Chiếc bánh chưng nặng hơn 1 tấn đang được hàng chục nghệ nhân gấp rút hoàn thành để dâng lên vua Hùng nhân dịp Giỗ Tổ.
Những ngày qua, nhiều nghệ nhân quy tụ về Khu sinh thái Sông Hậu Farm tại huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) để gấp rút chuẩn bị các công đoạn làm ra "bánh chưng lớn nhất ĐBSCL" dâng lên Vua Hùng nhân dịp Giỗ Tổ.

Người làm bánh cắt lá chuối để gói lớp bên trong của bánh chưng - ẢNH: DUY TÂN
Ông Trần Minh Cường, Phó Chủ tịch thường trực Chi hội Đầu bếp chuyên nghiệp Cần Thơ, kiêm bếp trưởng Khu sinh thái Sông Hậu Farm, cho biết, ý tưởng này xuất phát từ mong muốn thể hiện lòng thành kính, tưởng nhớ các Vua Hùng; đồng thời quảng bá ẩm thực địa phương trong khuôn khổ lễ hội bánh dân gian Nam Bộ.

Khoảng 1.000 tàu lá chuối và 1.800 lá dong được chuẩn bị để gói bánh - ẢNH: DUY TÂN
Điểm đặc biệt của chiếc bánh chưng này là sự giao thoa văn hóa ẩm thực độc đáo giữa miền Bắc và miền Nam. Về hình thức, bánh vẫn được gói bằng lá dong bên ngoài và dây lạt truyền thống của miền Bắc. Tuy nhiên, bên trong sử dụng lá chuối hột quen thuộc của người miền Nam, với mong muốn giữ được màu xanh tự nhiên cho bánh.

Hơn 30 nghệ nhân và người phụ việc tham gia gói bánh - ẢNH: DUY TÂN
Nguyên liệu làm bánh được lựa chọn kỹ lưỡng từ nông sản địa phương, bao gồm: 600 kg nếp, 235 kg đậu xanh, 215 kg thịt ba rọi, 1.000 tàu lá chuối… cùng 1.800 lá dong được vận chuyển từ miền Bắc vào.

Chuẩn bị nếp làm bánh - ẢNH: DUY TÂN
Các nghệ nhân còn khéo léo thêm nước cốt dừa, muối và đường, để phù hợp với khẩu vị đậm đà và hơi ngọt của người miền Nam. Điều này tạo ra sự khác biệt so với bánh chưng truyền thống của miền Bắc, chủ yếu chỉ sử dụng muối.
"Bánh chưng là đặc sản của miền Bắc, còn miền Nam quen với bánh tét. Tuy nhiên, chúng tôi muốn tạo ra một chiếc bánh mang hương vị Nam bộ nhưng vẫn giữ đặc trưng của bánh chưng", ông Cường cho hay.

Tất bật chuẩn bị những công đoạn gói ra chiếc bánh chưng nặng hơn 1,6 tấn - ẢNH: DUY TÂN
Hơn 30 nghệ nhân và người phụ việc tham gia chế biến bánh chưng. Bánh được định hình bằng khung kẽm lót gỗ, sau đó hấp trong nồi hơi đặc biệt trong hơn 20 giờ, giúp giữ được độ mềm, dẻo và hương vị tốt hơn. Dự kiến, khi nấu xong, kích thước của bánh là 1,9 x 1,9 mét, chiều cao khoảng 0,8 mét, trọng lượng lên tới hơn 1,6 tấn.

Khung kẽm lót gỗ dùng để định hình chiếc bánh chưng - ẢNH: DUY TÂN
Sau khi hoàn thành, bánh sẽ được đưa đi quảng diễn và trưng bày tại lễ hội bánh dân gian Nam bộ và dâng hương tại Đền thờ Vua Hùng. Đặc biệt, khoảng 2.000 phần bánh từ chiếc bánh chưng "khủng" này sẽ phục vụ miễn phí cho người dân và du khách đến tham quan và dự lễ vào ngày 5/4, qua đó thể hiện tinh thần chia sẻ và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống.