(HTV) - Du lịch xanh gắn liền với sự phát triển của nông nghiệp là một trong những lựa chọn của nhiều du khách khi đến với TP.HCM và từ TP.HCM về các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Thời gian gần đây chúng ta đã nghe rất nhiều về các khái niệm du lịch xanh, du lịch bền vững... Tuy nhiên, trên thực tế việc khai thác giá trị du lịch như thế nào để có thể gọi là "bền vững" thì hầu như chưa có một tiêu chí hoặc hướng dẫn cụ thể nào cho doanh nghiệp lấy làm quy chuẩn. Bắt đầu từ những mô hình nhỏ với cách tiếp cận đơn giản, gần gũi với người dân như những mô hình được chúng tôi ghi nhận trong phóng sự sau có thể là một gợi ý.
Thiên đường sắc hoa, một trong những cơ sở được hỗ trợ từ dự án "Du lịch Thụy Sĩ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam”
Với tên gọi khá mỹ miều ''Thiên đường sắc hoa", anh Phạm Văn Nhứt và vườn hoa của mình là một trong những cơ sở được hỗ trợ từ dự án "Du lịch Thụy Sĩ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam”. Từ sự tư vấn của các chuyên gia, không gian vườn hoa của anh được tổ chức lại theo hướng phát triển bền vững, sản xuất nông nghiệp sạch... Du khách khi đến tham quan còn có cơ hội làm và thưởng thức các loại bánh dân gian. Gần đây, nghề làm bột gạo Sa Đéc được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Du lịch bền vững khởi nguồn từ những mô hình nhỏ
“Thời gian sắp tới là giai đoạn đón Tết Âm lịch. Đối với khách nội địa thì họ rất thích sản phẩm về làng hoa Sa Đéc và lựa chọn tour này. Ngoài ra ở khu vực Đồng Tháp thì bên mình cũng đang mở rộng về các dòng tour trải nghiệm dành cho khách Inbound cũng như khách từ khu vực miền Bắc, miền Trung”, anh Phạm Anh Nhân - CEO Công ty Du lịch Vietnam Tourist chia sẻ.
Làng hoa Sa Đéc lớn nhất miền Tây với 4.000 hộ sản xuất hoa kiểng, là một trong ba địa điểm du lịch mới nổi tại Việt Nam. Các mô hình du lịch bền vững nên bước đầu áp dụng trên quy mô nhỏ nhằm giúp phát hiện và cải thiện những thiếu sót nhanh chóng.
Mô hình du lịch bền vững tại làng hoa Sa Đéc cho thấy tiềm năng lớn
Quan trọng hơn, điều này sẽ giúp các địa phương chủ động học tập và chia sẻ kinh nghiệm về phát triển du lịch bền vững ngay cả khi không có sự can thiệp của dự án. Bà Nguyễn Thị Lam Giang - Giám đốc Công ty Tư vấn giải pháp về du lịch và nông nghiệp bền vững cho biết công ty hướng tới việc phát triển du lịch bền vững tại những điểm đến quy mô nhỏ vì dễ tiếp cận và dễ chuyển đổi hơn. Việc làm việc trực tiếp với người dân địa phương sẽ giúp công ty dễ dàng triển khai các hoạt động, đồng thời tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa.
Các sản phẩm du lịch xanh phải gắn liền với sự phát triển của người dân địa phương
Du lịch xanh gắn liền với sự phát triển của nông nghiệp là một trong những lựa chọn của nhiều du khách khi đến với TP.HCM và từ TP.HCM về các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Tuy nhiên trên thực tế thì để cho các sản phẩm này có thể phát triển bền vững thì một trong những điều thiết yếu là phải gắn liền với sự phát triển của người dân địa phương và góp phần vào sự phát triển kinh tế địa phương. Có như vậy thì sản phẩm này mới trở thành những sản phẩm thu hút đặc trưng và tạo nên sự phát triển bền vững cho địa phương đó.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9