LongFORM: Tại sao ông Trump quyết "thâu tóm" đảo Greenland?

HUY PHONG - TRÚC QUỲNH - HOÀNG TÂN // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 1/4/2025, 12:04

(HTV) - Đảo Greenland cái tên vốn chỉ gợi lên hình ảnh những tảng băng trôi và những con gấu Bắc Cực - bỗng chốc đang trở thành tâm điểm chú ý của thế giới.

Tất cả bắt đầu từ những tuyên bố táo bạo của Tổng thống Mỹ Trump muốn thâu tóm hòn đảo này. Điều gì thúc đẩy tham vọng của ông Trump?

Đảo Greenland khổng lồ, nhưng lại hoang vu, với dân số vỏn vẹn 57.000 người, lại là hòn đảo lớn nhất thế giới diện tích gấp ba lần bang Texas của Mỹ.

Sau khi thắng cử nhiệm kỳ tổng thống Mỹ thứ 2, Tổng thống Trump tiếp tục không loại trừ khả năng dùng sức mạnh quân sự để "thâu tóm" hòn đảo này về tay nước Mỹ. Ông từng nhấn mạnh: "Nước Mỹ cần Greenland để bảo vệ an ninh quốc gia. Dù bằng cách này hay cách khác, chúng ta sẽ sở hữu nó!"

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump cũng muốn có được Greenland. Và gần đây, mong muốn này liên tục được ông Trump đưa ra một cách quyết liệt. Nguồn ảnh: Reuters/AP

Về mặt địa lý, Greenland thuộc Bắc Mỹ, gần gũi với Mỹ và Canada. Nhưng về chính trị, nó lại là lãnh thổ tự trị của Vương quốc Đan Mạch một góc nhỏ của châu Âu ở gần Bắc Mỹ.

Trước đây, điều trái ngược này chẳng ai bận tâm. Mỹ và Đan Mạch vốn là đồng minh thân thiết trong NATO, từng chung tay xây dựng các căn cứ quân sự trên đảo này.

Một góc thủ đô Nuuk của Greenland vào tháng 3 năm 2025. Hàng ngàn lính Mỹ từng đồn trú trên đảo này trong chiến tranh thế giới thứ 2. Nguồn ảnh: Odd Andersen/AFP/Getty Images

Nhưng giờ, mọi thứ đã thay đổi. Tuyên bố sẵn sàng dùng vũ lực để chiếm Greenland của Trump như tạo ra cơn địa chấn trong quan hệ quốc tế. Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen lập tức chạy đôn chạy đáo khắp châu Âu, kêu gọi đồng minh đứng lên đối phó với "người bạn" Mỹ.

Bà Mette Frederiksen phản ứng cứng rắn: "Greenland không phải để bán!"

Vậy điều gì khiến hòn đảo này bỗng trở thành "miếng mồi ngon" đến vậy? Vùng đất tưởng chừng như bị lãng quên này nằm ở vị trí chiến lược giữa lòng Bắc Cực, nơi các con đường ngắn nhất nối liền các lục địa giao nhau.

"Hãy nghĩ về Greenland như một tàu sân bay khổng lồ, neo đậu ở vị trí không thể chiến lược hơn!", Tiến sĩ Scott Barry Zellen - Nhà nghiên cứu Bắc Cực, Đại học Connecticut nhận xét

Nằm giữa Mỹ, Canada, châu Âu và Nga, Greenland là chìa khóa kiểm soát con đường ngắn nhất từ phần lãnh thổ nằm ở châu Âu của Nga đi đến Mỹ. Thời Chiến tranh Lạnh, với sự cho phép của chính phủ Đan Mạch, Mỹ đã biến nơi đây thành "tai mắt" của mình với trạm radar tối tân, nhằm sớm phát hiện các vụ phóng tên lửa liên lục địa từ Liên Xô và tổ chức phản công. Nơi đây cũng là căn cứ không quân khổng lồ cho các máy bay ném bom tầm xa Mỹ.

