Tăng đột biến xét nghiệm D-dimer sau vaccine COVID-19: Mất tiền không cần thiết

TRƯỜNG GIANG - HOÀNG LINH - TÀI NGUYỄN // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 11/5/2024, 09:39

(HTV) - Xét nghiệm D-dimer và lo ngại về vaccine COVID-19: Sự thật đằng sau việc xét nghiệm và tác dụng phụ của vaccine được làm sáng tỏ bởi các chuyên gia y tế, nhấn mạnh vào sự cần thiết của chăm sóc sức khỏe toàn diện và kiểm tra định kỳ.

Người dân đến xét nghiệm D-dimer tại bệnh viện Quân y 175

Hơn một tuần qua, tỉ lệ người dân đến xét nghiệm D-dimer để tìm cục máu đông tại bệnh viện Quân y 175 tăng đột biến hơn 50% so với cùng thời điểm của tháng trước. Vì là xét nghiệm dịch vụ nên bệnh viện vẫn đáp ứng yêu cầu của người dân. 

Các bác sĩ đang tiến hành quy trình xét nghiệm D-dimer

Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng xét nghiệm này là tốn kém và không cần thiết. "Bản thân D-Dimer vẫn tồn tại trong người bình thường. Độ nhạy cao nhưng độ đặc hiệu không cao. D-Dimer này có thể có trong những người như phụ nữ mang thai, người hút thuốc lá, người bệnh gan, thận... Tức là, bạn xét nghiệm ra D-Dimer có tăng thì cũng không có cơ sở là huyết khối tăng, gây ra đột quỵ. Việc chúng ta đổ xô đi xét nghiệm như hiện tại là không cần thiết và gây ra lãng phí". 

Tăng đột biến xét nghiệm D-dimer sau vaccine COVID-19: Mất tiền không cần thiết

Tiến sĩ Angela Pratt - Trưởng Đại Diện Tổ Chức Y Tế Thế Giới tại Việt Nam chia sẻ rằng: "Không có điều gì đáng lo ngại cả, vì 2 lý do: đây là phản ứng phụ vô cùng hiếm của vaccine và chỉ có một tỉ lệ rất nhỏ các trường hợp gặp phải; thứ hai là phần lớn các trường hợp phản ứng phụ thường xảy ra trong khoảng từ 3 - 20 ngày sau tiêm. Vaccine này đã không còn được sử dụng ở Việt Nam hơn một năm nay. Thời gian này đã rất cách xa khoảng thời gian mà chúng ta có thể gặp các trường hợp phản ứng phụ". 

 Các chuyên gia y tế khẳng định đến thời điểm này, vaccine COVID-19 của AstraZeneca đã không còn hiệu lực gây tác dụng phụ với người dân Việt Nam. Thay vì chạy theo những lời đồn đoán trên mạng xã hội, người dân nên tập trung chăm lo sức khỏe tổng thể.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Trưởng Khoa Y Tế Công Cộng, Đại Học Y Dược TP.HCM

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Trưởng Khoa Y Tế Công Cộng, Đại Học Y Dược TP.HCM cho biết: "Một số người thao túng tâm lý người dễ tin bằng cách yêu cầu xét nghiệm mà không ích lợi. Sau đó, họ sẽ đề nghị làm xét nghiệm khác, làm mình dễ tin theo. Nếu chúng ta tin và làm theo thì không tốt. Vấn đề sức khỏe là lâu dài, nếu chúng ta không hút thuốc lá, dinh dưỡng đầy đủ, cân nặng vừa phải, vận động thường xuyên và sàng lọc các bệnh mãn tính nguy cơ cao thì hầu như sẽ giảm được các yếu tố tác hại bên ngoài".

Khám sức khỏe định kỳ, điều trị ổn định bệnh lý nền và duy trì lối sống lành mạnh, khoa học chính là việc làm cần thiết để bảo vệ sức khỏe của bản thân.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: