Từ 12/3/2020, người dân tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Bình Thuận sẽ có thể nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ ngay trên Cổng Dịch vụ công quốc gia thông qua VNPT Pay.
Chủ trì cuộc họp nhằm chuẩn bị sơ kết thực hiện Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG) sau 3 tháng đưa vào vận hành, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã đánh giá cao các Bộ, cơ quan liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Quốc Phòng, Bộ Công Thương... cùng các đơn vị trực thuộc đã tích cực phối hợp cùng VPCP đưa các dịch vụ công trực tuyến lên Cổng DVCQG.
Liên quan tới việc thử nghiệm đưa dịch vụ thu phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ tích hợp vào Cổng DVCQG sẽ được triển khai thí điểm trong tháng 3/2020, đại diện Cục Cảnh sát giao thông đường bộ cho biết trong thời gian qua đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với VPCP, Tập đoàn VNPT, Vietcombank thống nhất các phương án, mẫu biên lai, chứng từ điện tử và tiến hành kiểm thử quy trình, tổ chức tập huấn cho các địa phương thí điểm để có thể triển khai ngay khi khai trương.
Theo đó, VNPT Pay của Tập đoàn VNPT là đơn vị trung gian thanh toán đầu tiên được tích hợp vào hệ thống thanh toán trực tuyến trên Cổng DVCQG. Từ 12/3 tới đây, thay vì phải tới làm việc trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước, người dân sẽ có thể nộp phạt tại nhà thông qua cổng thanh toán VNPT Pay một cách đơn giản, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian.
Trước mắt, việc thu phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua Cổng DVCQG sẽ được triển khai thí điểm tại 5 tỉnh/thành gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Bình Thuận. Hiện nay, các đơn vị đang kiểm thử quy trình, Cục Cảnh sát giao thông đang tổ chức tập huấn cho các địa phương thí điểm để có thể triển khai ngay khi khai trương. Dự kiến đến tháng 6/2020 sẽ triển khai trên toàn quốc.
Đối với việc hoàn thiện các dịch vụ công trực tuyến để tiếp tục cung cấp cho người dân, doanh nghiệp trên Cổng DVCQG, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh mục đích của Cổng DVCQG là để người dân thực hiện các dịch vụ nhanh và thuận lợi nhất. Vì vậy giao diện, thủ tục cần đơn giản, dễ hiểu nhất cho người dân sử dụng.
Hiện nay, Tập đoàn Bưu chính viễn thông VNPT là một trong 4 đơn vị được lựa chọn để cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử trên hệ thống Cổng DVCQG. Cổng thanh toán VNPT Pay với giao diện đơn giản, thân thiện, dễ sử dụng đã góp phần tích cực trong việc đồng hành cùng Chính phủ giúp người dân nhanh chóng tiếp cận và sử dụng phương thức thanh toán mới.
Tính đến thời điểm này, VNPT đã ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược với 53 UBND tỉnh, thành phố; triển khai các giải pháp Chính quyền điện tử cho 61/63 tỉnh thành phố. Theo đó, VNPT Pay sẽ được tích hợp trong hệ thống thanh toán điện tử của các cơ sở giáo dục, y tế, hành chính công của các tỉnh thành, qua đó giúp đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đối với dịch vụ Hành chính công mức độ 4, VNPT Pay đang từng bước thực hiện triển khai tại Ninh Bình, Quảng Bình, An Giang, Hà Giang… sẵn sàng cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến. Đối với các Công ty Điện, Nước, Y tế, Giáo dục…, VNPT đã và đang cung cấp thanh toán trực tuyến trên kênh của VNPT Pay cũng như kênh của Nhà cung cấp dịch vụ.
Dự kiến trong thời gian tới, VNPT Pay sẽ tiếp tục đồng hành như một kênh thanh toán tiện lợi tích hợp trên Cổng DVCQG, tiến tới đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến.
VNPT Pay là hệ sinh thái thanh toán số qua ví điện tử, thẻ nội địa, thẻ quốc tế, do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT cung cấp, đáp ứng nhu cầu thanh toán tiện lợi, an toàn và nhanh chóng cho hầu hết các nhu cầu hàng ngày như nạp thẻ cào, thanh toán cước di động, truyền hình, internet; điện, nước, mua vé xem phim, vé máy bay, bảo hiểm, đóng học phí… Đặc biệt, VNPT Pay có tính năng thanh toán tự động các hóa đơn, đảm bảo cho các thanh toán định kỳ luôn đúng hạn.
VNPT Pay cũng là đơn vị trung gian thanh toán đầu tiên được đưa vào áp dụng triển khai thanh toán dịch vụ công mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia, đồng hành cùng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện chính phủ điện tử, trong đó ưu tiên đặc biệt cho mảng thanh toán dịch vụ công không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
|