Căn cứ Không gian Pituffik của Mỹ ở phía Bắc đảo Greenland. Nguồn ảnh: AP

Từ thế kỷ 19, nhiều đời tổng thống Mỹ đã bày tỏ tham vọng muốn sở hữu Greenland. Nhưng giờ đây, Tổng thống Trump đã thể hiện mong muốn này mạnh bạo hơn bao giờ hết. Lý do mà ông Trump đưa ra là sự hiện diện ngày càng dày đặc của Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực.

"Đứng trên đảo, chẳng cần ống nhòm, bạn cũng thấy tàu Trung Quốc, tàu Nga ở khắp nơi. Chúng tôi sẽ không để điều này diễn ra!", Tổng thống Trump cáo buộc.

Năm 1946, Tổng thống Harry Truman muốn có hòn đảo này với giá 100 triệu đôla thời bấy giờ, trả bằng vàng, nhưng Đan Mạch từ chối

Năm 1951, Mỹ và Đan Mạch từng ký hiệp ước cùng bảo vệ Greenland, và đến nay hiệp ước vẫn còn hiệu lực, và lời đe dọa của Trump khiến Đan Mạch và cả châu Âu bị sốc.

Tiến Sĩ Scott Barry Zellen - Nhà nghiên cứu Bắc Cực, Đại học Connecticut nhận xét: "Giờ đây, không phải Nga hay Trung Quốc, mà chính Mỹ - đồng minh NATO của Đan Mạch đang đe dọa sự toàn vẹn của Đan Mạch!"

Tiến Sĩ Scott Barry Zellen - Nhà nghiên cứu Bắc Cực, Đại học Connecticut

Nhưng Greenland không chỉ là vấn đề quân sự. Dưới lớp băng dày của Greenland là cả một kho tàng tài nguyên đang chờ được khai phá: vàng, kim cương, dầu mỏ, khí đốt, và đất hiếm, những thứ khiến các cường quốc thèm khát. Và biến đổi khí hậu, với hệ quả là băng tan, khiến cho việc khai thác trở nên dễ dàng hơn, đang mở ra cánh cửa cho cuộc chạy đua này.

Ngắm nhìn các tảng băng trôi và cá voi là những điểm thu hút du khách đến Greenland. Người dân Greenland chủ yếu sống bằng nghề cá và kinh doanh du lịch. Nguồn ảnh: GettyImage

Theo ước tính, Greenland đang có trữ lượng các nguyên tố đất hiếm thuộc vào nhiều nhất thế giới, gồm các nguyên tố như Scandium, Yttrium, Dysprosium and Neodymium, và các nguyên tố khác. Đây là những khoáng sản quý hiếm mà các cường quốc đang khát khao sở hữu để giành vị trí thống lĩnh trong cuộc chạy đua về công nghệ trên toàn cầu.

Đến năm 2050, Bắc Băng Dương có thể không còn băng vào mùa hè  một viễn cảnh kinh hoàng đối với các nhà môi trường, nhưng các cường quốc và tập đoàn kinh tế lại nhìn thấy đây là cơ hội làm ăn kinh tế. Ba tuyến đường hàng hải mới đầy tiềm năng đang dần hiện ra: tuyến Tây Bắc đi giữa Greenland và Canada, tuyến Biển Bắc men theo bờ biển vùng Siberia của Nga, và tuyến xuyên đỉnh Bắc Cực. Greenland nằm ở đâu? Nó nằm ngay trung tâm của cả ba!

Trong khi đó, tuyến đường hàng hải vận chuyển hàng hóa chính yếu của thế giới hiện nay là đi qua kênh đào Suez của Ai Cập và eo biển Malacca, Đông Nam Á. Vụ tai nạn tàu Ever Given mắc cạn tại kênh đào Suez, và tình hình xung đột ở Biển Đỏ, cho thấy sự mong manh của các tuyến đường hàng hải truyền thống.

So với tuyến kênh đào Suez đầy rủi ro, các tuyến Bắc Cực hứa hẹn cắt ngắn 5.000 km và tiết kiệm thời gian cả tuần vận chuyển giữa châu Á và châu Âu. Một cuộc cách mạng hàng hải đang đến gần, và ai kiểm soát Greenland sẽ nắm lợi thế khổng lồ về cả kinh tế lẫn an ninh.

Bắc Cực không chỉ là lối đi tắt, rút ngắn các hải trình thương mại, mà còn là "mỏ vàng" thực sự. Theo Cục Thăm dò Địa chất Mỹ, dưới lớp băng là 90 tỷ thùng dầu, 30% khí đốt toàn cầu, cùng vô số vàng, kim cương và khoáng sản quý hiếm.

Đột nhiên, vùng đất tưởng chừng như bị lãng quên, ở nơi tận cùng thế giới này trở thành tâm điểm của một cuộc tranh giành quyền lực khốc liệt, nơi các siêu cường như Mỹ, Nga, và cả những nước ở xa vùng này cũng đang dồn dập đặt cược. Bắc Cực không còn là vùng đất xa xôi nữa, mà đã trở thành đấu trường nơi các siêu cường tranh giành quyền lực và tài nguyên.

Nga, với 24.000 km bờ biển Bắc Cực, đang dẫn đầu cuộc chơi. Gần ¼ nước Nga nằm ở phía Bắc của Vòng tròn Bắc Cực. Nước này đang đẩy mạnh khai thác tài nguyên ở lãnh thổ của họ ở Bắc Cực. Các vấn đề về vùng kinh tế độc quyền và thềm lục địa ở vùng này đang có tranh cãi gay gắt.

Tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân Artika của Nga là tàu phá băng lớn nhất và mạnh nhất thế giới hiện nay. Các tàu phá băng thường được sử dụng để mở đường và hộ tống các tàu thương mại đi lại trên hải trình Biển Bắc

Nga cũng đã mở lại 50 căn cứ quân sự vốn đã bị đóng cửa sau Chiến tranh Lạnh, nâng tổng số căn cứ của nước này ở vùng Bắc Cực lên con số 57, so với 32 căn cứ của NATO, tức là nhiều gấp đôi. Nga tiến hành hiện đại hóa hải quân, thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm, nhanh gấp 9 lần âm thanh tại vùng này, và cho máy bay ném bom có khả năng chở vũ khí hạt nhân bay sát Alaska của Mỹ, chỉ cách 50 dặm!

Ngày 23/9/2024, một máy bay chiến đấu Su-35 của Nga đã bay tạt ngang trước mũi của một chiếc F-16 của Mỹ, chỉ cách vài mét, khi máy bay này đang bám theo một máy bay ném bom chiến lược Tu-95 của Nga trên vùng nhận diện phòng không của Alaska. Bộ Quốc Phòng Mỹ gọi hành động của máy bay Nga là "thiếu chuyên nghiệp và có thể gây nguy hiểm cho cả hai máy bay".

Phương Tây cũng không chịu thua. Mỹ và Canada tăng cường tập trận, cùng với NATO tổ chức Steadfast Defender 24  cuộc tập trận Bắc Cực lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh, quy tụ 90.000 binh sĩ từ 31 đồng minh, 50 tàu chiến và 100 máy bay. Canada cam kết chi 70 tỷ USD trong 20 năm tới để bảo vệ vùng cực.
Và Trung Quốc, dù không có lãnh thổ Bắc Cực, đã tuyên bố họ là "quốc gia gần-Bắc Cực", và đang hợp tác với Nga xây dựng "Con đường Tơ lụa Bắc cực". Tăng cường đội tàu phá băng, tăng cường đầu tư vào trạm nghiên cứu, tập trận chung với Nga gần Alaska - Trung Quốc đang lặng lẽ chen chân vào cuộc đua nóng bỏng này.

Một nhóm nghiên cứu của Trung Quốc đang lắp đặt thiết bị thăm dò gần tàu phá băng Xuelong (Rồng Tuyết) ở biển Bắc Cực. Nguồn ảnh: Xinhua

Người dân Greenland hiền hòa, sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá, bỗng thấy mình bị kẹt giữa cuộc tranh giành giữa các cường quốc. Và giữa lằn ranh tranh chấp, hơn 57.000 dân Greenland đang đối mặt với lựa chọn khó khăn. Con đường nào cho tương lai của họ dưới sức ép của các cường quốc?

Phần lớn người dân lãnh thổ tự trị này muốn độc lập khỏi Đan Mạch, nhưng kinh tế lại phụ thuộc vào Copenhagen. Mỗi năm, chính phủ Đan Mạch phải trợ cấp cho hòn đảo này 500 triệu euro, tương đương 50% ngân sách của đảo.

Một cuộc biểu tình phản đối Mỹ của người dân Greenland hôm 15/03/2025. Nguồn ảnh: AP

Trong cuộc bầu cử nghị viện Greenland ngày 12/3 vừa qua, Đảng Demokraatit ủng hộ độc lập đã thắng lớn, gửi thông điệp mạnh mẽ: "Chúng tôi muốn tự quyết!".

Những đe dọa liên tiếp của các quan chức chính phủ Mỹ đã khiến người dân Greenland đoàn kết lại. Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy gần như tất cả người dân Greenland phản đối gia nhập Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Thủ tướng Đan Mạch và Thủ tướng Greenland mới đây đã phản đối mạnh mẽ chuyến viếng thăm Greenland của phái đoàn quan chức cấp cao của Mỹ hôm 28/3.

Ban đầu chuyến thăm dự định do đệ nhị phu nhân Mỹ dẫn đầu. Nhưng kế hoạch của chuyến thăm nhanh chóng trở thành cuộc tranh cãi, vì lịch trình của nó. Bên cạnh đến thăm căn cứ Mỹ tại Greenland, bà Usha Vance và các quan chức cấp cao Mỹ dự kiến sẽ đến xem cuộc đua xe trượt tuyết do chó kéo - một sự kiện thể thao lớn của hòn đảo. 

Thủ tướng Greenland Mute B. Egede nhiều lần nói rằng "Greenland không phải để bán". Nguồn ảnh: Mads Claus Rasmussen/AFP/Ritzau Scanpix/Getty Images

Thủ tướng sắp mãn nhiệm của Greenland Mute Egede cho biết đây là chuyến thăm "không mời mà đến", và gọi chuyến thăm là "một sự khiêu khích", vì nó trùng hợp với thời điểm chính quyền hòn đảo đang bận rộn với quá trình đàm phán thành lập liên minh cầm quyền sau cuộc bầu cử nghị viện.

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã gọi chuyến thăm là "áp lực không thể chấp nhận, và sẽ chống lại".

Nhìn thấy những tranh cãi quanh chuyến thăm của vợ, Phó Tổng thống JD Vance quyết định tham gia chuyến thăm, đưa ông trở thành quan chức Mỹ cấp cao nhất từng đến Greenland. Chuyến thăm cũng chỉ giới hạn bên trong căn cứ không gian Pituffik của Mỹ trên đảo này.

Trong chuyến thăm, Phó Tổng thống Vance đã đưa ra thông điệp rõ ràng nhất cho đến nay, kêu gọi Greenland đồng ý gia nhập Mỹ. Ông cáo buộc chính phủ Đan Mạch lãng quên Greenland, thiếu đầu tư cho hòn đảo này.  

Chính phủ Đan Mạch ngay lập tức phản bác phát biểu này của ông Vance.

Những diễn biến nêu trên đặt ra thách thức lớn cho nỗ lực thâu tóm hòn đảo này của Tổng thống Mỹ Donald Trump và các cường quốc khác.

Nếu mua được Greenland, ông Trump trở thành tổng thống thứ 3 mua thêm lãnh thổ cho nước Mỹ, sau Tổng thống Andrew Johnson (mua Alaska từ Nga vào năm 1867) và Tổng thống Thomas Jefferson (mua bang Louisiana từ Pháp vào năm 1803). Nguồn ảnh: NEWSWEEK/GETTY

Liệu các cường quốc sẽ tìm ra cách thức hợp tác để cùng khai thác trong hòa bình, hay một cuộc đối đầu lớn đang đến gần? Cuộc tranh giành này sẽ tiếp tục được cả thế giới theo dõi sát sao.

Hãy tiếp tục theo dõi các chương trình của Trung Tâm Tin Tức, Đài truyền hình TP.HCM để cập nhật những diễn biến nóng bỏng từ Greenland và Bắc Cực.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: