Thách thức tăng trưởng kinh tế cuối năm

TRẦN HÙNG - KIM NGÂN – THÁI PHƯƠNG – MINH KHOA – XUÂN HẠO - PHƯƠNG TRINH - TRÚC QUỲNH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 30/10/2023, 15:00

(HTV) - Bên cạnh chế biến chế tạo, thì nhóm tiêu dùng có đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng 5,33% của GDP quý III năm 2023 so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tiêu dùng nhìn chung vẫn yếu, và đây cũng là dư địa lớn để kích thích tăng trưởng.

"Thách thức" và "Bất định" là những cụm từ thường được sử dụng trong vài năm trở lại đây khi đánh giá về tăng trưởng kinh tế.

Có thể tóm tắt một cách ngắn gọn: Sau khi chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 năm 2021, đến giữa năm 2022, kinh tế lập tức phục hồi theo hình chữ V. Tuy nhiên, đây cũng là lúc chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào Ucraina không ngừng leo thang, đà phục hồi kinh tế nước ta cũng chững lại. Mọi dự báo tăng trưởng tiếp tục hướng về năm 2023. Và khi đơn hàng của các doanh nghiệp tăng trở lại, xung đột Hamas - Israel lại bất ngờ nổ ra, làm cho tăng trưởng kinh tế chỉ giữ đà phục hồi theo hình chữ L. Điều này tiếp tục đặt ra thách thức mới cho nền kinh tế.

Từ đầu năm 2023, đầu tư công, xuất khẩu và tiêu dùng đã được xác định là 3 động lực tăng trưởng kinh tế. Sau hơn 3 quý, đầu tư công được không ngừng đẩy mạnh giải ngân và cần thời gian triển khai. Xuất khẩu đang có phần chịu tác động của cuộc xung đột ở Trung Đông khi logistics và chuỗi cung ứng các ngành công nghệ, điện tử tiêu dùng - vốn là thế mạnh của ngành chip Israel - bị gián đoạn. Do đó, các chuyên gia nhận định việc kích cầu tiêu dùng nội địa đang là giải pháp hiệu quả và khả thi để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cuối năm.

Doanh nghiệp không ngừng đổi mới hướng tới giải pháp E logistics toàn diện phát triển 

Các doanh nghiệp chủ động phát triển mạng lưới bán lẻ, kích thích tiêu dùng

Phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa chắc chắn là hướng ra khả quan cho các doanh nghiệp hiện nay. Đây được ví như chất xúc tác, "xoay chuyển" trạng thái tĩnh ở một số phân khúc để thị trường trở nên sôi động hơn, gián tiếp hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tại TP.HCM, mặc dù còn đó những thách thức, nhưng mạng lưới bán lẻ hiện đại vẫn tiếp tục được mở rộng với nhiều chương trình ưu đãi được áp dụng cho người tiêu dùng.

Trung tâm thương mại Hùng Vương chính thức trở lại với diện mạo mới 

Nhìn rộng ra địa bàn Thành phố, mạng lưới trung tâm thương mại càng mở rộng, càng có hiệu quả kích thích chi tiêu của người dân.

Tại Trung tâm thương mại Vạn Hạnh ở Quận 10, cửa hàng quần áo Milvus đang có chương trình giảm giá từ 20 - 50%, hay mua 1 tặng 1 dành cho tất cả khách hàng.

"Khách quen thì đương nhiên đã hiểu về sản phẩm và chương trình bên mình, nhưng hầu như khách vãng lai chưa biết về chương trình bên này nhiều. Tầm nhìn mấy tháng nay là chương trình khuyến mãi đưa ra nhiều hơn để thu hút con mắt khách vãng lai nhiều hơn, để khách thấy cửa hàng có nhiều cái giảm giá, sản phẩm ưng ý, nên khách vào đây cũng khá đông”, chị Huỳnh Thu Duyên - Nhân viên tư vấn bán hàng, Cửa hàng Milvus chia sẻ.

Chị Huỳnh Thu Ngọc – Nhân viên bán hàng, Cửa hàng Rabity cho biết: “Lượt mua tăng 20 - 30%. Trong những tháng cuối năm thì chúng tôi sẽ nhập thêm hàng mới, dịp Noel với Tết thì khách sẽ có nhu cầu mua nhiều hơn.”

Ngành bán lẻ: Chuyển đổi số để thúc đẩy chi tiêu

Bên cạnh những cửa hàng vật lý, thì việc chi tiêu của người dân còn được thực hiện ngày càng nhiều trên các kênh trực tuyến với sự phát triển không ngừng của thương mại điện tử và trí tuệ nhân tạo. Khi hành vi của người tiêu dùng chuyển sang các nền tảng kỹ thuật số, việc áp dụng các chiến lược sáng tạo cũng trở nên vô cùng quan trọng.

Kinh tế Việt Nam vào năm tới có sự phục hồi trong nhu cầu nội địa 

Các chuyên gia cũng khẳng định vai trò của thị trường bán lẻ trong phục hồi kinh tế là rất quan trọng, bởi nó tạo ra việc làm, thúc đẩy tiêu dùng. Việc mở rộng hoạt động bán lẻ và phát triển ngành bán lẻ phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, phát triển bền vững, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi kinh tế toàn diện của Việt Nam

Tình hình thị trường bán lẻ các nước 

Nhìn ra các nước trong khu vực, Châu Á – Thái Bình Dương được xem là điểm sáng về kinh tế trong bức tranh đa phần ảm đạm của thế giới. Sự phục hồi của thị trường bán lẻ tại khu vực này được tiếp sức bởi các biện pháp kích cầu tiêu dùng, sức mua tăng mạnh và du lịch khởi sắc sau đại dịch COVID-19.

Theo các chuyên gia kinh tế, cùng với các biện pháp hỗ trợ của chính phủ các nước với thị trường nội địa, thì sự bùng nổ của công nghệ số trong bán lẻ, cũng đang góp phần đưa nhiều nhãn hàng quốc tế tiếp cận thị trường tiềm năng ở châu Á, như khu vực Đông Nam Á.

Bắt đầu từ tháng 10, Bộ Thương mại Thái Lan triển khai chính sách "Thắng nhanh" của Chính phủ nhằm giảm chi phí sinh hoạt bằng cách giảm giá hàng tiêu dùng.

Chương trình giảm giá sẽ bao gồm 3 nhóm mặt hàng, trong đó các hàng hóa thực phẩm và đồ uống sẽ giảm giá tới 87%; hàng hóa tiện ích hàng ngày như thuốc men và thiết bị điện sẽ giảm giá tới 80%; và hàng hóa phục vụ nông nghiệp, bao gồm cả phân bón và thức ăn chăn nuôi, sẽ giảm giá tới 40%.

Gần 290 nhà điều hành doanh nghiệp đã đồng ý hỗ trợ giảm giá hơn 151.000 mặt hàng hàng hóa và dịch vụ từ nay đến cuối năm. Bên cạnh đó, còn có 110 nhà cung cấp dịch vụ, từ trực tiếp đến trực tuyến, cùng tham gia chiến dịch giảm giá lần này.

Bộ Thương mại Thái Lan ước tính, biện pháp này sẽ giúp giảm tới 87% chi phí sinh hoạt, tương đương 2 tỷ baht, cho người dân, đồng thời kích thích chi tiêu của người tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trước cuối năm.

Chính phủ Thái Lan cũng đặt mục tiêu thu hút hơn 30 triệu du khách nước ngoài, với doanh  thu ở mức kỷ lục là 3.000 tỷ baht trong năm nay. Nhu cầu mua sắm, tiêu dùng tăng theo nhờ hoạt động du lịch, hứa hẹn sẽ mang lại kết quả khả quan cho thị trường tiêu dùng và bán lẻ của xứ chùa Vàng trong những tháng cuối năm.

Tại Trung Quốc, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê Quốc gia hôm 18/10: doanh thu bán lẻ của nước này trong 3 quý đầu năm 2023 đã tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Kết quả này một phần đến từ nỗ lực của chính phủ khi triển khai một loạt biện pháp nhằm thúc đẩy tiêu dùng trên diện rộng. Trọng tâm của các biện pháp là ổn định mức tiêu thụ các mặt hàng có giá trị lớn như nhà ở và ô tô. Bên cạnh đó, là những chính sách hỗ trợ đối với sản phẩm dịch vụ khác như đồ gia dụng, thiết bị điện tử, ăn uống, du lịch.

Các sàn thương mại điện tử, sau thời gian bùng nổ, đang đứng trước thử thách phải thay đổi chiến lược khi người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu tiết kiệm hơn. 

Các sàn thương mại điện tử Trung Quốc đua nhau tung các khuyến mãi lớn để thu hút khách hàng

Cần những giải pháp, chính sách đồng bộ

Nhiều kinh nghiệm của các nước đáng để chúng ta tham khảo. Quan trọng nhất vẫn là sự đồng bộ, thống nhất trong triển khai các giải pháp hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước. Có như vậy thì sự chủ động, linh hoạt của doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu dùng mới phát huy hiệu quả cao, giúp thị trường sôi động trở lại.

Giáo sư - Tiến sĩ Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh, Đại học Kinh tế TP.HCM nhận định: “Theo thông lệ hàng năm, vào dịp lễ, Tết cuối năm thì nhu cầu tiêu dùng của người dân sẽ tăng cao. Tuy nhiên, dự báo năm nay do khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu và kinh tế trong nước, nên nhu cầu tiêu dùng trong nước có tăng nhưng không có nghĩa là sẽ tăng mạnh như những năm trước.

Các cơ quan nhà nước phải tiếp tục các giải pháp để bình ổn giá, thúc đẩy sự tham gia của nhiều chuỗi siêu thị, nhiều doanh nghiệp. Thời gian gần đây, giá cả nhiều loại hàng hóa, giá nhiên vật liệu, xăng dầu tăng cao, lãi suất thì có giảm nhưng doanh nghiệp chưa thực sự tiếp cận được, chuỗi cung ứng thì giá cả mọi thứ đều tăng, dẫn đến giá cả mặt bằng chung của hàng hóa sản xuất ra đều tăng. Điều đó đòi hỏi tất cả doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay cần tập trung tìm mọi cách, tìm mọi giải pháp để thay đổi phương thức tiếp cận khách hàng thông qua chuyển đổi số, thậm chí các doanh nghiệp phải chấp nhận giảm biên lợi nhuận của mình.”

"Hiện nay, Việt Nam đang có một hiện tượng các địa phương đang hơi rời rạc, chưa có sự đồng bộ trong việc đưa các sản phẩm lên cùng một platform. Ví dụ ở Bình Dương, Sở Công Thương Bình Dương đang xây dựng một platform để bán các sản phẩm OCOP, thì ở TP.HCM, Sở Công Thương cũng xây dựng một platform tương tự để thay thế các mô hình chợ truyền thống. Thực tế, nếu chúng ta có một giải pháp đồng bộ hơn, các doanh nghiệp, các nhà sản xuất chỉ cần một platform thuần Việt với sự tư vấn, hỗ trợ và phương thức tiếp cận một cách dễ dàng, và có các giải pháp từ việc hỗ trợ thanh toán, hỗ trợ về phương thức đưa sản phẩm lên platform, hỗ trợ đào tạo trong việc quản lý tài liệu, thông tin khách hàng, quản lý các trải nghiệm của khách hàng một cách tốt hơn, thì tôi nghĩ rằng trong thời gian tới, phương thức tiếp cận, đưa sản phẩm ra thị trường theo các kênh nhờ áp dụng công nghệ số sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa”, Giáo sư - Tiến sĩ Võ Xuân Vinh khẳng định.

Cho đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp ngành tiêu dùng đều kỳ vọng sẽ có tăng trưởng kể từ Qúy 3/2023.

Cùng với đó là việc đẩy mạnh chuyển đổi số của các doanh nghiệp để tăng tính cạnh tranh và cung cấp nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng. 

Đây là những tín hiệu tích cực cho phục hồi kinh tế, và sự chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn bứt phá.

Đằng sau thách thức, ta luôn thấy ánh sáng cuối đường hầm. Và mục tiêu hướng tới sẽ là tăng trưởng bền vững trong tương lai. 

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: