Nỗ lực phục hồi, kích cầu du lịch trong 6 tháng cuối năm

HOÀNG HƯƠNG - TIẾN DŨNG // VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN HTV HÀ NỘI 3/8/2023, 16:00

(HTV) - Một trong những điểm sáng của kinh tế nước ta trong 6 tháng đầu năm là sự phục hồi tốt ở lĩnh vực dịch vụ, tạo động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, dịch vụ tăng 6,33%, đóng góp gần 79% vào mức tăng trưởng chung 6 tháng đầu năm.

Những con số này mang đến tín hiệu lạc quan để du lịch Việt Nam tiếp tục bứt phá trong những tháng cuối năm. 

Hết 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã đón được trên 5,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ khoảng 64 triệu lượt người. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 343,1 ngàn tỷ đồng. Đây là minh chứng cho niềm tin về sự phục hồi, phát triển mạnh mẽ của du lịch; từng bước khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, hình ảnh, uy tín của Việt Nam với bạn bè thế giới. Tuy nhiên, khó khăn thách thức vẫn còn nhiều, nhất là khi du lịch Việt Nam vẫn còn chưa tạo được lợi thế cạnh tranh trong khu vực. 

Vịnh Hạ Long đang là một trong địa điểm du lịch số một ở Việt Nam. Nguồn ảnh: Báo điện tử Chính phủ

Ông Nguyễn Tiến Đạt - Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Aza Travel cho biết: "Bên cạnh thuận lợi thì khó khăn còn nhiều ví dụ chúng ta đang trong cuộc đua với các nước trong khu vực. Chúng ta cần có sự bắt tay giữa ngành du lịch và hàng không để có chương trình kích cầu, hiện vẫn còn rời rạc, các hoạt động kinh tế đêm, để khách du lịch có hoạt động tham gia; các chương trình phát triển bền vững đạt mục tiêu đón khách du lịch nhưng vẫn bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động giảm rác thải nhựa".

Ông Nguyễn Tiến Đạt - Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Aza Travel

Ghi nhận thị trường du lịch 6 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp lữ hành cho rằng hậu COVID-19, du khách vẫn thắt chặt chi tiêu, ưu tiên chọn tour giá rẻ. Nhiều công ty, xí nghiệp thay vì chọn tour dài ngày như những năm trước nay lại đổi hướng chọn tour ngắn ngày hoặc tour gần. Trước tình hình đó, các doanh nghiệp đã có kế hoạch đổi mới một số sản phẩm, làm việc với nhà cung cấp để giảm giá tour hoặc lên kế hoạch tổ chức tour ngắn ngày cho dịp cuối năm. Vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Quốc hội cũng đã nhất trí thông qua nâng thời hạn thị thực điện tử (e-visa) cho khách du lịch từ 30 lên 90 ngày. Đây là những cơ sở quan trọng để du lịch tạo bứt phá trong 6 tháng cuối năm. 

Tháo gỡ cơ chế visa - "Cú hích" lớn cho du lịch Việt Nam  

Theo Cục Trưởng Cục Du Lịch Quốc Gia Nguyễn Trùng Khánh, cho biết: "Chính sách visa là điều kiện cần thì cần có những điều kiện đủ như: tạo ra các sản phẩm độc đáo, công tác xúc tiến du lịch phải mạnh hơn, đảm bảo an ninh an toàn cho khách du lịch tại Việt Nam. Bên cạnh đó cũng cần đào tạo nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng. Ứng dụng CNTT trong các mọi mặt của du lịch".

Cục Trưởng Cục Du Lịch Quốc Gia Nguyễn Trùng Khánh

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh: "Chính sách visa như là lời mời gọi du khách đến Việt Nam nhưng người ta đến thưởng thức gì làm gì có thấy thích thú không, có chi nhiều tiền không, có ở nhiều ngày không thì đó mới là mục tiêu của ngành du lịch. Bản thân ngành du lịch không làm được mà phải có sự phối hợp với các ngành. Năm nay, Việt Nam có thể vượt qua mục tiêu 8 triệu khách du lịch nhưng sẽ không nhiều mà quan trọng là năm 2024, 2025 du lịch Việt Nam như thế nào".

Ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch

Năm 2022, chỉ số về năng lực phát triển du lịch của Việt Nam tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp hạng 52/117 nền kinh tế. Với 6/17 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới, du lịch Việt Nam là một trong ba nước có mức tăng trưởng cao nhất.

Năm 2022, tổng thu từ khách du lịch đạt 495 ngàn tỷ đồng (vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022)

Hiện nay, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã ban hành kế hoạch hành động, triển khai Nghị quyết 82 của Chính phủ với nhiều giải pháp đồng bộ thúc đẩy tăng trưởng du lịch Việt Nam, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vào việc phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp với giai đoạn mới; Đa dạng hóa thị trường du lịch; Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch và Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn:
Bài liên quan
(HTV) - Chuyển đổi số trong nông nghiệp ở đô thị còn gặp nhiều rào cản.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã rất quan tâm và quyết liệt chỉ đạo coi "kỷ cương-trách nhiệm" như một động lực tăng trưởng nội tại của bộ máy quản lý, qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội.
Dự lễ khánh thành tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, Thủ tướng đồng ý chủ trương và yêu cầu phấn đấu hoàn thành nâng cấp tuyến đường nối này lên cao tốc vào cuối năm 2025.
(HTV) - Nội các Thái Lan mới đây tuyên bố sẽ đóng cửa các cửa hàng miễn thuế ở khu vực nhập cảnh tại 08 sân bay quốc tế của nước này trong ít nhất một năm. Mục tiêu là nhằm khuyến khích du khách chi tiêu nhiều hơn tại các cửa hàng nội địa.
(HTV) - Vàng thế giới tiến sát mốc 2.400 USD/ounce, rút ngắn khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới về quanh ngưỡng 2,5 triệu đồng. Tăng 0,4% đủ để dầu Brent sánh bước với dầu WTI ghi nhận tuần tăng giá.
(HTV) - Lịch sử các lần tăng lương cho thấy giá cả đều "nối gót" tăng theo, bởi nhiều người lợi dụng chính sách này để đẩy giá hàng hóa, dịch vụ, làm ảnh hưởng đến đại đa số người tiêu dùng.
Công an TP.HCM phát hiện, ngăn chặn một nhóm đối tượng có hoạt động mua gom vàng miếng SJC tại các điểm bán vàng miếng bình ổn để trục lợi.