(HTV) - Lượng mưa suy giảm, nguồn nước ngầm dần cạn kiệt và tác động của đô thị hóa khiến nguồn nước tại sông Sài Gòn và sông Đồng Nai suy giảm. Để đảm bảo nước cho tiêu dùng và sinh hoạt, TP.HCM cần triển khai kịp thời và đồng bộ các giải pháp.
Được biết, sông Sài Gòn và sông Đồng Nai cung cấp gần 85% lượng nước thô cho các nhà máy nước tại TP.HCM để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Gần đây, tình trạng ô nhiễm hay độ mặn trên 2 con sông này đã đối diện với ngưỡng cho phép.
Dù tình trạng chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, nhưng do chưa được đầu tư hồ chứa và công nghệ xử lý, với tốc độ đô thị hóa nhanh, việc cung ứng nước sẽ gặp nhiều thách thức.
Vậy đâu là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước tại TP.HCM?
Tiến sĩ Lê Thanh Hòa - Trưởng Khoa Địa lý, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM nhận định: "Hiện nay hệ thống xử lý nước của chúng ta đều thu gom chung nước thải sinh hoạt và nước mưa. Trong khi đó, ở các nước phát triển, họ thu gom tách biệt rồi lấy nước mưa đưa về các hồ chứa sinh thái và sử dụng cho những trường hợp khẩn cấp. Ở TP.HCM cũng có hệ thống chống ngập lụt, nếu phối hợp được để dự trữ nước mưa thì tôi nghĩ đó cũng là biện pháp rất hay".
Tiến sĩ Lê Thanh Hòa đề xuất các biện pháp cung ứng nước
Còn theo Tiến sĩ Võ Kim Cương - Nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, ngành cấp nước TP.HCM có 3 vấn đề lớn cần quy hoạch, thay đổi. Trong đó bao gồm: Nguồn nước, kỹ thuật cấp nước và công tác quản lý.
Về nguồn nước, TP.HCM có 5 nguồn, lượng nước khá dồi dào. Nhưng với những ảnh hưởng của khí hậu cực đoan cùng nước biển dâng sắp tới đây, TP.HCM sẽ xuất hiện nhiều vấn đề. Ông gợi ý, ngành cấp nước cần khai thác nguồn nước mưa và tính đến việc tái sử dụng nước.
Về kỹ thuật cấp nước, việc quy hoạch phải đảm bảo tiêu chuẩn về số lượng, chất lượng, đáp ứng nhu cầu nước cho sinh hoạt, sản xuất, phục vụ sự phát triển công nghiệp.
Về công tác quản lý, theo Tiến sĩ Võ Kim Cương, công nghệ đóng vai trò rất quan trọng: “Ngành cấp nước là một trong những ngành tiên phong phát triển khoa học kỹ thuật, trong đó, quan trọng nhất là khâu xử lý nước, cung ứng nước, tiếp đến là khâu dự trữ nước, chống thất thoát nước”.
Nhiều chuyên gia cũng đề xuất TP.HCM nên hướng việc tiết kiệm nước trở thành văn hóa, siết chặt các quy định pháp luật, cải thiện quy hoạch, xây dựng thêm công trình xanh, công trình bền vững, cập nhật công nghệ tiên tiến để vừa đảm bảo cung ứng nguồn nước chất lượng vừa tránh thất thoát nước.
>>> Xin mời quý vị đón xem Chương trình Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9