Nhận định vai trò của doanh nghiệp cùng các bên liên quan trong chuyển đổi công nghiệp

VŨ TUYÊN - XUÂN HẠO - TRÚC QUỲNH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 24/9/2024, 11:58

(HTV) - Việc đầu tư vào tự động hóa và công nghệ số đang giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, nhưng vẫn gặp nhiều thách thức và cần sự hỗ trợ đồng bộ từ Chính phủ cùng các bên liên quan.

Công ty TNHH MTV Công nghệ cao Điện Quang đã đầu tư vào dây chuyền sản xuất tự động hóa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quá trình vận hành. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế mà còn tạo động lực cho ngành công nghiệp chiếu sáng trong nước phát triển.

Ông Trần Bá Linh - Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV Công nghệ cao Điện Quang cho biết mục tiêu của doanh nghiệp là đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, đồng thời đáp ứng được thời gian sản xuất nhanh nhất. Hiện tại, nhà máy của công ty đã chuyển đổi sang 80% tự động hóa, áp dụng những quy trình máy móc hiện đại nhất nhằm giảm thiểu tác động của con người và nâng cao chất lượng của sản phẩm theo cách tối ưu nhất.

Ông Trần Bá Linh - Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV Công nghệ cao Điện Quang

Luôn đổi mới và dám thay đổi như doanh nghiệp trên sẽ mở ra cơ hội để phát triển vượt bậc, tạo đà cho nền kinh tế xanh và bền vững. Tuy nhiên, với doanh nghiệp vừa và nhỏ, đây là một thách thức lớn.

PGS.TS Nguyễn Quang Trung -  Trưởng Khoa Quản trị và Trưởng Nhóm Nghiên cứu Quản trị chuyển đổi thông minh, Đại học RMIT nhấn mạnh hiện tại ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính vì vậy, phần tích lũy của các doanh nghiệp còn ít, trong khi đó chi phí ban đầu cho quá trình chuyển đổi này thường rất cao. Do đó nguồn lực tài chính sẽ là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp này. Ngoài ra, thiếu hụt và khan hiếm nhân lực cũng là một thách thức không nhỏ mà các doanh nghiệp gặp phải.

PGS.TS Nguyễn Quang Trung -  Trưởng Khoa Quản trị và Trưởng Nhóm Nghiên cứu Quản trị chuyển đổi thông minh, Đại học RMIT 

Theo các chuyên gia, trong quá trình chuyển đổi công nghiệp, doanh nghiệp đóng vai trò tiên phong, bởi chỉ có doanh nghiệp căn cứ vào nhu cầu của khách hàng mới biết mình cần chuyển đổi như thế nào. Và chỉ có doanh nghiệp mới hiểu khả năng của mình để tìm giải pháp nào vừa sức và lên kế hoạch dài hạn cho từng bước đi, từng giai đoạn. Tuy nhiên, hiện TP.HCM có khoảng gần 300.000 doanh nghiệp với gần 97% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, do đó cần thêm nhiều sự trợ lực.

Ông Trần Bá Linh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công nghệ cao Điện Quang, cũng cho biết rằng đối với doanh nghiệp, kiến nghị đầu tiên là cần tập trung vào đào tạo. Hiện nay, các doanh nghiệp chủ yếu tự đào tạo mà chưa có sự kết hợp chặt chẽ với nhà trường. Cần có sự đồng bộ để tạo ra đội ngũ nhân sự đủ kỹ năng vận hành công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng như viễn thông, Big Data, và 5G để đảm bảo an toàn cho dữ liệu khi đưa lên điện toán đám mây (cloud).

Cơ sở hạ tầng cũng đóng vai trò quan trọng việc đầu tư vào tự động hóa và công nghệ số của các doanh nghiệp

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Quang Trung, doanh nghiệp phải am hiểu thị trường, quy định mới của thị trường thế giới. Và xây dựng năng lực cạnh tranh cốt lõi, không nên đầu tư quá nhiều vào nhiều lĩnh vực, thay vào đó chỉ tập trung vào lĩnh vực doanh nghiệp có thế cạnh tranh mạnh nhất.

Doanh nghiệp sẽ đóng vai trò dẫn dắt, Chính phủ sẽ hỗ trợ và của các bên liên quan sẽ xây dựng nền tảng. Đó là những yếu tố không thể thiếu để tạo nên một nền công nghiệp hiện đại và bền vững. Nội dung này sẽ được đưa ra thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế 2024, diễn ra từ ngày 25 - 27/9/2024 tới đây tại TP.HCM.

 

Ý kiến của bạn: