(HTV) - Chiều 24/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Kết quả, có 481 đại biểu Quốc hội tán thành trên tổng số 484 đại biểu có mặt, chiếm 97,37%. Có 1 đại biểu không tán thành, 2 đại biểu không biểu quyết.
Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM
Trước khi biểu quyết thông qua, báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã được trình bày trước Quốc hội.
Đáng chú ý, về thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông, có ý kiến đề nghị nghiên cứu phạm vi áp dụng rộng hơn đến vùng lân cận để sử dụng hiệu quả nguồn lực tăng thêm, khai thác giá trị tăng thêm từ đất để chi cho việc bồi thường giải phóng mặt bằng và tái đầu tư trở lại cho các công trình, dự án. UBTVQH nhận thấy, ý kiến ĐBQH là xác đáng. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc mở rộng phạm vi áp dụng đến vùng lân cận để sử dụng hiệu quả nguồn lực tăng thêm, khai thác giá trị tăng thêm từ đất để chi cho việc bồi thường giải phóng mặt bằng và tái đầu tư trở lại cho các công trình, dự án như ý kiến của ĐBQH.
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm trong tuân thủ quy hoạch và nguyên tắc bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan rà soát, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, bổ sung quy định cần bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của người dân khi bị thu hồi đất.
Toàn cảnh kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV chiều 24/6/2023
Về các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), có ý kiến đề nghị bổ sung áp dụng cơ chế hợp tác công tư PPP đối với cả lĩnh vực y tế, giáo dục mà không áp dụng định mức. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, để tăng cường thu hút đầu tư, phát huy nguồn lực xã hội, bao quát cả các dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, tạo sự chủ động cho thành phố trong thực hiện các dự án PPP, không bị ràng buộc bởi quy định quy mô từ 100 tỷ đồng trở lên, UBTVQH xin Quốc hội cho phép quy định tại dự thảo Nghị quyết giao HĐND TP.HCM quyết định quy mô của dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao và văn hóa.
Về thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP.HCM, nhiều ý kiến đề nghị cần cân nhắc không quy định tại điểm a khoản 8 Điều 7 vì có thể vi phạm cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, tạo ra tiền lệ chính sách không tốt và một môi trường thu hút đầu tư nước ngoài thiếu lành mạnh. UBTVQH nhận thấy, ý kiến ĐBQH là hợp lý và xin tiếp thu, theo đó, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan rà soát, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết và không quy định nội dung này. Trường hợp cần tăng cường thu hút nhà đầu tư chiến lược trên cơ sở tuân thủ pháp luật, phù hợp với tình hình thực tiễn, TP.HCM báo cáo Chính phủ trình cấp có thẩm quyền để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Về quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc miễn thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản thu nhập từ việc chuyển nhượng góp vốn, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Theo UBTVQH, thực tiễn cho thấy, việc đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là một hình thức đầu tư mạo hiểm, nhiều rủi ro, do vậy, ít thu hút được nguồn lực từ các nhà đầu tư. Để tạo động lực thu hút dòng vốn của các nhà đầu tư, từ đó khuyến khích nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, UBTVQH cho rằng, chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là cần thiết. Do vậy, UBTVQH xin Quốc hội cho phép được quy định miễn thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản thu nhập từ việc chuyển nhượng góp vốn, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo như dự thảo Nghị quyết.
Đại biểu Quốc hội tiến hành bấm nút biểu quyết
Về số lượng Phó Chủ tịch UBND huyện, phường, xã, thị trấn, một số ý kiến đề nghị cân nhắc vì bộ máy Nhà nước hiện nay đang cần thực hiện tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả với việc giảm số lượng cấp phó. UBTVQH cho rằng, theo phân loại đơn vị hành chính cấp huyện, TP.HCM còn 3 huyện (Cần Giờ, Hóc Môn, Nhà Bè) là huyện loại 2, được bố trí 2 Phó Chủ tịch UBND huyện và 48 phường, xã, thị trấn có dân số từ 50.000 dân trở lên là phường, xã, thị trấn loại 1, được bố trí 2 Phó UBND phường, xã, thị trấn. Tuy nhiên, trong thực tế, quản lý nhà nước tại 3 huyện và 48 phường, xã, thị trấn, số lượng 2 Phó Chủ tịch UBND huyện, 2 Phó Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn chưa đảm bảo được nguồn nhân lực lãnh đạo, điều hành, tham mưu giúp việc cho Chủ tịch UBND huyện. Do đó, để đảm bảo nguồn lực lãnh đạo quản lý, UBTVQH xin Quốc hội cho phép quy định tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND huyện và Phó Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn có số dân từ 50.000 dân trở lên.
Về thẩm quyền của HĐND thành phố, có ý kiến đề nghị thực hiện theo đúng Nghị quyết 27, phần tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý. UBTVQH cho rằng, quy định này là kế thừa quy định tại Nghị quyết 54, đã được Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện tại Nghị quyết 76, phù hợp với tinh thần Nghị quyết 31. Để tiếp tục tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động gắn bó, cống hiến, cơ bản đáp ứng mức sống tại thành phố, góp phần hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của cả nước, UBTVQH xin Quốc hội cho phép TP.HCM được tiếp tục thực hiện chính sách này. Dự thảo Nghị quyết cũng đã quy định rõ phần tăng thêm không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý theo đúng Nghị quyết 27.
Về tổ chức bộ máy TP. Thủ Đức, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu, đề xuất những chính sách thực sự nổi trội để TP. Thủ Đức phát triển hơn nữa trong thời gian thích hợp.
Về tổ chức thực hiện và điều khoản thi hành, có ý kiến đề nghị không xác định thời hạn cụ thể thời gian thí điểm. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý quy định theo hướng không quy định thời gian thực hiện thí điểm mà giao Chính phủ sơ kết 3 năm, tổng kết 5 thực hiện để Quốc hội xem xét, quyết định. UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về thời gian sơ kết, tổng kết tương đồng với các địa phương khác đã được cho phép thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù. Theo đó, sơ kết 3 năm việc thực hiện Nghị quyết, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2026; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2028”.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM