Khoảnh khắc cuộc đời - Tập 198

Thầy Lý Minh Long - Tâm huyết, lắng nghe và thấu hiểu

Điều đặc biệt làm nên một thầy Lý Minh Long rất riêng và rất khác so với những con người làm nghề “gõ đầu trẻ” hiện nay là: Thầy vừa là người truyền kiến thức cho học sinh vừa là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho các bạn trẻ ở tuổi ô mai.

Khoảnh khắc tạo nên cuộc đời của thầy Minh Long là ngày mà thầy mới tốt nghiệp, cầm trên tay tấm bằng Cử nhân Toán và được phân công về giảng dạy tại trường THPT Nguyễn Hiền. Sự hữu duyên đến với thầy khi Ban giám hiệu nhà trường quyết định cho thầy Long giữ chức vụ Trợ lý thanh niên - công việc tiếp cận gần hơn những học sinh của trường, lên kế hoạch cho các phong trào, kế hoạch của Đoàn, của nhà trường, gắn kết những thanh niên có tuổi đời khá trẻ quan tâm nhiều hơn đến những hoạt động hữu ích của cộng động. 

Thầy Lý Minh Long gắn bó với trường THPT Nguyễn Hiền từ lúc mới ra trường cho đến tận hôm nay

Chia sẻ về cảm hứng để bản thân tiếp thêm vô số động lực cho các hoạt động chung, thầy Minh Long chỉ gói ghém trong hai chữ “cái tâm”. Thầy luôn cố gắng xây dựng những kế hoạch có ý nghĩa cả về nội dung lẫn hình thức, nhưng dù làm gì vẫn lấy học sinh làm gốc, làm trọng tâm cho mọi vấn đề. “Đầu tiên mình phải xâm nhập được vào thế giới nội tâm của các em, xem thử xem các em hiện giờ đang thích gì? Đang muốn gì? Và mình có thể đáp ứng được gì cho các em. Thứ hai là chịu khó để ý những xu hướng, những cái hay, cái tốt mà mạng xã hội đang thịnh hành để lưu lại chờ đến thời điểm thích hợp sẽ áp dụng tại trường, cho học sinh tham gia trải nghiệm. Chính việc ngày nào cũng gặp học sinh, ngày nào cũng cập nhật mạng xã hội đã để lại cho mình nguồn cảm hứng bao la” - thầy Minh Long chia sẻ thêm.

Với thầy Long, chỉ cần còn học sinh thầy còn nguồn cảm hứng vô tận

Bên cạnh những mặt xấu mà mạng xã hội luôn tiềm ẩn, thầy Long cũng nhận định rằng: “Không phải xu hướng nào hiện nay cũng là xu hướng tích cực để các em học sinh noi theo. Cho nên, với cương vị là một người thầy mình phải suy nghĩ, đắn đo kỹ lưỡng để cân nhắc xem xu hướng nào là hợp lý, phù hợp với bản sắc của người Việt thì mới cho vận dụng vào quá trình giảng dạy. Thế nhưng, vẫn phải cần một khoảng thời gian thử xem cái mới đó có cải thiện được gì so với cái cũ hay không?” 

Thực tế, thầy Long vừa phải làm một lúc hai công việc: giáo viên dạy Toán trên lớp và kiêm luôn chức vụ "người gắn kết thanh niên với nhà trường"

So sánh bản thân với những giáo viên khác, thầy Minh Long tự nhận thấy sự cân bằng về quỹ thời gian của mình không ổn định như mọi người. Vì ngoài việc tổ chức những hoạt động phong trào cho Đoàn trường, thầy còn phải thực hiện thêm các công tác chuyên môn trên cương vị là một giáo viên dạy Toán. Nhất là các ngày cuối tuần và lễ Tết, thầy Minh Long hầu như không có thời gian rảnh để nghỉ ngơi, thư giãn.

Thầy Long là tấm gương sáng cho những thanh niên trẻ noi theo khi luôn sống và làm việc hết mình

Không vì thế mà ngã gục trước áp lực, thầy Long tâm sự: “Thật ra hoạt động thanh niên và hoạt động giảng dạy có một sự liên kết, hai cái đều nằm trong một khối thống nhất, khó tách rời. Hoạt động nào cũng nhắm đến một đối tượng duy nhất đó là học sinh, nhắm đến sự phát triển toàn diện của các em. Nhờ có hoạt động phong trào mà các em có được những sân chơi sau thời gian học tập căng thẳng, cũng nhớ sân chơi đó mà các em mới có cơ hội vận dụng những lý thuyết mà mình đã học vào trong thực tiễn. Học mà chơi, chơi mà học, chơi mà nâng cao kỹ năng sống, giúp các em định hướng được tương lai thì dù ở đâu thì nó cũng giúp ích cho học sinh thôi."

Cuối cùng, thầy Long chỉ nhắn nhủ với tất cả chúng ta - những con người trưởng thành vẫn còn đang hoang mang trong việc tiếp cận thế giới nội tâm của các bạn trẻ hiện nay rằng: “Muốn hiểu những gì mà các em học sinh đang suy nghĩ khó hay dễ đều phụ thuộc vào chúng ta. Thử đặt bản thân vào vị trí học sinh để suy nghĩ cho các em, thì lúc đó chúng ta mới biết được mình nên làm điều gì ngay lúc này”.  

Xem lại Khoảnh khắc cuộc đời của thầy Lý Minh Long được phát sóng vào 22g45 hàng ngày trên kênh HTV9

Mỹ Hạnh