(HTV) - Mực nước ở hồ Titicaca - hồ nước ngọt lớn nhất thế giới - đang xuống thấp đến mức báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và nguồn cung cấp nước cho hàng triệu người dân.
Hồ Titicaca nằm trong dãy núi Andes ở biên giới Bolivia và Peru, được xem là hồ nước ngọt lớn nhất Nam Mỹ và cao nhất thế giới.
Nước cạn đã khiến người dân không thể di chuyển bằng thuyền như trước, mùa màng thất thu, và các đàn gia súc cũng không có đủ thức ăn và nước uống.
Mực nước hồ Titicaca đang xuống thấp đến mức báo động. Nguồn ảnh: Reuters
Anh Manuel Flores, một nông dân, nói rằng:“Chưa bao giờ tôi chứng kiến hồ Titicaca khô cạn đến thế. Khu vực canh tác đã biến mất vì thiếu nước. Trước kia, khi đến mùa khô, nước có giảm đi, nhưng sau đó khi mưa đến, lượng nước sẽ trở lại như cũ. Còn hiện giờ, nước đã xuống thấp kỷ lục, dù có mưa trở lại, thì phải mất vài năm hồ mới đạt được lượng nước ban đầu.”
Hồ Titicaca là một hệ sinh thái quan trọng đối với động vật hoang dã. Hơn thế, đây là nguồn cung cấp nước cho hàng triệu người, bao gồm cả thành phố El Alto, nằm cách hồ 40km về phía đông.
MapBiomas Agua, đơn vị đã theo dõi sự thay đổi mực nước sông hồ trong khu vực, cho biết các nguồn nước mặt tự nhiên ở Bolivia đã giảm 39% trong giai đoạn từ 1985 - 2022.
Ông Rondney Camargo, Phó Quản lý Tổ chức Giám sát hồ Titicaca, cho biết: “Có nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng này. Một mặt là các yếu tố cục bộ như nạn phá rừng, hỏa hoạn, ảnh hưởng bởi hoạt động của con người. Mặt khác là các yếu tố toàn cầu như biến đổi khí hậu, hiện tượng như El Nino"
Điều khiến các nhà khoa học lo lắng hơn là, hiện tượng El Nino sẽ còn làm trầm trọng hơn tình trạng khô hạn tại hồ, bởi vì lượng mưa sẽ giảm cộng với nhiệt độ tăng cao. Theo như báo cáo của bộ phận giám sát nơi đây, mỗi ngày mực nước đều giảm.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9