Nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm lĩnh vực tài chính trên không gian mạng

BÍCH VÂN - VIỆT TRUNG - NGỌC THẠCH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 19/12/2024, 15:33

(HTV) - Công an TP.HCM phối hợp Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức tọa đàm nhằm nhận diện thủ đoạn và đưa ra giải pháp phòng chống tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tài chính.

Tại Việt Nam, các vụ lừa đảo lợi dụng A.I. đã tăng tới 3.050% từ năm 2022 đến 2023.

Nổi bật nhất là các hình thức Deepfake (giả giọng nói và hình ảnh giống như thật với chất lượng cao) để lừa tiền, thao túng hành vi. Không chỉ nhắm vào các cá nhân, các tổ chức tài chính, ngân hàng – vốn được bảo mật kỹ lưỡng – cũng là mục tiêu tấn công.

Nhằm nhận diện rõ hơn các phương thức, thủ đoạn lừa đảo và đề xuất biện pháp khuyến cáo, phòng ngừa, Công an TP.HCM đã tổ chức Tọà đàm "Nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm lĩnh vực tài chính trên không gian mạng" phối hợp với Hiệp hội Blockchain Việt Nam.

Với hình thức tọà đàm mở, chương trình đã tạo diễn đàn cho lãnh đạo các cơ quan quản lý, chuyên gia, và khách mời thảo luận, trao đổi trực tiếp, đề xuất những sáng kiến thiết thực nhằm nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm tài chính trong thời đại số.

Tọà đàm cũng tập trung vào các khía cạnh chuyên sâu, giúp giải quyết những vấn đề cốt lõi trong công tác phòng, chống tội phạm tài chính số. Một trong những nội dung trọng tâm là nhận diện các thủ đoạn, hành vi tội phạm công nghệ cao phổ biến như lừa đảo đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật, khai thác dữ liệu cá nhân, và Deepfake.

Một số hình ảnh cung cấp thông tin tại tọa đàm:

Thượng tá Lê Minh Hải - Phó Trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PV05), Công an TP.HCM, chia sẻ: “Cái khó khăn hiện nay cho các đơn vị ngân hàng khi phòng chống loại tội phạm này là thiếu cơ chế phối hợp nhanh chóng giữa các bên. Thời gian tới, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các ngân hàng với cơ quan công an để phong tỏa, ngăn chặn ngay tài khoản mà bị hại chuyển tiền và tiến hành ngay các biện pháp truy xét. Đồng thời, người dân cũng cần nâng cao nhận thức, tự biết bảo vệ mình, bớt hám lợi để tránh sập bẫy lừa đảo.”

Ông Trần Huyền Dinh - Chủ nhiệm Ủy ban Ứng dụng Fintech Hiệp hội Blockchain Việt Nam, nhấn mạnh: “Cần nhanh chóng phổ cập kiến thức về Blockchain và AI đến mọi đối tượng cộng đồng để giảm thiểu tình trạng lừa đảo, nhất là đối với những người yếu thế (người lớn tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ…). Hình thức đào tạo cần linh hoạt, đa dạng, bao gồm đào tạo trực tiếp, tổ chức hội thảo, diễn đàn, đào tạo online qua MasterTeck (nền tảng học trực tuyến mở MOOC Blockchain). Đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ bảo đảm ANTT xã hội là cơ quan Công an, cần tăng cường đào tạo nội bộ, nâng cao kiến thức chuyên môn để nắm bắt và làm chủ các công nghệ tiên tiến, dễ dàng truy vết và ngăn chặn các hành vi lừa đảo.”

Tại tọa đàm, chuyên gia và các đại biểu cũng đã thảo luận về cơ chế quản lý và hành động của các cơ quan Nhà nước đối với các sàn giao dịch tiền mã hóa, tập trung vào việc phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: