Làm sao để Việt Nam không đánh mất cơ hội phát triển ngành vi mạch bán dẫn?

NGỌC QUÍ - NGUYỄN QUỐC - TRÚC QUỲNH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 30/11/2023, 13:15

(HTV) - Bán dẫn đóng vai trò quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt trong sản xuất thiết bị và linh kiện điện tử. Những năm gần đây, công nghiệp bán dẫn và vi mạch chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Những năm gần đây, công nghiệp bán dẫn và vi mạch chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam

Cùng với tiền đề về hợp tác quốc tế, đặc biệt sau khi nâng tầm mối quan hệ với Hoa Kỳ lên cấp đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9 vừa qua, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để thiết kế vi mạch bán dẫn tiếp tục phát huy vai trò chủ lực trong bức tranh xuất khẩu.

Thời cơ "chín muồi" để Việt Nam tạo nên bước đột phá ngành vi mạch bán dẫn

Tuy nhiên, với một ngành đòi hỏi hàm lượng công nghệ và nguồn nhân lực cao, đồng thời, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI lại đang chiếm ưu thế đến 95% tổng số doanh nghiệp ngành này tại Việt Nam. Làm sao để doanh nghiệp Việt không đánh mất cơ hội đang rộng mở? Đó là câu hỏi cho nhà nước, nhà đầu tư - sản xuất và cả nhà trường. 

Mặc dù vi mạch bán dẫn được xác định là một trong 9 sản phẩm chủ lực của nước ta hiện nay, song, trong cuộc chơi sòng phẳng với các "ông lớn" trên thế giới, và các doanh nghiệp FDI hiện nay, doanh nghiệp Việt chỉ chiếm 5% trong tổng số. Để tận dụng cơ hội mà ngành này đang mở ra, các doanh nghiệp phải mạnh dạn chinh phục thách thức và tận dụng cơ hội ngay từ những đơn hàng đầu tiên. 

Chất xúc tác quan trọng để Việt Nam tận dụng cơ hội ngành vi mạch bán dẫn

Việc duy trì và nâng tầm quan hệ với các quốc gia dẫn đầu ngành vi mạch bán dẫn như Mỹ, Nhật Bản thời gian qua được xem là chất xúc tác quan trọng để chúng ta tận dụng cơ hội đối với lĩnh vực này. Song, như các doanh nghiệp chia sẻ, chi phí đầu tư đắt đỏ và nguồn nhân lực hiện còn chưa đạt 10% nhu cầu thị trường là những rào cản cơ bản nhất mà nếu không vượt qua thì cơ hội sẽ vụt mất. 

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban quản lý khu Công nghệ cao TP.HCM nêu quan điểm: “Nếu chúng ta đi từ khâu thiết kế xuống, tức là khâu có hàm lượng chất xám cao nhất thì yêu cầu về nguồn nhân lực là quan trọng nhất và đòi hỏi cao nhất. Trên cơ sở đó, chúng ta phải tập trung phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng thiết yếu, thì mới có thể tận dụng được cơ hội này.”

Yêu cầu về nguồn nhân lực là quan trọng nhất và đòi hỏi cao nhất

Mới đây, Trung tâm điện tử, vi mạch bán dẫn (ESC) đã được thành lập tại Khu Công nghệ cao TP.HCM với khóa đào tạo giảng viên chuyên ngành đầu tiên vừa hoàn thành. Chúng ta chỉ mới ở giai đoạn "khởi động" trên hành trình dài chinh phục ngành vi mạch bán dẫn có giá trị hàng trăm tỷ đô la Mỹ. Đoạn đường nhiều thách thức phía trước vẫn rất cần nhiều nỗ lực và bản lĩnh của trí tuệ Việt.

Mới đây, Trung tâm điện tử, vi mạch bán dẫn (ESC) đã được thành lập tại Khu Công nghệ cao TP.HCM

Ý kiến của bạn: