Tạo động lực để nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM phát triển

VŨ TUYÊN - XUÂN HẠO - THANH PHONG // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 7/10/2023, 13:13

(HTV) - Trải qua quá trình phát triển gần 20 năm, nông nghiệp công nghệ cao của TP.HCM đã đạt được nhiều kết qua tích cực trong việc ươm tạo, cũng như chuyển giao tiến bộ khoa học.

Hiện nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 48% giá trị trong sản xuất nông nghiệp của toàn TP.HCM. Với tiềm năng này, cần tạo thêm nhiều động lực đưa nông nghiệp công nghệ cao trở thành hình mẫu để dẫn dắt cũng đóng góp vào sự phát triển nông nghiệp của TP.HCM và nhiều địa phương khác.

Nội dung này được các chuyên gia nhấn mạnh tại hội thảo "Thực trạng và giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" diễn ra tại TP.HCM.

Chính thức đi vào hoạt động vào năm 2010, Khu nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Củ Chi, TP.HCM đã có nhiều bước đột phát trong việc sản xuất và chuyển giao giống cây trồng, vật nuôi và Khoa học kỹ thuật.
Cụ thể, đơn vị có thể đáp ứng từ 1 - 2 triệu cây giống các loại; cung cấp 6 tấn hạt giống các loại mỗi năm.

Ngoài ra, hàng năm đơn vị cũng chuyển giao các mô hình sản xuất tự động hóa và ứng dụng công nghệ thông tin cho hơn 65 doanh nghiệp và các tổ chức ở các tỉnh. Trưởng ban Ban quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM Phạm Đình Dũng cho biết, Khu nông nghiệp công nghệ cao tập trung đào tạo nhân lực tại chỗ, là cán bộ trong khu. Đồng thời chú trọng thu hút chuyên gia đầu ngành của trường, Viện. Đơn vị cũng cử cán bộ đi học ở nước ngoài, du nhập công nghệ mới về Việt Nam để nghiên cứu và triển khai cho các địa phương khác, từ đó chuyển giao và ứng dụng vào thực tế.

Tính đến nay, thành phố có khoảng 700 doanh nghiệp nông nghiệp đang hoạt động và hơn 60 doanh nghiệp nông nghiệp tham gia chương trình ươm tạo.

Hình minh họa

Dù có nhiều nỗ lực, nhưng ngành nông nghiệp TP.HCM cũng tự nhìn nhận về những bất cập còn đang hiện hữu, dẫn đến hạn chế so với yêu cầu phát triển ở quy mô của nền nông nghiệp hàng hóa lớn. Theo Giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM Đinh Minh Hiệp, cần tháo gỡ khó khăn về chính sách hỗ trợ lãi vay. Đặc biệt là vướng mắc trong việc xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp. Điều này cản trở trong việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất.

Với khởi đầu là sự hình thành và phát triển Khu nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên trong cả nước, cộng với lợi thế địa bàn thuận lợi, có thể kết nối với các tỉnh Tây Nam Bộ và cả Đông Nam Bộ, vì vậy, các chuyên gia cho rằng, TP.HCM cần có nhiều hỗ trợ đủ mạnh để phát huy được tiềm năng và định hướng mà ngành nông nghiệp TP.HCM đặt ra.

Tính chung cả giai đoạn 2015 - 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp của TP.HCM đạt khoảng 500 triệu đồng/hecta. Thành phố phấn đấu đến năm 2030 đưa giá trị gia tăng trên một đơn vị sản xuất đất nông nghiệp đạt từ 900 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/hecta/năm. Từ đây, vai trò đầu tàu của TP.HCM sẽ tiếp tục được phát huy, qua đó tạo động lực phát triển cho vùng Đông Nam bộ và nhiều địa phương khác trong cả nước.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: