(HTV) - Hội chứng nỗi sợ bị bỏ lỡ (FOMO) ngày càng phổ biến ở giới trẻ, đặc biệt là trong thời đại công nghệ số, nơi mọi thứ đều có thể cập nhật nhanh chóng trong từng mili giây.
Trong thời đại công nghệ số lên cao, điều tiện lợi nó mang lại chính là khả năng kết nối với thế giới và cập nhật thông tin và sự kiện một cách nhanh chóng. Điều này giúp chúng ta có thể có được những thông tin mới ở bất kỳ địa điểm nào trên Trái Đất một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, sự tiện lợi này cũng như một mồi nhử khiến cho căn bệnh FOMO bùng phát mạnh mẽ trong xã hội, đặc biệt là với thế hệ gen Z - thế hệ linh hoạt nhất trong việc sử dụng công nghệ số.
FOMO - Hội chứng tâm lý sợ bị bỏ lỡ
FOMO (được viết tắt của cụm từ Fear Of Missing Out) được tạm gọi là Hội chứng tâm lý sợ bị bỏ lỡ. Đúng như cái tên của nó, FOMO là hội chứng sợ bản thân bị bỏ lỡ mất những điều hay ho, thú vị trong cuộc sống mà người khác được trải nghiệm. Những “điều thú vị” ấy không chỉ là những sự kiện, những trải nghiệm mà nó còn có thể là những thông tin mới, những món đồ. Cụm từ này được đưa vào từ điển Oxford năm 2013 và đã trở nên rất phổ biến từ đó. Thực tế, theo một nghiên cứu năm 2012 của J.Walter Thompson, 70% người thuộc thế hệ Millennials đã và đang bị ảnh hưởng bởi hội chứng FOMO.
Những người mắc chứng FOMO luôn có cảm giác tự ti, xem nhẹ những thứ mình đang có và khao khát với những thứ của người khác, đặc biệt là những thứ đang được nhiều người có, những thứ đang trở thành xu hướng. Hội chứng FOMO khiến những người mắc phải luôn trong tình thế mắc kẹt trong việc tìm kiếm và sưu tầm những thứ mới, luôn phải được “cập nhật” mới nhất. Có thể nói, hội chứng FOMO chính là rào cản của cảm xúc mãn nguyện và hạnh phúc.
Một cuộc khảo sát quốc gia ở Úc cho kết quả khoảng 60% thanh thiếu niên cảm thấy lo lắng khi bạn bè vui vẻ mà họ không được biết những thông tin đó và khoảng 51% cho biết họ sẽ lo lắng nếu không biết bạn của mình đang làm gì. Đơn giản là khi bạn thấy trong môi trường học tập hoặc làm việc của bạn, xuất hiện một món phụ kiện thời trang đang là “hot trend”, bạn sẽ thèm khát và mong muốn sở hữu thứ đó để bằng với mọi người. Hay là khi bạn thấy mọi người biết về một thông tin hay một kỹ năng nào đó, bạn cũng muốn phải sở hữu chúng dù chúng không thực sự cần thiết với bạn.
Tác động từ mạng xã hội
Không phải tự nhiên mà hội chứng FOMO xuất hiện và tác động lên tâm trí của chúng ta. Thông thường, hội chứng FOMO được sinh ra là do trí tưởng tượng của chúng ta, những suy nghĩ tự ti kèm theo ganh tị, thèm khát. Chính vì vậy mà môi trường sống của mỗi người sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng bùng phát bệnh FOMO trong mỗi tâm trí của người ấy.
Chẳng hạn như, nếu chúng ta sống trong một môi trường rộng, tiếp xúc với nhiều người với nhiều tính cách, sở thích và nội tại khác nhau. Chúng ta sẽ dễ có cơ hội để tự ti với bản thân hoặc ganh tị hơn với những thứ họ có nhưng mà bản thân thì lại không. Từ đó chúng ta dễ dàng sa ngã trong việc tìm kiếm và sở hữu cho bằng bạn bằng bè, bằng với những người khác.
Thời đại công nghệ số với sự xuất hiện của mạng xã hội chính là một mồi lửa tuyệt vời để thổi bùng căn bệnh FOMO. Với khả năng kết nối với toàn bộ thế giới và khả năng cập nhật thông tin một cách cực kỳ nhanh chóng, điều này giúp bạn biết được thế giới đang diễn ra chuyện gì và thứ gì đang là xu hướng ở các lĩnh vực. Nhưng điều này cũng khiến bạn trở nên ganh tị và thèm khát sở hữu nhiều thứ hơn.
Những thông tin mới cập nhật, những món đồ thời trang đang là xu hướng, những kỹ năng mới đang phổ biến, những sự kiện hot trong thời gian tới và nhiều thứ khác. Tất cả những thứ trên sẽ là những miếng mồi ngon cho các bệnh nhân của hội chứng FOMO. Chính vì chúng ta sở hữu khả năng cập nhật thông tin một cách nhanh chóng nên chúng ta luôn muốn phải được cập nhật thông tin thật nhanh chóng, không thể trở thành người đi chậm hơn so với người khác.
Đó chính là lý do vì sao các hội nhóm, trang đăng về những tin đồn, drama lại được nhiều lượt xem và ủng hộ. Chính vì chúng ta luôn muốn biết được những tin sốt dẻo một cách nhanh nhất để không để bản thân trở nên “tối cổ”. Nhiều nghệ sĩ, cá nhân cũng lợi dụng hiệu ứng FOMO này để tạo ra những scandal để nổi tiếng. Những tin đồn, những thông tin úp mở luôn được tung ra để thu hút những con mồi thèm khát thông tin, từ đó họ sẽ nhận lại được những lượt tương tác đầy tiềm năng.
Các thương hiệu cũng lợi dụng hiệu ứng FOMO để phục vụ cho nhu cầu kinh doanh của bản thân. Chắc hẳn các bạn vẫn chưa quên những “hot trend” mạng xã hội đã viral trên các nền tảng Tiktok và Facebook một thời như “bánh đồng xu”, “trà mãng cầu”, “trà chanh Quảng Đông”. Đây là những món ăn có thể gọi là bình thường và bình dân nhưng dưới sự quảng bá của truyền thông đã trở thành những món ăn phổ biến một thời. Khi chúng ta thấy những món ăn này nổi tiếng trên mạng xã hội, chúng ta đều sẽ có một tâm lý rằng “ăn thử cho biết với dân chúng”, đây cũng chính là một trạng thái của hội chứng FOMO mà các thương hiệu đang đánh vào để quảng cáo hình ảnh.
Hệ quả
Hội chứng tâm lý FOMO tưởng chừng như là một hội chứng khá đơn giản, mơ hồ và không tác động nhiều đến cuộc sống của chúng ta, nhưng thực ra nó đều có những ảnh hưởng tiêu cực đến với bản thân người mắc phải.
Chứng bệnh “nghiện smartphone”, “nghiện Facebook” chính là một phần nhỏ của chứng bệnh FOMO. Dù bạn có đang làm gì, đang lái xe hay đang nấu ăn, bạn vẫn phải thỉnh thoảng cầm điện thoại lên để kiểm tra Facebook một lần, dù bạn chẳng cần tìm hiểu về thông tin gì. Việc bạn sợ bỏ lỡ những thông tin mới nhất trên nền tảng mạng xã hội khiến bạn bị lệ thuộc vào chiếc điện thoại chính là những hệ quả mà FOMO mang đến.
Hội chứng FOMO sẽ khiến chúng ta luôn phải để ý đến điện thoại, các trang mạng xã hội một cách thường xuyên, từ đó chúng ta sẽ bị mất tập trung trong quá trình làm việc của bản thân. Công việc chắc chắn sẽ rất trì trệ nếu như cứ mỗi năm mười phút, chúng ta lại phải dành hai ba phút cho các trang mạng xã hội.
Quan trọng nhất, hệ quả tệ nhất mà FOMO mang lại chính là việc chúng ta không trân trọng những phút giây trong cuộc sống. Có câu châm ngôn rằng “Càng ít thì càng nhiều”, đôi khi chúng ta biết càng nhiều thứ thì lại càng không tốt. Vì càng nhiều thứ mà chúng ta biết, thì mỗi một thứ chúng ta biết đều càng nhạt nhòa. Sẽ chẳng có một thứ gì đó mà chúng ta thật sự nghiêm túc đầu tư và trân trọng. Chúng ta sẽ mãi đi tìm kiếm những thứ mới nhất mà bỏ bê đi những thứ quan trọng mà chúng ta sở hữu hoặc hướng tới.
Chẳng hạn như, thay vì tập trung vào một ngành nghề, chúng ta cứ mãi xoay ngành và chạy theo những ngành “hot” của xã hội. Điều này sẽ giúp chúng ta có nhiều kiến thức về đa lĩnh vực, nhưng sẽ chẳng có một lĩnh vực nào mà chúng ta thật sự giỏi. Ngoài ra, vì chúng ta luôn muốn cập nhật những thông tin mới, nên đôi khi chúng ta sẽ không trân trọng về những thông tin, sự kiện của người thân, bạn bè. Điều này đôi khi làm chúng ta sẽ lỡ mất những phút giây quan trọng và ý nghĩa.
Đây chính là những thông tin về FOMO cũng như những ảnh hưởng của mạng xã hội đối với hội chứng này và hệ quả. Mong là sẽ giúp các độc giả có những cái nhìn đa diện hơn về hội chứng này và cách nó ảnh hưởng đến với cuộc sống và xã hội.
Trong mỗi chúng ta, ai cũng đều có những thứ tốt đẹp của riêng mình và đáng được trân trọng, những ưu điểm riêng và những ước mơ riêng đầy thú vị. Vậy thì thay vì mãi theo đuổi và dõi theo của cuộc sống của người khác, tại sao chúng ta không trân trọng và phát triển những thứ chúng ta đang có? Hãy tập trung vào những điều giá trị và ý nghĩa của bản thân để có một cuộc sống trọn vẹn và hạnh phúc thật sự.