F&B Việt Nam: Tiềm năng vô hạn, thu hút dòng vốn đầu tư lớn

HỒNG DIỄM - KHÁNH TOÀN - QUỐC KHANH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 11/10/2024, 23:00

(HTV) - Ngành F&B Việt Nam đang trải qua giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ. Sự tăng trưởng nhanh chóng đi kèm với những thách thức mới, đặc biệt là về giá thuê mặt bằng. Tuy nhiên, thị trường vẫn rất hấp dẫn và thu hút nhiều nhà đầu tư.

Ngành F&B Việt Nam đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt khi tăng trưởng gần 11,5% trong năm 2023 đạt tổng doanh thu hơn 590.000 tỷ đồng. Sự bùng nổ của các mô hình kinh doanh ẩm thực mới như quán ăn vặt, nhà hàng giao đồ ăn đã góp phần đáng kể vào thành công này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như chi phí nguyên liệu tăng cao và sự cạnh tranh gay gắt. Dự báo năm 2024 với sự hỗ trợ của các chính sách phát triển và sự sáng tạo không ngừng, ngành F&B sẽ tiếp tục đà tăng trưởng với 10,92% đạt mốc hơn 655.000 tỷ đồng.

Không gian Quán Bụi

Với thị phần khoảng 28% theo báo cáo của iPOS.vn, TP.HCM tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu trong ngành F&B là điểm đến sôi động, đầy tiềm năng của các nhà đầu tư. Việc một số thương hiệu F&B lớn "rời bỏ" những vị trí mặt bằng "đắt địa" tại khu vực trung tâm thành phố gần đây không đồng nghĩa sức hút của ngành này bị giảm sút.

Lời chào tạm biệt những chi nhánh sở hữu vị trí “đắt địa” ngay tại trung tâm Thành phố: Starbucks Reserve Hàn Thuyên, McDonald's Bến Thành, Burger King Phạm Ngũ Lão…

Chính chủ không nêu rõ lý do, nhưng giới phân tích cho rằng nguyên nhân lớn nhất là "không kham nổi giá thuê mặt bằng", khi mà giá thuê tại các vị trí trên có thể dao động từ 300 đến 700 triệu đồng/tháng.

Theo ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam cho rằng sự "rời bỏ" mặt bằng của nhiều doanh nghiệp F&B có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, giá thuê mặt bằng ngày càng leo thang, gây áp lực lớn lên hiệu quả kinh doanh. Thứ hai, hành vi của người tiêu dùng cũng có sự thay đổi khi họ chuyển hướng sang các kênh online, giảm sự phụ thuộc vào các cửa hàng truyền thống.

Bà Từ Thị Hồng An - Giám đốc cấp cao Bộ phận cho thuê thương mại Savills TP.HCM

Bà Từ Thị Hồng An - Giám đốc cấp cao Bộ phận cho thuê thương mại Savills TP.HCM cho biết các thương hiệu quốc tế đang phải đối mặt với nhiều áp lực từ biến động kinh tế toàn cầu. Điều này khiến các doanh nghiệp này điều chỉnh kế hoạch kinh doanh tại Việt Nam, tập trung vào việc tối ưu hóa hoạt động và linh hoạt trong việc lựa chọn địa điểm mở rộng. Những động thái này cho thấy các doanh nghiệp đang tìm kiếm sự cân bằng giữa tăng trưởng và ổn định trong bối cảnh hiện nay.

Nhu cầu tìm kiếm mặt bằng

Theo Batdongsan.com.vn, trong 9 tháng đầu năm 2024, nhu cầu tìm thuê mặt bằng nhà phố đã dịch chuyển mạnh mẽ từ khu vực trung tâm ra khu vực cận trung tâm - nơi có giá thuê “mềm hơn” nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh doanh như kỳ vọng. Giá thuê vẫn tăng 06% dù 2024 được đánh giá tiếp tục là năm khó khăn đối với thị trường này.

Ông Trần Danh - Nhà sáng lập Quán Bụi Group đang sở hữu 3 thương hiệu với 12 nhà hàng, quán cà phê tại Quận 1, quận Bình Thạnh, TP. Thủ Đức. Đánh giá thị trường F&B TP.HCM còn rất nhiều dư địa phát triển, sắp tới anh sẽ cho ra mắt thêm 01 chi nhánh và 01 thương hiệu nhà hàng Thái mới.

Ông Trần Danh - Nhà sáng lập Quán Bụi Group khẳng định: “Thị trường bán lẻ TP.HCM đang mở rộng cánh cửa cơ hội cho các startup và nhà đầu tư nước ngoài. Để thành công tại thị trường đầy tiềm năng này, các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư lớn vào những vị trí chiến lược”.

Mặt bằng trung tâm có giá thuê dao động từ 10.000 - 40.000 USD/ tháng

“Không áp lực tài chính, kỳ vọng giá thuê tăng để tăng giá trị bất động sản và các chỉ số kinh tế đều tăng trưởng tốt” là những yếu tố khiến họ khó giảm giá thuê.

Ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam

Ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam nhận định rằng thị trường mặt bằng trung tâm thành phố đang trải qua một cuộc "lột xác". Thay vì tập trung vào các thương hiệu F&B truyền thống, nhiều chủ nhà đang điều chỉnh chiến lược để thu hút các ngành nghề mới nổi như logistics, ô tô. Sự thay đổi này hứa hẹn sẽ mang đến một diện mạo mới cho các trung tâm thương mại và khu vực kinh doanh sầm uất.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của TP.HCM

Trong 9 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của TP.HCM ước đạt hơn 872.000 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ và dự báo tăng 11% trong cả năm 2024. Với tính hiệu tích cực này, chuyên gia cho rằng, giá thuê mặt bằng tại trung tâm sẽ tiếp tục tăng, ước tính ít nhất bằng lãi suất ngân hàng, tức khoảng từ 5 - 6% mỗi năm. Nhận định này vẫn được giữ vững cho dù  mặt bằng “vị trí vàng" có bỏ trống từ vài tháng cho đến vài năm.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: