Luật Chống phá rừng của EU và hành trình phát triển bền vững của hạt cà phê Việt

NGỌC QUÍ - VĨNH TIẾN - MINH KHOA - GIA KHANG - TUYẾT HỒNG - PHƯƠNG KHANH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 30/7/2023, 08:00

(HTV) - Theo Luật Chống phá rừng mới nhất của Liên minh Châu Âu EU, từ cuối năm 2024, nông sản chỉ được nhập vào EU nếu toàn bộ quy trình không diễn ra trên diện tích rừng bị chặt phá kể từ sau ngày 31/12/2020.

Theo Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWFF), tình trạng mất và phá rừng đóng góp khoảng 10% trong vấn đề nóng lên toàn cầu. Trong đó, nông nghiệp lại là động lực chính của nạn phá rừng ở tất cả các khu vực, chỉ trừ Châu Âu. Một mặt, trong khi chăn thả gia súc gây ra gần 40% nạn phá rừng toàn cầu, thì ít nhất 50% rừng toàn cầu bị phá là vì mục đích trồng trọt.

Trong đó, mức tiêu thụ hàng hóa của EU (thị trường tiêu thụ lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc) chính là nguyên nhân gián tiếp gây ra 16% tình trạng phá rừng này (báo cáo năm 2021 của Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên - WWF).

Phá rừng cho trồng trọt tác động mạnh đến môi trường

Trong chiều hướng đó, việc Nghị viện Liên minh Châu Âu (EU) thông qua luật thương mại quốc tế liên quan quy định về chống phá rừng chính là động thái mới nhất của EU nhằm giảm thiểu việc phá rừng để phục vụ hoạt động kinh tế và chống lại tình trạng nóng lên toàn cầu. 

Theo đạo luật mới, các cơ quan có thẩm quyền của EU sẽ được phép truy cập vào thông tin liên quan do các công ty cung cấp (như tọa độ định vị địa lý về các khu vực canh tác), dùng các công cụ giám sát vệ tinh và phân tích ADN để kiểm tra xem sản phẩm đến từ đâu.

Tăng trưởng kinh tế xanh giờ đây không còn là một cuộc vận động, mà đã thực sự trở thành cam kết sống - còn của hạt cà phê xuất khẩu. 

Với 1,77 triệu tấn cà phê xuất khẩu năm 2022, đạt kim ngạch trên 4 tỷ USD, Việt Nam hiện là “Á quân” trên thế giới chỉ sau Brazil trên bản đồ xuất khẩu mặt hàng này. Kết quả tích cực ấy không chỉ tạo nên giá trị kinh tế, mà còn là một trong những niềm tự hào trong xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam. 

Tuy nhiên, 27 quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu (EU) vừa qua đã chính thức thông qua đạo luật cấm nhập khẩu vào EU các sản phẩm có liên quan hoạt động phá rừng, làm suy thoái rừng. Trong đó, cà phê, cùng với một số mặt hàng như thịt gia súc, ca cao, cao su, dầu cọ, đậu nành, gỗ chịu tác động trực tiếp từ đạo luật trên. 

Tại Việt Nam, theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, trong giai đoạn 2012 - 2017, 89% diện tích rừng tự nhiên bị mất do chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, phục vụ các dự án phát triển kinh tế. Như vậy, gần như toàn bộ sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU hiện nay đều nằm trong danh mục sản phẩm bị điều chỉnh bởi luật chống phá rừng. 

Truy xuất vùng trồng thật sự là lo ngại hiện nay của nhiều doanh nghiệp Việt

Trên thực tế, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước khác cũng sẽ đối mặt với trở ngại khi phải đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh, sạch và bền vững ngày càng gắt gao của EU. Trong đó, phải kể đến Indonesia, Malaysia và Brazil.

Trong bối cảnh này, nông nghiệp Việt nói chung và hạt cà phê nói riêng muốn giữ vững, thậm chí tiến lên vị trí "số một" thế giới, cần phải có tầm nhìn và hành động bài bản từ các bộ, ngành, doanh nghiệp và bản thân người nông dân.

Hiện nay, cũng có một tín hiệu đáng mừng là các doanh nghiệp của chúng ta đã quan tâm nhiều hơn đến vùng trồng, sử dụng phân vi sinh, phân hữu cơ trên diện tích canh tác.

Luật chống phá rừng EU và hành trình phát triển bền vững của hạt cà phê Việt

Là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, hạt cà phê Việt không chỉ mang sứ mệnh góp phần tăng trưởng kinh tế, mà còn mang hình ảnh một nền nông nghiệp thân thiện với môi trường, tiệm cận với xu hướng của thế giới. Sứ mệnh này sẽ còn phải mở rộng ra với các mặt hàng nông sản khác, gắn với thương hiệu Việt Nam. Bởi lẽ, đó là con đường duy nhất để xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững trong tương lai.

 

Ý kiến của bạn: