Kỳ họp thứ 10 HĐND TP.HCM khoá X bước vào phiên chất vấn

MẠNH TRÌNH Tổng hợp // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 11/7/2023, 09:59

Tại ngày làm việc thứ hai, HĐND TP.HCM tiến hành chất vấn Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, Chủ tịch UBND Quận 1.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại kỳ họp

Sáng 11/7 diễn ra ngày thứ hai của kỳ họp thứ 10, HĐND TP.HCM khóa X. Tham dự ngày làm việc có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM.

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM và đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM, chủ trì buổi làm việc.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ và Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng, chủ trì kỳ họp. Nguồn ảnh: VIỆT DŨNG - Báo Sài Gòn Giải Phóng

Theo đó, HĐND TP.HCM sẽ tiến hành chất vấn Giám đốc Sở GTVT, Giám đốc Sở Du lịch, Chủ tịch UBND Quận 1. HĐND TP.HCM cũng sẽ tổ chức giám sát chuyên đề về việc thực hiện công tác đầu tư công trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021-2025; về thực hiện công tác nhân sự của UBND TP.HCM.

Các đại biểu tham dự kỳ họp. Nguồn ảnh: VIỆT DŨNG - Báo Sài Gòn Giải Phóng

>> Nội dung chất vấn Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm:

Tại phiên chất vấn, Đại biểu Trần Quang Thắng (Quận 11) đặt vấn đề: Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sau khi hoàn thành sẽ được đưa vận hành theo hình thức nào? Việc thu phí như thế nào và nguồn thu sẽ được sử dụng ra sao?  Đại biểu Trần Quang Thắng cũng băn khoăn về công tác phòng cháy chữa cháy ở tuyến đường sắt này?

Đại biểu Trần Quang Thắng (quận 11) đặt câu hỏi tại kỳ họp. Nguồn ảnh: VIỆT DŨNG - Báo Sài Gòn Giải Phóng

Liên quan đến tiến độ thực hiện tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), ông Trần Quang Lâm cho biết đây là công trình trọng điểm quốc gia. Dự án dự kiến hoàn thành dự án trong năm 2023 và đưa vào vận hành khai thác an toàn, hiệu quả vào năm 2024.

Đến thời điểm này, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đã công bố mẫu thẻ IC thông minh sử dụng để đi tuyến đường sắt đô thị metro số 1. Việc ứng dụng thẻ thông minh sẽ giúp việc vận hành tuyến metro thuận tiện nhất.

Về công tác PCCC, ông Trần Quang Lâm cho rằng rút kinh nghiệm trước đây tại hầm Thủ Thiêm, khi đưa tuyến metro số 1 vào vận hành, các cơ quan chức năng phải nghiên cứu kỹ phương án, các kịch bản để đảm bảo PCCC trong mọi tình huống.

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm trả lời chất vấn. Nguồn ảnh: VIỆT DŨNG - Báo Sài Gòn Giải Phóng

Trong khi đó, Đại biểu Đặng Trần Trúc Dao (Hóc Môn) thì nhắc lại tinh thần Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi quán triệt về quy hoạch giao thông của thành phố là giao thông phải đi trước mở đường cho phát triển kinh tế - xã hội và phát triển theo hướng kinh tế giao thông. Với vai trò người đứng đầu cơ quan tham mưu về phát triển giao thông của thành phố, Sở GTVT sẽ tham mưu làm kinh tế giao thông như thế nào? Ứng dụng như thế nào cho các tuyến giao thông trọng điểm của thành phố?

Đại biểu Đặng Trần Trúc Dao (Hóc Môn) chất vấn tại kỳ họp. Nguồn ảnh: VIỆT DŨNG - Báo Sài Gòn Giải Phóng

“Tại Nghị quyết 98, TP.HCM đã được Trung ương chấp thuận mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD). Vậy, Sở có chính sách gì để phát triển giao thông để giao thông vận tải thực sự thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM và vùng Đông Nam bộ?”, Đại biểu Trúc Dao đặt vấn đề?

Trả lời ý kiến này, tư lệnh ngành GTVT TP.HCM cho rằng hiện nay nhu cầu phát triển hạ tầng lĩnh vực giao thông rất lớn nhưng nguồn vốn đầu tư mới chỉ đáp ứng 30% quy hoạch. TP.HCM đã kiến nghị đưa nhiều giải pháp khác để phát triển hạ tầng giao thông như hình thức đầu tư PPP. TP.HCM cũng sẽ thúc đẩy phát triển giao thông TOD (mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng) để khai thác hiệu quả các quỹ đất dọc các dự án, tạo nguồn lực đầu tư phát triển như tại dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, các tuyến metro, đường vành đai 3…

Đoàn Thị Ngọc Cẩm (Cần Giờ) thắc mắc về tiến độ xây dựng cầu Cần Giờ?

Đại biểu Đoàn Thị Ngọc Cẩm (Cần Giờ) đặt câu hỏi tại kỳ họp. Nguồn ảnh: VIỆT DŨNG - Báo Sài Gòn Giải Phóng

Trả lời thắc mắc này, ông Trần Quang Lâm cho biết, huyện Cần Giờ có thuận lợi để phát triển giao thông xanh, thành phố du lịch. Nhưng để phát triển được thì hạ tầng phải đi trước và vấn đề được cử tri, lãnh đạo TP.HCM nhìn nhận là phải ưu tiên xây dựng cầu Cần Giờ.

Hiện nay, các cơ quan chuyên môn đã cơ bản hoàn thành việc lập báo cáo tiền khả thi với dự án và đang cùng với huyện Cần Giờ rà soát chi phí giải phóng mặt bằng. Dự án dự kiến có quy mô đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng, phấn đấu trình HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư vào cuối năm 2023, khởi công xây dựng vào ngày 30/4/2025.

Song song với việc nghiên cứu thực hiện dự án cầu Cần Giờ, TP.HCM cũng sẽ nghiên cứu dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, nghiên cứu hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối của huyện Cần Giờ.

* Trước khi các đại biểu chất vấn, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm thông tin, hệ thống giao thông thành phố đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM và vẫn là điểm nối giao thông quan trọng nhất trong khu vực và cả nước. Trong đó, thành phố có hệ thống cảng biển lớn nhất cả nước, chiếm 25% sản lượng hàng hải của cả nước. Hàng không ở thành phố cũng là một trong những cảng hàng không lớn của cả nước, đóng góp khoảng 35% vào tổng sản lượng hàng không cả nước.

Những năm qua, tình hình an toàn giao thông tại thành phố đã có những cải thiện đáng kể, nhất là giảm đáng kể số vụ tai nạn, số người bị thương và số người tử vong do tai nạn giao thông. Điều này cho thấy những nỗ lực và biện pháp đã được thực hiện để tăng cường trật tự và an toàn giao thông trong thành phố.

Ông Trần Quang Lâm cũng chia sẻ, hiện nay, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, cảng biển và các hiệp hội vận tải đang gặp khó khăn. Song, họ vẫn tin tưởng vào các chính sách, giải pháp của thành phố và sẵn lòng chia sẻ khó khăn cùng thành phố để cùng nhau vượt qua thử thách.

Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Nguyễn Thị Ánh Hoa trả lời chất vất đại biểu. Nguồn ảnh: TN

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, TP.HCM đã đạt một số kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tăng 3,55%; các lĩnh vực công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch tiếp tục phục hồi.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 1,9%. 9 ngành dịch vụ của thành phố tăng 4,92%. Thu ngân sách ước thực hiện đạt hơn 227 tỷ đồng, đạt 48,5% dự toán, chi ngân sách tăng mạnh 70,9%, trong đó chi đầu tư phát triển tăng 90,4%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 7,1%, tổng doanh thu du lịch ước đạt trên 80 nghìn tỷ đồng, tăng 62,7%, khách du lịch nội địa đến TP.HCM đạt trên 16 triệu lượt, tăng 48%, khách quốc tế đến TP.HCM trên 1,9 triệu lượt, tăng 306% so với cùng kỳ.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: