Không quá khó để nhận thấy, nhiều bộ phim truyền hình, sitcom Việt nổi trội và được nhớ tới trong hai năm trở lại đây đều mang đậm màu sắc và hơi thở tính nữ với nhân vật trung tâm là nữ giới.
Cảnh trong phim Khép lại quá khứ
Từ khía cạnh kịch bản, nhiều bộ phim truyền hình, sitcom như: Ngày mai bình yên, Trả em kiếp này, Nhà có hai cửa chính, Khép lại quá khứ, Sống chung với mẹ chồng, Thương nhớ ở ai, Gạo nếp gạo tẻ, Yêu nhầm con gái ông trùm 2, Hoa hồng trên ngực trái, Mộng phù hoa, Mỹ nhân Sài Thành, Bán chồng, Hoa cúc vàng trong bão, Ngũ long đại náo,Đánh cắp giấc mơ, Nàng dâu order, Quỳnh búp bê, Tình mẫu tử, Văn phòng ma nữ, Những bà mẹ bỉm sữa, Thả lưới bắt em, Lần đầu làm mẹ, Sống gượng, Mùa cúc susi, Mối tình đầu của tôi, Muôn kiểu làm dâu, Nếu còn có ngày mai… mang tới nhiều câu chuyện hấp dẫn trong không gian mà phụ nữ đóng vai trò chủ đạo. Tất nhiên, câu chuyện phim được kể dưới góc nhìn của họ, thông qua họ. Và họ là những người dẫn dắt diễn biến cũng như tạo ra tình tiết.
Cảnh trong phim Những bà mẹ bỉm sữa
Cùng khai thác sâu về đề tài nữ giới, nhưng các phim truyền hình, sitcom kể trên rất đa dạng, không trùng lặp nhau ở bối cảnh hay hình tượng nhân vật. Có phim chuyển tải câu chuyện về tình bạn, tình yêu, tình mẫu tử của những người phụ nữ gắn bó với nhau từ thời sinh viên “độc thân vui tính”, đến khi đã lập gia đình và sinh con, bận rộn hơn với cuộc sống mới. Có phim lại khai thác về những mảng màu khác nhau liên quan đến chuyện mẹ chồng - nàng dâu thời nay và cách gắn bó gia đình trong thời đại công nghệ. Có phim khắc họa người phụ nữ quyến rũ, thông minh, chủ động theo đuổi đam mê, đấu tranh để giành lấy hạnh phúc riêng, thể hiện được vai trò trong việc tạo lập các giá trị xã hội.
Cảnh trong phim Trả em kiếp này
Bên cạnh đó, không quá mau nước mắt, không quá ủy mị yếu đuối, các nhân vật nữ trong nhiều bộ phim truyền hình, sitcom còn được xây dựng với hình ảnh và tính cách gần gũi với cách nhìn nhận tích cực, bình đẳng của thời hiện đại. Họ là những người cá tính, có sự nghiệp riêng nơi công sở, trên thương trường và biết cách tận hưởng cuộc sống sau hôn nhân, luôn giữ trọn vai trò một người vợ, một người mẹ chăm lo cho gia đình và con cái. Khi phải đối diện với bi kịch hôn nhân, họ đã thể hiện sự tự chủ, “nữ nhi” nhưng không “thường tình”, khi dám dứt bỏ những ràng buộc lâu nay vốn dễ bị dư luận đàm tiếu và mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ giá trị bản thân.
Trong một số phim như: Thương nhớ ở ai, Hoa cúc vàng trong bão, Trả em kiếp này, Khép lại quá khứ… kể về những người phụ nữ, những cô gái trẻ luôn đối mặt với nhiều nghịch cảnh, nhiều khó khăn nhưng không bao giờ họ chịu buông bỏ, đầu hàng. Và dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào họ cũng sẽ vươn lên, vượt qua và tìm đến một điều gì đó tốt đẹp hơn trong tình yêu, đấu tranh cho quyền được làm mẹ, vượt qua dư luận để được hưởng hạnh phúc lứa đôi. Đặc biệt, bộ phim Sống gượng với ê-kíp làm phim đa phần là nữ (từ tác giả kịch bản, biên kịch, đạo diễn...) chuyển tải thông điệp: cùng với lòng thương yêu, sự kiềm chế cảm xúc bản thân để giữ gìn mái ấm, thì hơn hết, giá trị bình đẳng trong gia đình và quyền được sống đúng với phẩm giá của người phụ nữ cần được coi trọng.
Cảnh trong phim Sống gượng
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan thì dù phim truyền hình, sitcom Việt có xây dựng hình ảnh người phụ nữ bứt phá, độc lập, hiện đại đến đâu thì đâu đó trong họ vẫn lẩn khuất sự yếu đuối, nhẫn nhịn, ràng buộc hôn nhân và chịu sự chi phối của nam giới. Bởi bao đời quan niệm “trọng nam khinh nữ” đã bén rễ quá sâu trong suy nghĩ của người Á Đông, tạo nên một khuôn mẫu vô hình cho người phụ nữ. Và phim ảnh phản ánh bộ mặt văn hóa, lịch sử xã hội, nên thuộc tính nào của phim ảnh cũng phải được nhìn nhận thấu đáo theo góc độ lịch sử, văn hóa của xã hội đó.
Nhìn chung, những bộ phim kể câu chuyện về nữ giới bao giờ cũng thu hút được một lượng khán giả là nữ rất lớn. Đây là đối tượng người xem chủ yếu của các khung giờ chiếu phim Việt trên màn ảnh nhỏ hiện nay. Nhiều điều nữ giới muốn nhưng chưa dám làm thì các nhân vật sẽ làm giúp họ, từ đam mê công việc cho đến giải phóng khỏi việc nhà, giải tỏa những ức chế về giới hạn trong tình cảm… Ngoài ra, nếu bộ phim kể câu chuyện về gia đình mà lấy nhân vật nữ làm trung tâm còn nhận được lượng khán giả nhiều hơn so với thể loại khác. Điều này cũng lý giải vì sao những bộ phim nổi bật trên màn ảnh HTV hay các kênh truyền hình lớn khác trong hai năm trở lại đây đều có kịch bản mang đậm màu sắc và hơi thở tính nữ với nhân vật trung tâm là nữ giới.
Cảnh trong phim Ngũ long đại náo
Đi cùng với những bộ phim truyền hình hay sitcom mang màu sắc tính nữ là sự “chiếm lĩnh” màn ảnh của các nữ diễn viên, và phần lớn trong số họ luôn cho thấy sức thu hút hơn hẳn diễn viên nam giới. Chẳng hạn như: Ninh Dương Lan Ngọc, Bảo Thanh, Yaya Trương Nhi, Xuân Văn, Anh Thư, Thúy Ngân, Băng Di, Lan Phương, Ngọc Lan, Jang Mi, Oanh Kiều, Khánh Hiền, Kim Tuyến, Lê Phương… khi đảm nhận vai chính, thứ chính đã có được những ghi nhận xứng đáng về mặt diễn xuất, góp phần làm nên thành công của nhiều bộ phim truyền hình, sitcom về tính nữ và lấy nhân vật nữ làm trung tâm.
Có một điều là ở Việt Nam, số lượng nữ đạo diễn rất hiếm hoi và chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng họ đã thể hiện dấu ấn đầy nữ tính của mình trong các bộ phim truyền hình như Trở về (đạo diễn: Việt Trinh - Châu Thổ), Sống gượng (Phạm Nhuệ Giang), Cô Thắm về làng (Nguyễn Hoàng Anh), Đỗ quyên trong mưa, Dòng sông thương nhớ, Người đàn bà quyến rũ, Mộng phù hoa (Trần Quế Ngọc - Bùi Yên Nam)… Thiết nghĩ, nếu đội ngũ đạo diễn nữ đông đảo hơn, chắc chắn phim về tính nữ và nhân vật nữ sẽ tạo được một dòng chảy riêng, đầy sức hấp dẫn.
Đan Khanh