dược đã được tổ chức.
Đẩy nhanh thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp có chất lượng khoa học kỹ thuật cao chính là yếu tố giúp Việt Nam hiện thực hoá mục tiêu hiện đại hoá ngành Y dược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.” Đây là ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo "Triển khai Nghị quyết 29: Tiếp cận mới trong phát triển ngành Y dược" diễn ra tại Hà Nội.
Hội thảo "Triển khai Nghị quyết 29: Tiếp cận mới trong phát triển ngành Y dược" diễn ra tại Hà Nội
Theo thống kê, hiện Việt Nam có 228 nhà máy sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn GMP - WHO, trong đó có 7 nhà máy sản xuất vắc xin và 6 nhà máy đóng gói thứ cấp vắc xin, 77 nhà máy có sản xuất thuốc dược liệu.
Tuy nhiên, nhiều nhà máy thuốc trong nước chỉ đầu tư dây chuyền sản xuất các dạng bào chế, tập trung vào những loại thuốc thông thường, chưa tiếp cận, áp dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật bào chế mới, sản xuất thuốc chuyên khoa, đặc trị, thuốc phát minh (biệt dược gốc).
Chính vì thế, thu hút đầu tư vào ngành Y dược không chỉ mang ý nghĩa về nguồn vốn để nâng cao năng lực, phát triển ngành Y mà còn có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo vào lĩnh vực Y - Dược.
Ông Emin Turan - Chủ tịch Pharma Group cho rằng: "Các quốc gia đang phát triển mạnh mẽ như Việt Nam có rất nhiều lợi thế nhằm đẩy nhanh quá trình xây dựng hệ thống y tế và ngành Y dược bền vững. Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực nhằm thu hút đầu tư từ ngành này có thể chỉ rõ dựa trên 3 điểm chính: Sự ổn định về chính trị và hạ tầng xã hội; Điểm sáng trong khu vực về phát triển kinh tế; Thị trường nội địa tiềm năng và đang phát triển".
Ông Emin Turan - Chủ tịch Pharma Group
Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay, xu hướng đầu tư vào lĩnh vực Y dược đã có nhiều thay đổi theo hướng tập trung vào đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, thử nghiệm lâm sàng, chuyển giao công nghệ,…
Theo Bộ kế hoạch và đầu tư, một số tập đoàn dược lớn ở Việt Nam đang có mong muốn phát triển một khu công nghiệp chuyên biệt cho ngành Dược. Đây là tín hiệu tích cực cho phát triển ngành Dược bền vững.
Ông Luke Treloar - Thành viên Điều hành KPMG Việt Nam chia sẻ: "Ngành Dược phẩm toàn cầu đã chi 1 nghìn tỷ đô la cho hoạt động R&D trên toàn cầu, và hiện tại chỉ một phần nhỏ trong số đó đang được tiến hành ở Việt Nam. Nếu hoạt động này được đẩy mạnh, nó sẽ mang lại những lợi ích lâu dài cho nền kinh tế Việt Nam"
Ông Luke Treloar - Thành viên Điều hành KPMG Việt Nam
TS. Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho biết: "Ngành Dược có yêu cầu về vốn cao, có yêu cầu về các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp đầu đàn. Muốn phát triển ngành Dược thì cần thu hút nhà đầu tư nước ngoài để tạo ra bệ phóng sự lan tỏa tri thức".
TS. Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương
Tại hội thảo, các đại biểu đã làm rõ hơn những xu hướng lớn trên thế giới, những tiềm năng, lợi thế cũng như những ưu tiên mà Việt Nam nên đặt ra, nhằm gia tăng cơ hội vượt lên trong cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư toàn cầu vào lĩnh vực này.
Những vấn đề đặt ra trong việc bổ sung hoàn thiện khung khổ pháp lý, chính sách để theo kịp các xu hướng đầu tư lớn trên toàn cầu trong ngành Y dược.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9