Vốn và thị trường cho doanh nghiệp xuất khẩu cần gỡ khó

VŨ TUYÊN - XUÂN HẠO // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 30/4/2024, 23:00

(HTV) - Bộ Công Thương cho rằng hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024, nhất là xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như châu Âu, châu Mỹ sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức.

Quý I/2024 xuất khẩu dệt may đạt 9,5 tỷ USD. Đơn hàng tăng nhưng giá vẫn là vấn đề khó khăn, bởi chi phí đầu vào tăng, còn đầu ra giảm, ảnh hưởng đến sự sống còn của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dệt may. Ông Trần Như Tùng - Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) lo ngại, chi phí logistics tăng sẽ ảnh hưởng biên lợi nhuận doanh nghiệp. Các khách hàng yêu cầu phát triển bền vững, nhà máy xanh, đó là thách thức, vì doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ, máy móc, đó là chi phí mà DN phải chịu....

Còn đối với ngành gỗ, lãi suất ngân hàng cũng đang gây áp lực lớn. Ông Đặng Quốc Hùng - Tổng giám đốc công ty cổ phần thủ công mỹ nghệ gỗ Liên Minh cho biết, hiện hầu hết doanh nghiệp vay vốn với lãi suất 10%. Vì ngân hàng ưu đãi cho 3-6 tháng, sau đó tăng thì áp lực lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong khi luân chuyển hàng hóa chậm thì vốn sẽ bị chậm lại. Trong khi chu kỳ sản xuất từ 3-4 tháng, đó là áp lực lớn về vấn đề lãi suất, nếu giảm thì doanh nghiệp dễ thở hơn.

Với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, năm 2024 sẽ chưa thể lấy được đủ đà để trở lại đỉnh cao của những năm trước, tuy nhiên, tâm lý doanh nghiệp đã bình tĩnh hơn. Thích nghi để tồn tại là cách để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Ông Trần Như Tùng - Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, các doanh nghiệp buộc phải thay đổi quản trị, điều hành, cắt giảm chi phí không cần thiết, thông qua các chương trình như đầu tư chuyển đổi số để giảm bớt công đoạn tiết kiệm chi phí, chỉ có yếu tố đó mới làm chi phí doanh nghiệp và giá cạnh tranh...

Đồng tình vấn đề này, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhấn mạnh, để duy trì xuất khẩu, phải mang tính dài hạn, các doanh nghiệp thường xuyên cập nhật thông tin, phối hợp đối tác cân đối lại các yếu tố cần thiết. Quan trọng là làm sao chủ động nguyên liệu, như tranh thủ liên kết, đảm bảo chia sẻ cùng người nuôi, từ đó có nguồn nguyên liệu ổn định sau này khi thị trường hồi phục lại..

Theo Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, đối với các nhà xuất khẩu, bên cạnh việc tận dụng các cơ hội ở thị trường truyền thống thì đa dạng hóa thị trường để tạo ra thị trường ngách, tạo sự khác biệt trong việc cơ cấu, chủng loại xuất khẩu của chúng ta. Các tổ chức tín dụng cần có nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp  và cơ quan xúc tiến để tổ chức xúc tiến đầu tư. Bên cạnh đó việc tổ chức chương trình nâng cao năng lực cho doanh nghiệp  vừa và nhỏ cũng rất quan trọng trong việc thúc đẩy tín dụng bền vững và đẩy mạnh xuất khẩu cũng như tăng trưởng

Đại diện ngân hàng nhà nước cho biết, ngay từ đầu năm, ngân hàng nhà nước đã chủ động các biện pháp giao hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Theo đó, mục tiêu năm nay là tín dụng sẽ tăng trưởng 15%. Về lãi suất, ngân hàng nhà nước đưa ra quan điểm là hạ lãi suất nhưng phải phù hợp bối cảnh kinh tế vĩ mô và áp lực lạm phát. 

>>> Xin mời quý vị đón xem chương trình thời sự đặc biệt kỷ niệm 49 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động vào lúc 20 giờ trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: