Hướng đến nâng hạng thị trường chứng khoán

TRẦN HÙNG - MINH KHOA - VIỆT TRUNG - NGỌC THẠCH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 1/4/2024, 18:00

(HTV) - Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi vào năm 2025 là mục tiêu quan trọng mà Chính phủ đã đặt ra, phù hợp với mong mỏi chung của nhà đầu tư.


Nhiều động thái tích cực từ các cơ quan quản lý và các thành viên thị trường thời gian qua chính là cơ sở để hiện thực hóa mục tiêu nâng hạng. Nổi bật nhất là việc kiểm thử hệ thống giao dịch chứng khoán mới (KRX) của nhà thầu Hàn Quốc. Sau khi kiểm thử đợt 1 bằng dữ liệu thực hồi đầu tháng 3, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM tiếp tục tổ chức kiểm thử đợt 2 với các công ty chứng khoán từ ngày 23 - 30/3, để thực hiện kiểm tra hệ thống và Cutover Test (kiểm tra việc chuyển đổi).

Việc đầu tư kỹ càng cho hệ thống mới là hết sức quan trọng, không chỉ tạo thuận lợi cho hoạt động giao dịch chứng khoán, mà còn phải nâng cao tính bảo mật, an toàn cho toàn bộ hệ thống. Vấn đề này càng được quan tâm hơn, khi ngay trong đợt kiểm thử lần 2, một công ty chứng khoán lớn đã bị tấn công mạng. Dù sự cố đã được khắc phục, nhưng việc kết nối lại hệ thống của công ty với các sở giao dịch chứng khoán phải mất hơn 1 tuần.

Không thể phủ nhận, hệ thống giao dịch dù cũ hay mới đều phải không ngừng nâng cao tính bảo mật, an toàn.

Tương tự như vậy, đối với khung pháp lý, cũng cần phải không ngừng phổ cập, tuân thủ đầy đủ để đảm bảo tính công khai minh bạch, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty chứng khoán và chủ thể khác trên thị trường.

Tại Hội nghị tập huấn về hồ sơ đăng ký chào bán, phát hành cổ phiếu do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức tại TP.HCM, cơ quan quản lý đã chỉ ra 3 nguyên nhân khiến bộ hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng của doanh nghiệp chưa đáp ứng đầy đủ quy định pháp luật.

Thứ nhất, Luật chứng khoán và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực từ năm 2021 với nhiều nội dung thay đổi so với quy định trước đây, trong đó có tách biệt điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng và chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng.

Thứ hai, thiếu sự phối hợp giữa tổ chức phát hành và tổ chức tư vấn hồ sơ phát hành trong cả một quá trình từ xây dựng phương án ban đầu đến khi kết thúc đợt chào bán.

Thứ ba, một số tổ chức tư vấn còn thiếu nghiêm túc khi thực hiện chức năng của mình, không rà soát hồ sơ trên nguyên tắc cẩn trọng.

Do đó, việc gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ trực tiếp giữa cơ quan quản lý với các tổ chức liên quan là hết sức kịp thời.

Với những nỗ lực không ngừng, triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam đã không còn xa vời. Theo nghiên cứu mới nhất của Công ty Chứng khoán VPBank, dự báo Việt Nam sẽ được tổ chức FTSE chính thức đưa vào rổ thị trường mới nổi vào tháng 9/2025. Còn với tiêu chuẩn đánh giá của tổ chức MSCI, dự báo vào tháng 6/2026, Việt Nam sẽ chính thức nằm trong danh sách mới nổi.

Theo các tiêu chí nâng hạng của tổ chức FTSE, hiện Việt Nam đã đạt chuẩn 10 tiêu chí, trong đó chủ yếu là các tiêu chí về lưu ký, thanh toán và môi trường pháp lý.

Việt Nam cũng đã đạt 2/5 tiêu chí quy định về môi trường pháp lý, đạt 3/9 tiêu chí quy định về thị trường cổ phiếu, và đạt tiêu chí chu kỳ thanh toán T+2.

Còn theo đánh giá của tổ chức MSCI, Việt Nam đã đạt được 4 tiêu chuẩn định lượng, gồm: Số lượng công ty, tổng vốn hóa thị trường, vốn hóa theo free-float, thanh khoản thị trường, đồng thời đã đạt 9/18 tiêu chí định tính, chủ yếu là các tiêu chí về lưu ký, thanh toán và môi trường pháp lý.

Trong số các tiêu chí chưa đạt chuẩn của 2 tổ chức này, nổi cộm có vấn đề hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài, quyền bình đẳng đối với nhà đầu tư nước ngoài, và ký quỹ trước giao dịch (pre-funding).

Với đà tích cực này, Việt Nam sẽ được FTSE nâng hạng trước, do tổ chức này đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng từ tháng 9/2018. Như vậy, dự kiến vào kỳ đánh giá tháng 3/2025, FTSE sẽ công bố Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp. Đến kỳ đánh giá tháng 9/2025, Việt Nam sẽ chính thức được vào chỉ số các thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE.

Còn với MSCI, do phải chờ hệ thống KRX đi vào hoạt động để thu thập phản hồi từ nhà đầu tư quốc tế và đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi, dự kiến tháng 6/2025, MSCI sẽ thông báo Việt Nam nâng hạng, và đúng một năm sau, Việt Nam chính thức được vào chỉ số các thị trường mới nổi thứ cấp của MSCI.

Những lợi ích từ việc nâng hạng là rất rõ ràng, khi thị trường chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng sẽ bước vào giai đoạn bùng nổ mới về mặt thanh khoản và điểm số. Để mọi việc tiếp tục thuận lợi, không thể thiếu những bước đi khôn ngoan, những cam kết quyết liệt nhằm xóa bỏ các rào cản như Chính phủ, các bộ ngành đã tập trung thực hiện lâu nay. Và quan trọng nhất vẫn là tính bền vững trong nâng hạng và phát triển thị trường chứng khoán.

Ông Nguyễn Quang Hưng - Chuyên gia Kinh tế của Dragon Capital nhận định: "Hiện tại với những nỗ lực của Chính phủ, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Việt Nam chúng ta đã có những thành quả nhất định, tiến gần hơn đến việc nâng hạng thị trường. Chúng ta có thể thấy rằng, thanh khoản của thị trường trong vòng 3 tháng đầu năm 2024 bình quân đạt khoảng 1,2 tỷ USD, tức là chúng ta đã cao hơn rất nhiều so với các nước đã nằm trong thị trường mới nổi. Nếu nói về vốn hóa thị trường, thậm chí Việt Nam mình cao hơn nhóm tầm trung của các nước trong thị trường mới nổi. Chúng ta đã hoàn toàn thỏa tiêu chí về thanh khoản thị trường và vốn hóa. 

Còn hiện tại Việt Nam đang vướng 3 vấn đề chính. Thứ nhất là pre-funding, tức là các nhà giao dịch nước ngoài phải ký quỹ trước giao dịch. Thứ hai là liên quan đến việc mở tài khoản cho nhà đầu tư nước ngoài cũng đang có một số cái chưa thuận tiện. Thứ ba là liên quan đến việc không còn nhiều room cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ba vấn đề này chúng tôi thấy rằng Chính phủ đang nỗ lực tập trung giải quyết. Cách đây một tuần, Chính phủ đã ban hành dự thảo liên quan đến thông tư, nghị định giúp cho các công ty chứng khoán có thể cung cấp dịch vụ xử lý vấn đề về pre-funding. Vì vậy, chúng tôi kỳ vọng các giải pháp tiếp theo có thể đưa ra trong vòng 3 - 6 tháng tới. Và kỳ vọng Việt Nam sẽ được nâng hạng vào khoảng kỳ review vào tháng 3 hoặc tháng 9/2025."

Ông Nguyễn Quang Hưng cũng đề xuất: “Các định chế tài chính, các cơ quan quản lý phải đầu tư nhiều hơn để nâng cấp hệ thống an ninh mạng, vì chúng ta không thể tránh khỏi việc phải hội nhập nhiều hơn. Riêng với TP.HCM, tôi nghĩ cần có những cơ chế đặc thù, thứ nhất là để kết nối với các công ty, tập đoàn lớn về internet và an ninh mạng trên thế giới, chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau. Thứ hai là chúng ta có cơ chế chào đón các doanh nghiệp vào đầu tư thêm cơ sở hạ tầng ở TP.HCM. Nếu có thể làm được 2 việc đó thì chúng ta có thể tiếp cận được không chỉ về nguồn vốn, mà còn về kiến thức ở bên ngoài để nâng cấp hạ tầng và hướng đến mục tiêu biến TP.HCM thành trung tâm tài chính của khu vực".

Như bất cứ lĩnh vực nào trong thời đại ngày nay, một thị trường tài chính không thể tách rời sự phát triển song hành của công nghệ. Chính hai yếu tố này đã được chúng ta tập trung đầu tư từ đầu, để có một hệ thống giao dịch mới, một hành lang pháp lý chặt chẽ, hướng đến mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán.

Cũng cần lưu ý, khi được nâng hạng thì phải ra sức giữ vững thành quả. Bởi nếu để hạ bậc sẽ là một bước lùi khó cứu vãn.

Chỉ có đẩy mục tiêu ra xa hơn, mới có thể hướng đến những thành quả cao hơn.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: